Khi nói chuyện với người khác, sẽ có những cuộc hội thoại khiến bạn cảm thấy cực kỳ dễ chịu, thoải mái và hứng thú đến mức chẳng muốn kết thúc. Nhưng lại có một số cuộc giao tiếp khiến bạn thấy khó chịu, không muốn nói gì thêm với đối phương vì cảm thấy họ đang ăn nói khá vô duyên. Ở phía ngược lại, đối phương cũng có quyền cảm nhận và đánh giá xem bạn có mang lại cho họ ấn tượng tốt khi giao tiếp không, bạn có phải là người nói chuyện có duyên không? Chắc chắn rằng chẳng ai mong muốn mình bị chê là kém duyên khi giao tiếp cả. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa người nói chuyện có duyên và người ăn nói vô duyên? Hãy cùng tìm ra câu trả lời trong bài viết này!
>> Cách biến hình từ ngại giao tiếp thành người tự tin giao tiếp
Như thế nào là người nói chuyện có duyên?
Đầu tiên, chúng ta cần định nghĩa xem người nói chuyện có duyên sẽ như thế nào? Người nói chuyện có duyên là người có kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng trò chuyện một cách thoải mái, tự nhiên và khiến đối phương cảm thấy muốn duy trì cuộc trò chuyện lâu dài. Họ thường sử dụng những từ ngữ phù hợp với người đối diện, phù hợp với ngữ cảnh, truyền tải chính xác những gì họ đang nghĩ, giúp người đối diện hiểu đúng câu chuyện, tránh những hiểu lầm gây ra cảm giác khó chịu. Người nói chuyện có duyên cũng có khả năng ăn nói hài hước, khiến người đối diện cảm thấy vui và hứng thú khi trò chuyện.
Nói chuyện có duyên sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích, chẳng hạn như tạo thiện cảm với người khác, mang lại năng lực tích cực, cảm giác dễ chịu, thoải mái, an tâm, dễ dàng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lâu dài. Ngoài ra, nếu làm các công việc phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, đối tác, thì người nói chuyện có duyên sẽ tạo được ấn tượng tốt, dễ dàng ký được nhiều hợp đồng có giá trị, và tất nhiên cơ hội việc làm sẽ cực kỳ rộng mở.
Như thế nào là người ăn nói vô duyên?
Trái ngược với người nói chuyện có duyên, người ăn nói vô duyên chắc chắn đang có kỹ năng giao tiếp kém, thường nói chuyện một cách thiếu tế nhị, thiếu chuyên nghiệp, và khiến người đối diện cảm thấy chán nản, thậm chí là bực tức, muốn kết thúc cuộc trò chuyện ngay lập tức. Họ thường sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh, nhiều khi đùa vui quá trớn, lỡ đụng chạm tới người khác mà không hay biết, gây ra cảm giác không thoải mái cho người nghe.
Ăn nói vô duyên sẽ mang lại rất nhiều tai hại, chẳng hạn như là mất thiện cảm từ người đối diện, gây rạn nứt các mối quan hệ xung quanh, lâu dần sẽ chẳng ai muốn tiếp xúc với người ăn nói vô duyên. Họ có khả năng lắng nghe kém, thường xuyên ngắt lời người đối diện một cách kém duyên. Khi đi làm, người ăn nói vô duyên thường sẽ khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, khó lòng làm việc nhóm, nếu làm việc với khách hàng, đối tác thì cũng sẽ tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng đối phương, ảnh hưởng không tốt đến kết quả làm việc.
>> 5 lỗi giao tiếp khi phỏng vấn khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng
Điểm khác biệt giữa nói chuyện có duyên và ăn nói vô duyên
Sau khi tìm hiểu định nghĩa cụ thể của người nói chuyện có duyên và người ăn nói vô duyên, thì chắc hẳn rằng bạn cũng đã tự tìm ra được nhiều điểm khác biệt. Hãy cùng điểm danh lại những điều đó nhé:
- Cách sử dụng từ ngữ: Người nói chuyện có duyên sẽ cực kỳ khéo léo, kỹ lưỡng trong việc lựa chọn từ ngữ khi giao tiếp. Ngược lại, người ăn nói vô duyên thường sử dụng ngôn từ không phù hợp, thiếu lịch sự, thiếu tế nhị, dễ gây hiểu lầm cho người đối diện.
- Thái độ và cử chỉ: Người nói chuyện có duyên sẽ biết khi nào nên cười, khi nào nên trầm lắng, nghiêm túc, họ luôn biết cách kiểm soát ngôn ngữ cơ thể. Ngược lại, người ăn nói vô duyên thường không biết cách kiểm soát thái độ và cử chỉ, dẫn tới việc khiến người đối diện cảm thấy không được tôn trọng, thiếu chuyên nghiệp.
- Khả năng lắng nghe: Người nói chuyện có duyên sẽ luôn lịch sự lắng nghe đối phương, vì đây là cách để họ thu thập thông tin, hiểu rõ về ngữ cảnh, để có thể giao tiếp và chọn lọc ngôn từ sao cho phù hợp. Ngược lại, người ăn nói vô duyên thường không chịu lắng nghe, thường ngắt lời người khác, khiến mình trở nên kém duyên và dễ bị lạc đề, ăn nói xà lơ, không liên quan tới nội dung mà đối phương đang nói.
>> Cách trau dồi kỹ năng lắng nghe trong 1 tuần
Đừng biến mình thành người ăn nói vô duyên
Tất nhiên, chẳng ai muốn mình bị nhận xét là ăn nói vô duyên cả, nhưng liệu bạn có đang kiểm soát tốt lời nói của bản thân trong các cuộc giao tiếp chưa? Khoảng cách giữa người nói chuyện có duyên và người ăn nói vô duyên thật ra nó cũng không quá mong manh, vì giữa chúng có rất nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, nếu bạn chưa chú trọng vào việc kiểm soát ngôn từ, lời nói, ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp, thì có khả năng bạn sẽ bị “nhiễm” những điều không tốt, rồi dần trở nên vô duyên lúc nào không hay. Đừng biến mình thành người ăn nói vô duyên, dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Luôn lắng nghe đối phương: Lắng nghe thể hiện rằng bạn lịch tự, tôn trọng đối phương, đồng thời, nó cũng giúp bạn hiểu rõ nội dung cuộc trò chuyện, để có thể phản hồi lại sao cho phù hợp, tránh trường hợp nói khùng nói điên, ăn nói xà lơ, lạc đề, rồi trở nên kém duyên luôn.
- Chọn lọc từ ngữ phù hợp: Tuỳ từng đối tượng, tuỳ từng hoàn cảnh, mà bạn cần chọn lọc từ ngữ sao cho phù hợp, vừa giúp đối phương cảm thấy thoải mái khi trò chuyện, vừa giữ được phép lịch sự và tinh tế, tránh gây phản cảm.
- Kiểm soát cảm xúc khi giao tiếp: Có thể rằng bạn vốn dĩ là một người nói chuyện có duyên, nhưng đôi khi, bạn có thể bị mất bình tĩnh khi không kiểm soát được cảm xúc, khiến mình trở nên cộc cằn, bất lịch sự, kém duyên. Chính vì thế, hãy nhớ rằng bạn cần phải luôn kiểm soát cảm xúc khi giao tiếp nhé.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ những điểm khác biệt giữa người nói chuyện có duyên và ăn nói vô duyên, đồng thời, đưa ra một số lời khuyên để bạn tạo thiện cảm với đối phương khi giao tiếp. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Kỹ năng giao tiếp của bạn đã tốt chưa?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
– Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
– Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
– Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
– Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
– Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.