“Để mai tính”, “việc gì khó cứ để ngày mai” là những câu nói cửa miệng của những người có thói quen trì hoãn. Thói quen trì hoãn khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, bớt áp lực ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó lại khiến bạn cực kỳ stress và mệt mỏi trong tương lai, đặc biệt là khi công việc chất đống, việc này chồng lên việc kia và deadline đang đến gần. Hãy cùng điểm qua những hậu quả khôn lường của thói quen trì hoãn và cùng tìm ra phương án giúp bạn khắc phục nó nhé.
>> 4 cách giúp bạn đạt được mục tiêu mình đã đề ra
Để mai tính – nhưng trước sau gì cũng phải tính
Khi buột miệng nói ra câu “để mai tính”, bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn, tự nhiên dẹp bớt được công việc sang một bên thì ai mà chẳng thích. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giúp bạn trốn tránh công việc ở thời điểm hiện tại, rồi đến ngày mai thì sao, trước sau gì cũng phải tính thôi. Nếu bạn thường xuyên nói câu này, thì bạn đang là người có thói quen trì hoãn đấy.
Khi đi học, sinh viên nói “để mai tính” để có thể thoải mái lướt Facebook, Tiktok, đi chơi với bạn bè, nhưng rồi hôm sau lại phải vò đầu bứt tóc vì mớ bài tập chất đống. Khi đi làm, bạn nói “để mai tính” với công việc của ngày hôm nay, nhưng sang ngày mai, vừa phải làm công việc mới, vừa phải xử lý công việc cũ còn dang dở, thì thật sự còn đau đầu hơn rất nhiều. Nói chung là “để mai tính” sẽ không giúp bạn bỏ bớt công việc như bạn đang nghĩ, mà nó sẽ khiến bạn ngập chìm trong mớ công việc khổng lồ vào ngày hôm sau.
Thói quen trì hoãn khiến bạn dễ bị trễ deadline
Bên cạnh việc làm cho bạn ngập tràn trong đống công việc, thì thói quen trì hoãn còn khiến bạn dễ bị trễ deadline. Thay vì công việc đó mình làm từ từ, rồi gần tới deadline sẽ hoàn thành, thì bạn lại cứ dời nó từ ngày này sang ngày khác, thậm chí chờ khi gần đến deadline thì mới cuống cuồng vắt giò lên cổ mà chạy, nước đến chân mới nhảy, như thế thì khả năng trễ deadline sẽ rất cao. Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp sinh viên ôn thi. Thời gian ôn thi thường sẽ khoảng 2 tuần, tuy nhiên, không ít sinh viên để sát ngày thi mới bắt đầu ôn tập, học ngày học đêm, nhưng kết quả chẳng đi tới đâu vì ôn thi gấp rút như vậy thì làm sao mà hiệu quả được?
Ngoài ra, khi có thói quen trì hoãn, bạn cũng sẽ dễ rơi vào trường hợp có quá nhiều việc phải làm cùng một lúc, bao gồm các công việc mới và các công việc cũ mà mình đã delay. Khi đó, bạn sẽ không biết nên làm cái nào trước, làm cái nào sau. Hoặc thậm chí cho dù bạn có sắp xếp được thứ tự ưu tiên cho các công việc thì bạn cũng sẽ khó lòng hoàn thành chúng đúng deadline, vì thời gian quá gấp rút và số lượng công việc phải làm quá lớn. Nếu làm chỉn chu thì trễ deadline, nếu làm qua loa cho xong nhanh thì lại không đảm bảo chất lượng…
Càng trì hoãn thì thành công càng đến muộn
Vì sao có những người thành công từ rất sớm? Vì họ sớm có sự chuẩn bị cho tương lai, họ sớm vạch ra mục tiêu và lộ trình cụ thể để theo đuổi mục tiêu. Họ cũng phải rất cố gắng, nỗ lực, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để chạm tay đến thành công. Đặc biệt, trong từ điển của họ chắc chắn sẽ không bao giờ có những cụm từ như “trì hoãn”, ” để mai tính”,…
Càng trì hoãn thì thành công càng đến muộn. Sinh viên có thói quen trì hoãn sẽ không chủ động trong học tập, đi học về không hoàn thành bài tập mà lại dời sang ngày mai, ngày mốt rồi cuối cùng làm đại, làm qua loa cho xong. Rồi gần đến ngày thi mới chịu ôn tập vì những ngày trước bận đi chơi… Như thế thì các em sẽ đạt kết quả học tập kém, tất nhiên cũng sẽ khó lòng vững kiến thức chuyên ngành, gây nhiều khó khăn cho quá trình xin việc và cơ hội thăng tiến sau này. Khi đi làm, người có thói quen trì hoãn cũng sẽ thiếu chủ động trong công việc, làm gì cũng tàn tàn, dời hết từ ngày này sang ngày khác, mãi mà chưa hoàn thành xong công việc, thậm chí có khi còn trễ deadline. Như vậy thì làm sao mà thành công được?
>> Muốn thành công – Hãy rèn luyện 5 thói quen này
Làm thế nào để khắc phục thói quen trì hoãn?
Sau khi điểm qua những phần trên, chắc chắn bạn đang muốn khắc phục ngay thói quen trì hoãn, không muốn nó gây ra những tác động xấu đến tương lai của mình. Nhưng phải làm thế nào để khắc phục thói quen trì hoãn? Mất bao lâu để bạn loại bỏ được thói quen xấu này? Thói quen trì hoãn được hình thành trong một khoảng thời gian dài, khiến nó trở thành một thói quen xấu khó bỏ. Chính vì thế, để khắc phục nó thì bạn cũng cần thời gian, chứ không phải đùng một cái là ngay ngày mai bạn đã khắc phục được nó.
Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản như là rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, lên thời gian biểu công việc rõ ràng và tuân thủ đúng thời gian biểu đó. Hãy hạn chế tối đa việc dời lịch từ hôm nay sang ngày mai, điều này sẽ giúp bạn nghiêm túc hơn với công việc và dần loại bỏ thói quen trì hoãn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tự tạo động lực cho bản thân, tức là nếu hoàn thành tốt tất cả công việc trong ngày thì bạn sẽ tự thưởng cho bản thân một thứ mà mình thích, như thế, bạn sẽ có động lực để làm việc, không trì hoãn chúng sang hôm sau nữa.
Cuối cùng, hãy lấy thành công làm đích đến, hãy nghĩ rằng nếu bạn tiếp tục thói quen trì hoãn thì đến bao giờ mới chạm tay được đến thành công? Mỗi khi có ý định trì hoãn một công việc nào đó, bạn hãy nghĩ đến việc những người khác đang vượt qua mình, đang đến gần với thành công hơn mình, đang chuẩn bị có một công việc tốt hơn mình, mức lương cao hơn mình. Ví dụ dễ thấy nhất là khi công ty cân nhắc một nhân viên lên vị trí quản lý, chắc chắn một người chuyên trì hoãn công việc sẽ không bao giờ được đề cử. Hiểu rõ được điều này, chắc chắn bạn sẽ không trì hoãn nữa, mà sẽ luôn tiến về phía trước để sớm đạt được thành công mà mình mong muốn. Chúc bạn thành công!
>> 4 kiểu người mãi mãi không bao giờ thăng tiến
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.