Bên cạnh khoá luận tốt nghiệp thì đi thực tập cũng là chủ đề được đông đảo sinh viên năm cuối quan tâm, thậm chí một số bạn sinh viên năm 2, năm 3 cũng đã có sự quan tâm từ sớm, muốn tìm hiểu kỹ hơn về chuyện đi thực tập. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu những điều sinh viên năm cuối cần nắm rõ khi đi thực tập.
>> Sinh viên thiếu tín chỉ có đi thực tập được không?
Năm cuối tìm chỗ thực tập có khó không?
Đa số các trường đại học sẽ yêu cầu sinh viên năm cuối phải viết CV, đi phỏng vấn để tìm chỗ thực tập cho mình. Thật ra khi viết CV hay phỏng vấn thực tập như vậy, nó cũng sẽ không quá khó đâu, tại vì nhà tuyển dụng thừa biết rằng các em là những bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường, các em chỉ đang đi học thôi, đang muốn có công ty thực tập để học hỏi thêm cái này kia, chứ họ cũng sẽ không yêu cầu gì quá cao đối với sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, các em cũng đừng vì thế mà thiếu sự chuẩn bị, viết CV qua loa, sơ sài, mà mình cũng phải làm sao cho nó chỉn chu.
Dẫu biết rằng khi còn đang đi học thì sinh viên cũng chưa từng viết CV, chưa ứng tuyển việc làm bao giờ, nên khả năng cao rằng cũng chưa biết nên chuẩn bị CV như thế nào, nó bao gồm những phần nào, ghi như thế nào để nó tối ưu những điểm mạnh của mình để người ta ấn tượng và tăng khả năng được nhận vô công ty thực tập, thì lúc đó sinh viên phải dành thời gian tìm hiểu trước để ít ra mình cũng hoàn thành được một chiếc CV ở mức tạm ổn. Nếu bạn nào vẫn còn lăn tăn chưa biết cách viết CV như thế nào, thì có thể tham khảo tại đây.
Đi thực tập có làm nhiều công việc phức tạp không?
Khi chuẩn bị đi thực tập, thì nhiều bạn sinh viên cũng bồn chồn, lo lắng rằng không biết mình có bị giao cho làm nhiều công việc phức tạp không, sếp có khó không, liệu mình có làm tốt được các việc được giao không? Thật ra khi sinh viên đi thực tập thì công ty cũng chỉ giao cho các em những công việc cơ bản thôi, để mình học hỏi, làm quen từ từ, chứ cũng sẽ chưa có giao cho sinh viên những cái gì mà quá cao siêu, quá với phức tạp đâu.
Vì thế, sinh viên năm cuối cũng đừng quá lo lắng, hoang mang, chỉ cần các em nghiêm túc trong quá trình đi thực tập là được, chẳng hạn như đi làm đúng giờ, tập trung hoàn thành công việc đúng hạn, đừng có ngồi bấm điện thoại, lướt web này nọ quá nhiều, kẻo các anh chị và các sếp trong công ty thấy rồi đánh giá không tốt, cho rằng sao các bạn sinh viên này đi thực tập mà không cố gắng, không chủ động, mất tập trung quá. Thay vào đó, các em hãy tập trung cao độ, cố gắng chăm chỉ, hoàn thành tốt các đầu việc được giao, chỗ nào không rõ thì mạnh dạn hỏi lại để có thể làm tốt, tránh trường hợp công việc vốn dĩ khá đơn giản, đã được hướng dẫn rồi mà vẫn làm sai, để đạt chất lượng kém.
Sinh viên đi thực tập mà rảnh rỗi quá thì sao?
Có một viễn cảnh khá phổ biến mà sinh viên có khả năng gặp phải khi đi thực tập, đó chính là chưa được giao nhiều việc, cảm thấy bản thân khá rảnh rỗi, làm xong các việc được giao rồi thì lại ngồi chơi, bấm điện thoại. Tuy nhiên, đó là điều không nên, thay vào đó, những lúc mà các em đã hoàn thành xong việc rồi, thấy mình đang rảnh quá thì hãy chủ động hỏi thử xem là các anh chị trong công ty có cần hỗ trợ làm thêm công việc nào nữa hay không.
Khi chủ động như vậy thì sinh viên cũng sẽ tạo được ấn tượng tốt trong mắt anh chị đó, rằng mình là một bạn sinh viên năng nổ, chủ động, ham học hỏi. Chính cái thái độ làm việc tích cực và chủ động như vậy sẽ tạo lợi thế, giúp mình có khả năng sẽ được công ty nhận vào làm nhân viên chính thức sau khi kết thúc kỳ thực tập.
>> Mẫu giấy xác nhận thực tập & các nội dung cần có
Cơ hội làm nhân viên chính thức sau khi thực tập
Chuyện trở thành nhân viên chính thức sau khi thực tập là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì các công ty cũng muốn lựa chọn người tài, người giỏi, chăm chỉ, chịu khó học hỏi và có chí cầu tiến. Nhất là với các bạn thực tâp sinh, các em là những nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, có khả năng sẽ là luồng gió mới giúp công ty phát triển tốt hơn trong tương lai, nên các bạn nào có sự thể hiện tốt, mang về kết quả làm việc tốt và có thái độ tích cực trong kỳ thực tập sẽ có cơ hội được giữ lại làm nhân viên chính thức.
Tức là sau khi kết thúckỳ thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp nộp cho trường xong, thì lúc đó sinh viên đã hoàn tất việc học trên trường, đâu còn học môn nào nữa, lúc đó sẽ có thời gian trống, thời gian rảnh để đi làm chính thức. Lúc đó, những bạn sinh viên nào có sự thể hiện tốt trong kỳ thực tập sẽ có khả năng được công ty giữ lại làm nhân viên chính thức, tiếp tục làm việc ở công ty đó, ở phòng ban đó, nhưng sẽ làm full time luôn và có nhiều cơ hội được tăng lương, thăng tiến sau này. Chính vì vậy, đi thực tập mặc dù chỉ là một cơ hội để tiếp xúc với công việc thực tế, để ứng dụng kiến thức vô trong công việc thôi, nhưng sinh viên cũng cần phải cố gắng tập trung, hoàn thành tốt kỳ thực tập, sẽ vừa giúp bản thân học hỏi được nhiều hơn, mà vừa giúp mình có thêm nhiều cơ hội để phát triển công việc & sự nghiệp sau này nữa.
Bài viết này đã giúp sinh viên năm cuối hình dung rõ hơn về chuyện đi thực tập và những điều cần nắm rõ. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Thực tập để lấy số liệu & dấu mộc thì có được trả lương không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.