Vòng CV xin việc là thử thách đầu tiên mà bạn phải vượt qua khi bắt đầu bất kỳ cuộc đua tuyển dụng nào. Những ai chuẩn bị CV chỉn chu, tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, thì xem như đã thành công bước đầu, giúp mình tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu lần đầu viết CV xin việc, chắc hẳn bạn sẽ có nhiều băn khoăn, không biết nên viết những nội dung nào, viết thế nào cho hay, tránh mắc những lỗi sai gì,… Song song đó, cũng có một số ứng viên thắc mắc rằng có nên viết điểm yếu vào CV xin việc không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?
CV xin việc quan trọng như thế nào?
Khi tuyển dụng bất kỳ vị trí nào, nhà tuyển dụng đều sẽ tìm cách để thông tin tuyển dụng tiếp cận càng nhiều người càng tốt, với mong muốn rằng sẽ có nhiều ứng viên apply, giúp họ có sự lựa chọn đa dạng hơn, có nhiều ứng viên tiềm năng để cân nhắc và đánh giá hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các ứng viên sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người khác, chỉ những ai thật sự nổi trội, tạo được ấn tượng tốt sau các vòng tuyển dụng mới được chọn làm nhân viên chính thức, tức là bất kỳ sai sót hoặc sự thể hiện chưa tốt nào cũng có thể khiến bạn bị loại.
CV xin việc chính là bước đầu tiên để ứng viên tiếp cận nhà tuyển dụng, khi đó, họ chưa biết bạn là ai, chưa gặp, chưa từng nói chuyện, mà chỉ có thể dựa vào thông tin được viết trong CV để đánh giá, sàng lọc. Có thể nói CV xin việc chính là cánh cửa đầu tiên mà ứng viên cần bước qua nếu muốn tiếp tục có cơ hội được gặp mặt, trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng, để làm rõ hơn về năng lực và những điểm mạnh của mình. Trong thực tế, có không ít ứng viên năng lực tốt, nhưng chuẩn bị CV xin việc sơ sài, đã bị loại ngay từ vòng đầu tiên một cách cực kỳ uổng phí. Chính vì thế, CV xin việc là điều cực kỳ quan trọng mà bạn cần chuẩn bị thật chỉn chu nếu muốn tăng cơ hội việc làm cho bản thân.
Viết CV ứng tuyển việc làm dễ hay khó?
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển, thậm chí còn chưa biết cách viết CV xin việc, thì bạn sẽ dễ bị rơi vào luồng suy nghĩ rằng đó là một điều khó khăn, phức tạp, không biết nên bắt đầu từ đâu, ghi những điều gì, sắp xếp nội dung, bố cục như thế nào,… và tự làm khó bản thân, tự làm phức tạp hoá vấn đề lên. Thật ra, viết CV ứng tuyển việc làm là một điều không quá khó, khi bạn đã trải qua 2-3 lần viết CV, thì tự dưng bạn sẽ quen với điều này, chuẩn bị CV một cách dễ dàng, thậm chí ở các lần ứng tuyển tiếp theo, bạn chỉ cần chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung thêm một số thông tin từ CV cũ của mình thôi, là đã có được một chiếc CV mới toanh, cập nhật chính xác năng lực và kinh nghiệm làm việc của mình ở thời điểm hiện tại, chứ không cần phải mất công viết lại CV từ đầu nữa.
Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu thêm rằng, viết CV ứng tuyển là chuyện không quá khó, còn muốn viết sao cho ấn tượng, để được nhà tuyển dụng auto chọn vào vòng trong mới là điều khó, đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm rõ tâm lý nhà tuyển dụng, biết được rằng vị trí ứng tuyển có những yêu cầu mấu chốt nào, rồi viết đúng vào những điểm ấy.
>> Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng trong CV xin việc
Có nên viết điểm yếu vào CV xin việc không?
Quay trở lại với câu hỏi được nêu ra ở đầu bài viết, có nên viết điểm yếu vào CV xin việc không? Một số ứng viên cho rằng mình nên có sự khác biệt, nên mạnh dạn viết điểm yếu của bản thân vào trong CV luôn, để khiến nhà tuyển dụng ấn tượng với CV của mình. Đúng là viết điểm yếu vào CV xin việc thì nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng ngay lập tức, nhưng ấn tượng tốt hay xấu thì chưa biết, chưa thể chắc chắn là điều đó giúp bạn đến được vòng tiếp theo. Với quan điểm của tác giả, trừ khi bạn cực kỳ thành thạo cách viết CV, và biết cách chèn điểm yếu vào sao cho tinh tế, khéo léo khoe ưu điểm từ chính những nhược điểm của mình, thì bạn mới nên viết chúng vào. Còn nếu chưa tự tin lắm, thì bạn không nên viết điểm yếu vào CV xin việc, vì một số lý do sau đây:
- Các nội dung cần có khi viết CV xin việc thường sẽ là thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, học vấn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khoá (với sinh viên mới ra trường), và người tham khảo, tức là sẽ không có nội dung liên quan tới điểm yếu của ứng viên;
- CV xin việc nên được gói gọn trong 1 mặt A4, không nên viết quá dài dòng, lan man, vì nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc hết, trừ những điều bạn nghĩ có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, thì không nên tham lam liệt kê ra thêm những thông tin không cần thiết, bao gồm phần điểm yếu;
- Nếu bạn lỡ liệt kê trúng một số điểm yếu tối kỵ trong công việc, ảnh hưởng xấu tới kết quả làm việc, thì xem như mất cơ hội việc làm ngay, và tất nhiên bạn sẽ khó lòng lường trước được rằng nên hay không nên nhắc tới những điểm yếu nào, vậy thì tốt nhất là mình không nên tự viết vào CV khi chưa được nhà tuyển dụng hỏi.
Nên làm nổi bật những nội dung nào trong CV xin việc?
Thay vì mạnh dạn làm nổi bật CV xin việc bằng cách viết những điểm yếu của mình vào, thì bạn nên có hướng đi khác, an toàn và khả thi hơn. Vậy nên làm nổi bật những nội dung nào trong CV xin việc? Tuỳ theo từng vị trí ứng tuyển và điểm mạnh riêng của mỗi người, mà bạn có thể cân nhắc để làm nổi bật các nội dung phù hợp nhất.
Chẳng hạn như bạn đang ứng tuyển một vị trí yêu cầu chuyên môn cao, cần tìm người cực kỳ nhiều kinh nghiệm trong ngành, thì tất nhiên bạn nên làm nổi bật các thông tin liên quan tới kinh nghiệm làm việc của mình, rằng bạn từng đảm nhiệm các vị trí nào, vững các nghiệp vụ chuyên môn nào, gặt hái được những thành tựu đáng kể nào ở các công ty trước đây? Hoặc nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, và tự thấy rằng mình có thế mạnh về kiến thức, học vấn, thì hãy làm nổi bật điều đó trong CV xin việc, rằng mình tốt nghiệp loại giỏi, điểm trung bình tích luỹ bao nhiêu, đạt được những học bổng nào, có chứng chỉ ngoại ngữ nào,…
Tất nhiên, bạn càng làm nổi bật nhiều điểm mạnh của bản thân, liên quan tới vị trí ứng tuyển, thì càng giúp mình gia tăng cơ hội được chọn vào vòng tiếp theo. Nhưng bạn cũng cần lưu ý đảm bảo sự ngắn gọn, súc tích cần có của CV xin việc, tránh việc tham lam liệt kê ra quá nhiều thông tin, sẽ dễ khiến nhà tuyển dụng bị rối và giảm bớt sự tập trung vào các thông tin thật sự quan trọng. Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng có nên viết điểm yếu vào CV xin việc không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Trầm tính, ít nói có phải là điểm yếu khi đi làm không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.