Khi đi làm, hầu như tất cả chúng ta đều mong muốn sẽ được làm việc trong một môi trường tốt, đồng nghiệp hoà thuận, sẵn sàng teamwork, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Tuy nhiên, thực tế thường sẽ có nhiều bất ngờ, không phải lúc nào đi làm cũng may mắn chọn được một công ty tốt, tức là vẫn có trường hợp bạn xui rủi vào trúng môi trường làm việc toxic, cảm thấy bản thân không được cấp trên hoặc đồng nghiệp tôn trọng. Đi làm mà không được tôn trọng thì phải làm sao?
>> Thái độ có quyết định kết quả làm việc không?
Đi làm có cần được tôn trọng không?
Trước khi giải đáp vấn đề đi làm mà không được tôn trọng thì phải làm sao, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trước xem liệu đi làm có cần được tôn trọng không? Có quan điểm cho rằng đi làm thì chỉ cần tập trung làm việc, hoàn thành công việc, rồi nhận lương mỗi tháng là được, những vấn đề khác ngoài công việc thì mình không cần quá bận tâm, đồng nghiệp có nói này nói nọ hay làm gì cũng mặc kệ, chẳng ảnh hưởng gì tới mình, hơi đâu mà quan tâm.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng được tôn trọng là một nhu cầu cơ bản mà bất kỳ ai cũng cần có, đó là điều hoàn toàn bình thường, không phải đòi hỏi gì quá lớn lao, cho dù chỉ là thực tập sinh, sinh viên mới ra trường đi làm, hay người mới vào công ty làm việc, chân ướt chân ráo chưa biết gì, thì chúng ta cũng cần được đồng nghiệp và cấp trên tôn trọng, đối xử công bằng, văn minh, không chèn ép, không bắt nạt, không toxic. Theo bạn, quan điểm nào đúng hơn? Đa số mọi người sẽ thiên về quan điểm thứ 2, tức là khi đi làm thì chúng ta đều cần được tôn trọng, và đó là điều hoàn toàn chính xác.
Những dấu hiệu khi đi làm không được tôn trọng
Nếu bạn là một người nhạy cảm, thì sẽ dễ dàng nhận ra được những ai đang thiếu tôn trọng mình khi đi làm, chỉ cần họ có một số biểu hiện nhỏ qua lời nói, hành động, thì bạn sẽ phát hiện ra ngay. Tuy nhiên, nếu bạn là một người không quá bận tâm tiểu tiết, đi làm lo tập trung cho công việc, đầu tắt mặt tối chạy deadline, thì bạn sẽ dễ rơi vào trường hợp không được tôn trọng nhưng cũng chẳng nhận ra, điều này sẽ khiến đối phương càng được nước lấn tới, có thể sẽ tiếp tục những hành vi thiếu tôn trọng bạn một cách nặng nề hơn. Nếu không muốn rơi vào trường hợp ấy, thì bạn hãy thử điểm qua những dấu hiệu khi đi làm không được tôn trọng, để mình kịp thời phát hiện và xử lý:
- Những gì mình nói ra không được người khác lưu tâm, không lắng nghe, quên luôn;
- Những việc mình nhờ, thì người khác không quan tâm, không đồng ý giúp đỡ, không làm;
- Thấy mình bị quá tải công việc, quá nhiều việc dồn dập, deadline gấp rút, đồng nghiệp cũng mặc kệ;
- Bạn nhận ra có sự thiên vị, bất công khi đi làm, thấy mình không được cấp trên và đồng nghiệp tôn trọng;
- Công việc khó, phức tạp, áp lực, thì giao hết cho bạn, sai sót trong công việc đổ lỗi hết lên đầu bạn;
- Nhiều lúc trong cuộc giao tiếp thấy mình như người bên ngoài, người vô hình, không ai quan tâm;
- Đồng nghiệp có những lời nói, thái độ thiếu tôn trọng, thậm chí còn ngang nhiên xúc phạm bạn;
- Đồng nghiệp trong công ty chia bè kết phái, hoặc thậm chí còn để ma cũ liên tục bắt nạt ma mới;
- Đồng nghiệp, cấp trên có những hành vi thiếu tôn trọng, chèn ép bạn một cách vô lý khi đi làm…
>> Cãi nhau với đồng nghiệp vì bất đồng quan điểm thì phải làm sao?
Đi làm mà không được tôn trọng thì phải làm sao?
Hầu như chẳng ai có thể chấp nhận chuyện mình đi làm mà không được tôn trọng, nhất là khi các dấu hiệu ngày một nhiều hơn, trầm trọng hơn, những người ấy càng được nước làm tới, xúc phạm mình nhiều hơn. Vậy đi làm mà không được tôn trọng thì phải làm sao? Một số nhân viên mới, nhân viên thử việc hoặc thực tập sinh mới vào công ty, thường sẽ cho rằng mình là ma mới, nên phải ngậm ngùi chịu trận, cố gắng nhẫn nhịn khi đi làm bị ma cũ bắt nạt, cho dù họ có chèn ép, thể hiện thái độ không được tôn trọng. Tuy nhiên, đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, bạn không thể nhẫn nhịn được mãi, mà im lặng sẽ không giúp bạn giải quyết được vấn đề, nó chỉ là một cách để bạn né tránh, không đối diện một thời gian, sẽ càng khiến mọi chuyện tích tụ ngày một nhiều hơn, và bạn sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ, tiêu cực. Đồng thời, sự nhẫn nhịn đó cũng khiến những người kia lộng hành hơn, tiếp tục thiếu tôn trọng mình ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi đi làm mà không được tôn trọng, đầu tiên, bạn cần phải xác định rõ nguyên nhân xem vì sao lại như thế, do bản chất đồng nghiệp xấu tính, vô duyên, thích kiếm chuyện, hay do bản thân mình đã lỡ mắc phải những sai sót, sai lầm nào khiến mọi người ngứa mắt, không hài lòng? Khi đã tìm ra chính xác nguyên nhân thì bạn mới có thể đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Trong trường hợp đi làm không được tôn trọng vì bản chất đồng nghiệp xấu tính, thì bạn có thể nói thẳng với cấp trên, hoặc nếu cấp trên xấu tính, thì bạn cũng có thể tự tìm được những đồng nghiệp tốt bụng, tốt tính xung quanh mình, hỏi thăm xem họ đang đối mặt với chuyện này như thế nào, rồi mình cứ thế làm theo và thích nghi. Còn nếu bạn không thể chấp nhận được, bạn thấy môi trường làm việc này quá toxic, có cố gắng hoà nhập thì cũng sẽ không phát triển, không học hỏi được gì, thì bạn có thể xin nghỉ việc và tìm kiếm một công việc mới tốt hơn.
Làm thế nào để đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng mình?
Với trường hợp đi làm không được tôn trọng vì bạn đã lỡ mắc phải lỗi sai, hoặc khiến mọi người hiểu lầm, ghét bỏ mình, thì bạn hãy đi từ vấn đề đó để hoá giải mọi chuyện, cho đồng nghiệp thấy mình không hề cố ý, đó chỉ là hiểu lầm thôi, rồi mọi chuyện sẽ ổn lại. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp chữa cháy khi chuyện đã lỡ xảy ra, chứ trên thực tế, bạn phải luôn ghi nhớ phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng bao giờ để đụng chuyện, đụng việc, có vấn đề rồi mới cuống cuồng đi giải quyết, thay vào đó, bạn nên phòng ngừa từ tận gốc, nhất là với những nguyên nhân có thể phát sinh từ phía bản thân mình. Nếu không muốn rơi vào trường hợp đi làm không được tôn trọng vì bị đồng nghiệp hiểu lầm, vì phạm lỗi sai không đáng có, thì tốt nhất là bạn phải biết cách làm thế nào để đồng nghiệp yêu quý và tôn trọng mình?
Đây là điều hoàn toàn đơn giản, liên quan tới cách đối nhân xử thế, cách giao tiếp và xử lý công việc khi đi làm sao cho hoà đồng, lịch sự, chân thành và chuyên nghiệp. Mỗi ngày khi đi làm, hãy chào hỏi đồng nghiệp một cách lịch sự, nhất là những ai lớn tuổi hơn mình, phải luôn đảm bảo sự lễ phép trong giao tiếp. Bạn cũng có thể thoải mái trò chuyện, hỏi thăm đồng nghiệp khi cần thiết, miễn sao điều đó là tự nhiên, chứ không phải bạn đang cố ép mình phải làm một cách gượng gạo. Ngoài ra, trong công việc, khi thấy đồng nghiệp bị quá tải, thì bạn hãy chủ động trợ giúp, san sẻ bớt công việc, và chính bạn cũng cần phải tập trung cao độ để tăng khả năng hoàn thành tốt công việc của mình, tránh trường hợp để xảy ra sai sót trong công việc vì sự bất cẩn, sơ suất, vì điều đó có thể ảnh hưởng tới kết quả tập thể và khiến đồng nghiệp khó chịu.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng đi làm mà không được tôn trọng thì phải làm sao, làm thế nào để đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng mình? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.