Mục tiêu nghề nghiệp là điều cực kỳ quan trọng với mỗi chúng ta, nó là đích đến, là kim chỉ nam giúp bạn biết được mình muốn gì, mình cần làm gì, mình sẽ đi tới đâu trong tương lai, tránh trường hợp bị mông lung, vô định, nhắm mắt đi đại xong cuối cùng lại bị chệch hướng. Vì thế, khi phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng sẽ thường đặt câu hỏi rằng mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì, họ muốn lắng nghe những quan điểm và chia sẻ của bạn. Nhưng lỡ bạn chưa biết cách trả lời câu hỏi này thì sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tham khảo gợi ý trả lời trong bài viết này nhé!
>> Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng trong CV xin việc
Nhà tuyển dụng hỏi mục tiêu nghề nghiệp để làm gì?
Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp, trước tiên, ứng viên cần hiểu được rằng nhà tuyển dụng hỏi mục tiêu nghề nghiệp để làm gì? Đầu tiên, họ muốn biết được rằng bạn đã đặt mục tiêu cho tương lai chưa, trong 3-5 năm nữa, bạn muốn mình sẽ trở thành người như thế nào, ở vị trí nào, trong lĩnh vực nào, phát triển bản thân ra sao? Nếu bạn đã có mục tiêu cụ thể, thì đây sẽ là lợi thế, vì điều đó sẽ giúp bạn ngày càng phát triển, thuận lợi hơn trong công việc, và khi làm việc tại công ty này thì sẽ mang về kết quả công việc tốt, tạo ra nhiều giá trị cho tương lai. Ngược lại, nếu bạn còn đang mông lung, mơ hồ về tương lai, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, thì bạn lấy gì để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình sẽ là nhân viên xuất sắc, là người mà công ty đang tìm kiếm?
Ngoài ra, công ty luôn muốn tuyển dụng những người có khả năng gắn bó lâu dài với công ty trong tương lai, chứ không muốn nhận vào làm việc vài ba tháng, hoặc chưa tới 1 năm mà đã xin nghỉ, vì lý do không phù hợp mục tiêu nghề nghiệp, có dự định và hướng đi khác. Để hạn chế trường hợp ấy, nhà tuyển dụng sẽ hỏi mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong buổi phỏng vấn, để xác định xem mục tiêu đó có khớp với định hướng phát triển của công ty, của vị trí mà bạn đang ứng tuyển không, càng phù hợp thì càng có khả năng bạn sẽ gắn bó lâu dài, ngược lại, nếu có quá nhiều điểm không phù hợp, hoặc bạn có định hướng khác biệt hoàn toàn, thì nhiều khả năng bạn sẽ không gắn bó lâu với công việc, và như thế thì công ty sẽ ưu tiên ứng viên khác hơn.
Đừng dại dột trả lời mục tiêu nghề nghiệp như thế này
Sau khi nắm được rằng nhà tuyển dụng hỏi mục tiêu nghề nghiệp để làm gì, thì bạn đã biết được 2 mấu chốt quan trọng mà mình cần làm rõ khi trả lời phỏng vấn về chủ đề này. Trước khi đi cụ thể hơn về gợi ý trả lời, chúng ta sẽ cùng điểm qua những trường hợp trả lời chưa tốt, đừng dại dột trra lời mục tiêu nghề nghiệp như thế này:
- Chia sẻ rằng mình mới ra trường, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, muốn vào công ty làm việc một thời gian để dần định hướng bản thân, xem mình có hợp với công việc không -> Trả lời thế này thì khả năng cao rằng sẽ bị loại, vì tâm lý trải nghiệm, muốn thử sức, lỡ không hợp công việc thì lại xin nghỉ bất kỳ lúc nào, nên thôi, ngay từ đầu nhà tuyển dụng sẽ không chọn ứng viên trả lời thế này.
- Chia sẻ rằng mình muốn vào công ty học hỏi kinh nghiệm để sau này tự khởi nghiệp, kinh doanh riêng -> Đa phần các bạn trẻ đều có mong muốn khởi nghiệp, nhưng khi chia sẻ thẳng thế này sẽ tạo ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng, họ sẽ hoài nghi rằng bạn không gắn bó được đủ lâu, khi học được những điều bạn cần thì bạn sẽ nghỉ, nhiều khi còn lấy bí mật, quy trình, phương pháp kinh doanh của công ty để tự làm cho mình nữa.
- Chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp nhưng chung chung, không cụ thể, không có cột mốc thời gian, chẳng hạn như sẽ thành công trong lĩnh vực này, sẽ thăng tiến lên cấp quản lý -> Đây là những điều ai cũng nói được, thậm chí có thể nghĩ ra ngay khi nghe câu hỏi, chứ chưa đủ thuyết phục rằng đây thật sự là mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đã xác định từ lâu và muốn theo đuổi nó.
>> 4 cách giúp bạn đạt được mục tiêu mình đã đặt ra
Trả lời phỏng vấn: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
Quay trở lại với băn khoăn được nêu ở đầu bài viết, chúng ta sẽ điểm qua một số gợi ý để trả lời câu hỏi phỏng vấn “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?”. Yếu tố tiên quyết để trả lời câu hỏi này là bạn phải có mục tiêu nghề nghiệp, phải dành thời gian để suy nghĩ xem mình thật sự muốn gì, theo đuổi công việc và phát triển sự nghiệp tương lai ra sao, trong lĩnh vực nào? Chứ không thể để tới khi được nhà tuyển dụng hỏi rồi mới chữa cháy được, vì như thế câu trả lời của bạn sẽ vừa sơ sài, không thuyết phục, vừa chưa chắc đúng với những gì bạn muốn, vì đó chỉ là suy nghĩ bộc phát chứ chưa cân nhắc thấu đáo.
Khi đã chọn ra được mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân, thì bạn nên chia sẻ mục tiêu ngắn hạn 2-3 năm, kèm theo mục tiêu dài hạn hơn 5-10 năm, để nhà tuyển dụng hiểu rõ về hướng đi sắp tới của bạn, nhưng lưu ý không nên chia sẻ về chuyện tự khởi nghiệp kinh doanh, tách ra làm riêng trong tương lai như chúng ta đã phân tích ở phần trước. Khi chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp trong buổi phỏng vấn, bạn cũng cần lưu ý tính SMART của mục tiêu, tức là nó phải cụ thể, có thể đo lường, khả thi, thiết thực và kèm theo mốc thời gian rõ ràng, tránh đưa ra những mục tiêu quá chung chung, chưa được cụ thể hoá. Ngoài ra, bạn cũng nên lồng ghép vào mục tiêu của mình rằng muốn đóng góp và gắn bó lâu dài với công ty ở vị trí mà mình đang ứng tuyển, vì bạn đã tìm hiểu kỹ, rất thích sản phẩm/dịch vụ/lĩnh vực kinh doanh của công ty. Tất nhiên, bạn cần phải có sự tìm hiểu và thích thật, chứ không nên nói suông để nịnh nhà tuyển dụng.
Nếu đang mông lung, chưa có mục tiêu thì phải làm sao?
Nếu đã tìm ra được mục tiêu nghề nghiệp, biết mình thích gì, muốn gì, thì đó là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, không phải ai cũng được như thế, nếu bạn đang mông lung, chưa có mục tiêu thì phải làm sao? Bạn cần phải sớm giải quyết chuyện này, không phải chỉ để trả lời 1 câu hỏi phỏng vấn, mà quan trọng hơn, bạn cần có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để mình theo đuổi, phấn đấu và đảm bảo bản thân đi đúng hướng. Đây là điều rất quan trọng, tác động lớn tới sự nghiệp và tương lai của bạn. Nếu đang mông lung, chưa có mục tiêu nghề nghiệp thì phải làm sao?
Đầu tiên, bạn hãy nghĩ về công việc tương lai, xem khoảng 3 năm nữa mình vẫn muốn phát triển và gắn bó trong lĩnh vực nào, nếu xác định được luôn thì quá tốt, còn nếu chưa xác định được luôn, thì bạn có thể quay lại hiện tại xem mình đang thích gì, đang có hứng thú với những điều gì, chọn ra 2-3 điều bạn quan tâm nhất, sau đó, nhìn lại bản thân xem mình đang có những ưu điểm, những thế mạnh nào, có những kiến thức liên quan tới điều nào nhất, đó tạm thời sẽ là mục tiêu hiện tại của bạn, dù chưa chắc chắn được chuyện tương lai, nhưng ít ra thì hiện tại bạn cũng biết được mục tiêu của mình, điều mình đang quan tâm và cũng đang có nhiều thế mạnh liên quan, để tăng khả năng thích nghi, hoàn thành tốt công việc, mà khi công việc của bạn luôn thuận lợi, thì dần dần bạn sẽ yêu thích nó hơn và muốn gắn bó lâu dài trong tương lai.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được gợi ý trả lời câu hỏi phỏng vấn mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cách chia nhỏ mục tiêu để tăng khả năng hoàn thành
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.