Home Công việc Phỏng Vấn: Cho Tôi Biết Những Gì Chưa Có Trong CV Của Bạn

Phỏng Vấn: Cho Tôi Biết Những Gì Chưa Có Trong CV Của Bạn

by Hoàng Khôi Phạm
Cho Tôi Biết Những Gì Chưa Có Trong CV Của Bạn

Thông thường, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết nhiều hơn về các em, về những điều mà các em chưa liệt kê trong CV. Chính vì thế, họ sẽ thường chủ động đề nghị “Cho tôi biết những gì chưa có trong CV của bạn”. Nếu nhận được lời đề nghị này, đó là cơ hội để các em nêu bật những điểm mạnh của bản thân liên quan đến công việc, những điều mà trong CV chưa thể nêu rõ được.

Nhà tuyển dụng muốn biết những gì?

Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ muốn biết những gì chưa có trong CV, nên các em đừng lặp lại những gì đã có trong CV một cách máy móc, vì như thế sẽ mất thời gian của cả đôi bên, đồng thời, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá là các em không có tư duy logic, hỏi một đằng, trả lời một nẻo.

Chính vì vậy, các em hãy liệt kê những điểm mạnh, phẩm chất mà mình chưa liệt kê trong CV để cho nhà tuyển dụng thấy mình rất phù hợp với vị trí ứng tuyển, có thể hoàn thành tốt công việc và dễ dàng hoà nhập với đồng nghiệp khi bắt đầu làm việc.

Làm thế nào để trả lời tốt về những gì chưa có trong CV?

Đề nghị “Cho tôi biết những gì chưa có trong CV của bạn” là cách để nhà tuyển dụng đào sâu và hiểu rõ hơn về ứng viên, là cơ hội để các em thể hiện rằng mình sẽ làm được những gì nếu như được vào làm việc ở công ty. Dưới đây là một số điều có thể giúp các em làm nổi bật bản thân hơn:

  • Chia sẻ về một điểm mạnh không có trong CV và liên quan đến công việc đang ứng tuyển: Cái này phù hợp với những ai có nhiều điểm mạnh quá, khiến không thể liệt kê hết trong CV. Các em có thể chia sẻ rằng những điểm mạnh nhất của mình đã được nêu trong CV, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một điểm mạnh nữa, rồi chia sẻ về nó.
  • Chia sẻ về một điểm mạnh vô hình (chẳng hạn như sự chăm chỉ, khả năng học hỏi,…): Đó là những điều mà thông thường ít ai ghi vào CV, nhưng đó lại là điều giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn, có thiện cảm hơn và đánh giá tốt về các em hơn.
  • Giải thích về lý do các em thích công việc này: Đây cũng là một cách hay để nhà tuyển dụng thấy rằng các em thực sự rất thích và muốn gắn bó lâu dài với công việc, với công ty.
  • Chia sẻ về những sở thích cá nhân ngầm thể hiện sự phù hợp với công việc: Chẳng hạn như công việc yêu cầu khả năng tư duy logic nhiều, thì các em có thể chia sẻ về sở thích chơi cờ vua, cờ caro (tất nhiên là mình phải chơi giỏi). Hoặc nếu công việc yêu cầu có thể chất tốt thì các em có thể chia sẻ rằng mình thích chạy bộ, leo núi, đá bóng,…

Dù chọn cách trả lời như thế nào thì các em cần lưu ý rằng câu trả lời phải liên quan đến công việc, phải giúp các em thể hiện rằng mình phù hợp với vị trí ứng tuyển. Đồng thời, các em nên đi thẳng vào vấn đề, đừng trả lời lan man, lạc đề nhé. Chúc các em thành công!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích