Trước khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên năm cuối thường sẽ phải trải qua khoảng thời gian đi thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp, đây là một thử thách không hề đơn giản, nhưng bắt buộc các em phải đối mặt và vượt qua. Nghe nói rằng khi đi thực tập phải có dấu mộc của công ty để xác nhận, thì mới được nhà trường công nhận kết quả. Vậy dấu mộc thực tập là gì, có bắt buộc không, lỡ công ty không cho thì sao?
>> Điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập
Dấu mộc thực tập là gì?
Dấu mộc thực tập là dấu mộc tròn của công ty, hay còn gọi là con dấu doanh nghiệp, có giá trị pháp lý trong việc xác minh các giấy tờ, chứng từ chính thống trong hoạt động kinh doanh của công ty. Khi sinh viên đi thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp, thì trong báo cáo thực tập/nhật ký thực tập và khoá luận tốt nghiệp thường sẽ có một trang với nội dung xác nhận thực tập, trong đó sẽ có nhận xét từ phía công ty về quá trình thực tập của sinh viên, những ưu nhược điểm, mức độ nghiêm túc của các em, và đóng dấu mộc đỏ của công ty. Nhưng vì sao sinh viên đi thực tập lại cần dấu mộc xác nhận?
Vì sao sinh viên đi thực tập cần dấu mộc xác nhận?
Rất nhiều sinh viên khi biết chuyện đi thực tập phải cần dấu mộc xác nhận, thì ngay lập tức thắc mắc rằng vì sao nhà trường lại cần điều đó, tự nhiên làm phức tạp hoá vấn đề lên, các em cho rằng dấu mộc đỏ của công ty đâu dễ gì lấy được, lỡ mình tốn thời gian 3 tháng thực tập xong mà cuối cùng công ty không cho dấu mộc thì sao?
Trong thực tế, có một số trường hợp sinh viên không đi thực tập, mà lấy số liệu trên mạng, hoặc tự chế ra số liệu để làm bài, hoặc một số bạn tự hỏi anh chị, cô chú, để xin số liệu trong công ty của người quen, rồi cho vào bài làm, chứ không đi tới công ty như yêu cầu của trường. Để hạn chế tối đa các trường hợp sai quy định ấy, thì các trường đại học cần có dấu mộc xác nhận thực tập của công ty, để xác định rằng sinh viên đã thật sự có đi thực tập đàng hoàng. Sau khi hiểu rõ được điều này, thì sinh viên cứ thế mà làm theo, nhà trường yêu cầu sao thì mình làm vậy, nhưng một vài bạn vẫn quan ngại rằng dấu mộc thực tập có bắt buộ không, lỡ công ty không cho thì sao, có thay thế bằng giấy tờ khác hoặc hình thức xác nhận khác được không?
>> Sinh viên có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không?
Dấu mộc thực tập có bắt buộc không, công ty không cho thì sao?
Thật ra, chuyện xin dấu mộc không phải vấn đề gì quá to tát đối với doanh nghiệp, thông thường, các công ty khi tuyển thực tập sinh đều hiểu rằng bên cạnh chuyện đi thực tập để học hỏi kinh nghiệm, làm báo cáo, khoá luận tốt nghiệp, thì sinh viên cũng cần được công ty cung cấp dấu mộc xác nhận vào cuối kỳ thực tập, nên họ cũng sẽ thoải mái trong việc này, miễn sao các em đi thực tập đàng hoàng, nghiêm túc, thì cuối cùng sẽ nhận được dấu mộc kèm theo nhận xét tốt về mình. Còn nếu các em quan ngại lỡ xui xui công ty không cho dấu mộc, thì hãy trao đổi thẳng thắn chuyện này ngay từ đầu với nhà tuyển dụng khi mình đi phỏng vấn, nếu họ đồng ý thì mình yên tâm đi thực tập, còn không đồng ý thì mình tìm phương án khác.
Đa số trường đại học sẽ yêu cầu sinh viên bắt buộc phải có dấu mộc thực tập để xác nhận chuyện mình đã đi thực tập, và các số liệu, dữ liệu và phân tích trong bài làm của các em đều dựa trên sản phẩm/dịch vụ/tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, chứ không phải là các con số ảo. Tuy nhiên, nếu lỡ công ty không cho dấu mộc thực tập, hoặc vì một số lý do nội bộ không thể lấy con dấu công ty để sử dụng cho việc này, thì sinh viên có thể thay thế bằng các hình thức xác nhận khác theo quy định của từng trường. Chẳng hạn như trường mình yêu cầu xác nhận thực tập qua email, hoặc qua thẻ nhân viên (thẻ thực tập sinh), hoặc bảng chấm công khi đi thực tập, thì các em chỉ việc nộp đầy đủ là được, miễn sao chúng chứng minh được rằng các em có đi thực tập, chứ không dùng số liệu ảo.
Khi đi thực tập, sinh viên cần lưu ý những gì?
Sau khi giải đáp rằng dấu mộc thực tập là gì, có bắt buộc không, thay thế bằng các hình thức xác nhận khác được không, thì sinh viên cũng đã yên tâm hơn, không còn quá lăn tăn, đau đầu về chuyện đó nữa. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem khi đi thực tập sinh viên cần lưu ý những gì?
Đầu tiên, đó chính là các em phải tập trung cao độ, làm việc đàng hoàng, nghiêm túc, chăm chỉ, không được mang tâm lý rằng mình chỉ đang thực tập, lương thấp hoặc không lương, rồi ỷ lại, lơ là, vừa làm vừa chơi, vì điều đó sẽ khiến các em tạo ấn tượng xấu trong mắt anh chị hướng dẫn thực tập, khả năng cao rằng cuối kỳ thực tập sẽ bị đánh giá, nhận xét không tốt. Tiếp theo, các em cũng cần đảm bảo mình tuân thủ các quy định của công ty, về giờ giấc, đồng phục, cách giao tiếp, quy trình làm việc, nó vừa giúp các em tạo ấn tượng tốt, vừa giúp mình làm việc nghiêm túc hơn, từ đó cũng sẽ học hỏi được nhiều điều hữu ích cho bản thân, nhất là về tác phong làm việc chuyên nghiệp. Song song đó, sinh viên cũng nên vừa thực tập vừa thu thập thông tin, dữ liệu cần thiết cho bài khoá luận, hoặc vừa thực tập vừa hoàn thành khoá luận luôn, tránh trường hợp mải mê thực tập, tới cuối cùng lại chưa đụng chạm gì tới bài làm của mình, lúc đó sẽ dễ bị hoang mang, bị rối khi gần tới hạn nộp bài mà mình chưa làm được tới đâu, rồi làm đại, sẽ dễ bị điểm kém.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng dấu mộc thực tập là gì, có bắt buộc không, công ty không cho thì sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Đi thực tập nhưng chưa chọn được đề tài khoá luận thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.