Home Công việc Công Ty Gia Đình Là Gì, Nhận Biết Bằng Các Đặc Điểm Nào?

Công Ty Gia Đình Là Gì, Nhận Biết Bằng Các Đặc Điểm Nào?

by Hoàng Khôi Phạm
Công Ty Gia Đình Là Gì, Nhận Biết Bằng Các Đặc Điểm Nào?

Khi sinh viên mới ra trường tìm việc làm, các em sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển, chưa biết cách lựa chọn công ty, công việc sao cho phù hợp nhất, thậm chí nhiều bạn còn rải CV lung tung, apply đại, vì cho rằng có công ty nhận vào làm việc là mừng rồi, không đòi hỏi gì hơn. Điều này dẫn tới thực trạng là sau khi vào làm việc một thời gian, các em cảm thấy có gì đó sai sai, sao không có quy trình làm việc cụ thể, và mọi người làm việc theo kiểu cả nể, quen biết trên các mối quan hệ cá nhân. Đó là một ví dụ của công ty gia đình, để hiểu rõ hơn về chủ đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem công ty gia đình là gì, nhận biết bằng các đặc điểm nào?

>> Cấp trên nói 2 lời, trước sau bất nhất thì phải làm sao?

Công ty gia đình là gì?

Công ty gia đình là cụm từ để chỉ công ty mà đa số thành viên trong ban giám đốc, ban lãnh đạo cấp cao hầu như đều có mối quan hệ cá nhân mật thiết với nhau, không nhất thiết phải là người thân trong gia đình, chỉ cần đó là các mối quan hệ thân thiết ngoài đời sống, thân quen từ trước, rồi mời nhau về cùng làm chung công ty, thì cũng được tính là công ty gia đình. Sau khi tìm hiểu công ty gia đình là gì, có thể bạn sẽ cho rằng đây cũng là điều bình thường, khi mở công ty thì người ta cũng muốn mời người quen về làm việc cùng, vì đã hiểu tính nhau từ trước, hoặc thấy được rằng người quen của mình giỏi, có năng lực tốt thì mời về làm việc thôi.

Đó là góc nhìn tích cực của bạn, tuy nhiên, trong thực tế, công ty gia đình cũng tồn tại nhiều mặt trái, nhiều điểm tiêu cực khiến ứng viên cứ truyền tai nhau rằng đừng làm việc trong công ty gia đình, vì sao lại như thế? Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng phân tích những mặt lợi/hại khi một công ty vận hành theo hình thức công ty gia đình, và liệu có nên làm việc trong môi trường như thế không?

Có nên làm việc trong công ty gia đình không, lợi/hại thế nào?

Bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt của nó, nếu đọc kỹ lại định nghĩa công ty gia đình là gì, thì bạn sẽ thấy rằng bản chất ban đầu của nó hoàn toàn bình thường, đâu có ai dám khẳng định rằng công ty gia đình sẽ không thể thành công, sớm muộn gì cũng lụi bại, và cũng chẳng thể quy chụp rằng cứ hễ là công ty gia đình thì môi trường làm việc sẽ không tốt, không thể phát triển, hoặc bị chèn ép? Trong thực tế, cũng có nhiều công ty gia đình kinh doanh thành công, lợi nhuận tốt, và ngày càng phát triển vững mạnh hơn, có tiếng vang trong nhiều lĩnh vực, vì ban lãnh đạo là người đã quen biết nhau, hiểu nhau, nắm được quan điểm và cách làm việc của nhau, nên sẽ phối hợp cực kỳ ăn ý trong công việc, thống nhất được quan điểm kinh doanh, ra quyết định một cách đồng thuận, đúng đắn nhất.

Nếu giữ nguyên bản chất ban đầu, vận hành một cách minh bạch, công bằng, khách quan, thì thật ra công ty gia đình nó chỉ đơn thuần là một tên gọi, ám chỉ một công ty mà ban lãnh đạo toàn là người thân quen với nhau, chứ cũng chẳng khác gì một công ty bình thường. Tuy nhiên, càng ngày càng xuất hiện nhiều biến thể của công ty gia đình theo chiều hướng xấu, tồn tại nhiều điểm tiêu cực, khiến nhiều người có ấn tượng xấu, rồi đi truyền tai nhau, khiến cho hình ảnh công ty gia đình ngày càng trở nên xấu đi trong mắt mọi người, nhất là với những ai đang có ý định tìm việc làm, thường sẽ muốn né, không muốn vào công ty như thế. Chẳng hạn như chuyện cả nể nhau, thấy người kia làm việc không tốt, nhưng không ý kiến, chưa đủ năng lực nhưng vẫn cho ngồi ở vị trí quản lý cấp cao, rồi lạm quyền, thiên vị, cảm tính khi ra quyết định, khiến nhân viên cấp dưới cảm thấy ngán ngẩm, mệt mỏi, muốn sớm thoát khỏi môi trường làm việc toxic như thế, nhất là khi phải chịu đựng một người cấp trên chỉ nhờ mối quan hệ mà được làm sếp, chứ năng lực thì chưa đủ để ngồi ở vị trí đó.

>> Chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao?

Nhận biết công ty gia đình bằng các đặc điểm nào?

Mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng, từ đó sẽ kéo theo những nhận định và quan điểm khác nhau về công ty gia đình, nếu bạn thấy không có vấn đề gì, chỉ cần chịu khó tìm hiểu kỹ một chút, chọn được các công ty gia đình nhưng vận hành một cách rõ ràng, minh bạch, công bằng, rồi vào làm việc bình thường thôi. Tuy nhiên, nếu vốn dĩ bạn đã có ấn tượng rất xấu về công ty gia đình, đã từng có trải nghiệm tồi tệ khi làm việc trong môi trường như thế, và kiên quyết không muốn lặp lại điều đó trong tương lai, thì bạn cần nắm được các đặc điểm nhận biết công ty gia đình, để mình còn tránh, hoặc khi đang làm việc rồi mà phát hiện ra thì mình cũng biết đường mà xử lý.

Đầu tiên, đó là ban lãnh đạo công ty toàn là người thân, người quen, bạn bè thân thiết với nhau. Số lượng nhân viên trong công ty cũng thường không quá nhiều, chỉ tầm 20-30 người trở xuống, thậm chí một số công ty chỉ có tầm 10 người. Nhân viên cấp dưới hầu như rất khó để thăng tiến, vì các vị trí cấp cao trong công ty đều đã có người ngồi và ngồi rất ổn định, vì họ cả nể nhau nên sẽ không có chuyện giáng chức hay cho cấp lãnh đạo nghỉ việc, hoặc khi có người xin nghỉ thì cũng có người quen khác được mời vào làm việc. Trong cách làm việc thì họ thường sẽ cả nể, nhường nhịn cho nhau, bao che, lấp liếm những lỗi sai của nhau, cứ làm việc cho qua ngày qua tháng, yên bình ngồi trên chiếc ghế của mình. Khi gặp những vấn đề khó khăn, phức tạp, họ tự lượng sức thấy bản thân không giải quyết được thì đẩy hết việc và trách nhiệm cho nhân viên cấp dưới.

Nếu đang làm trong công ty gia đình thì phải làm sao?

Thật ra, trừ chuyện công ty có ít nhân viên là điều mà bạn có thể dễ dàng nhận biết khi đi phỏng vấn, thì những điều còn lại hầu như tới khi vào công ty làm việc rồi, thì mới phát hiện ra được. Nhưng mới chỉ có 1 dấu hiệu đó thì cũng chưa thể kết luận chính xác được. Chính vì thế, trường hợp vào công ty làm việc xong mới biết đó là công ty gia đình sẽ khá phổ biến, chứ hiếm ai nhận ra được từ trước khi vào làm. Vậy nếu phát hiện mình đang làm trong công ty gia đình thì phải làm sao? Đầu tiên, bạn cần phải bình tĩnh thu thập thông tin, xem liệu có trùng khớp nhiều dấu hiệu nhận biết như ở phần trước không, nếu chỉ có 1-2 dấu hiệu thì bạn không nên vội kết luận, còn nếu đã có tận 4-5 dấu hiệu, hoặc thấy trùng khớp y chang, thì đó chính là công ty gia đình.

Khi đó, bạn cần ngẫm nghĩ lại xem trong thời gian làm việc vừa qua, bạn đã phải chịu những sự bất công, mệt mỏi, vô lý, hay có sự thiên vị nào khi làm việc ở môi trường đó chưa? Tình hình làm việc, quy trình, tính chất công việc và môi trường làm việc có giống như bạn kỳ vọng, giống như đôi bên đã trao đổi từ khi phỏng vấn không? Rồi nghĩ xa hơn tới tiềm năng trong tương lai, khi bạn ở lại công ty, gắn bó lâu dài và hoàn thành tốt công việc của mình, thì bạn có khả năng được tăng lương, thăng tiến, phát triển sự nghiệp không?

Nếu các câu trả lời đều tích cực, thì bạn nên tiếp tục làm việc, vì như đã làm rõ từ đầu, bản chất công ty gia đình không xấu, mình vẫn có thể làm việc và phát triển, chỉ khi bạn vào nhầm những công ty tiêu cực, thấy câu trả lời cho những điều phía trên toàn là những nội dung không tốt, thì mới cần phải rời đi, tìm công việc khác phù hợp hơn.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng công ty gia đình là gì, các đặc điểm nhận biết, và nếu đang làm việc trong công ty gia đình thì phải làm sao? Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Tác hại khi làm kinh doanh nhưng không giữ chữ tín

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích