Khi lên đại học, sinh viên sẽ phải làm quen với một khái niệm mới, đó chính là điểm rèn luyện. Đây là điều mà hồi cấp 3 các em chưa từng tiếp xúc, nên sẽ không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí nhiều bạn còn không biết vì sao phải tích luỹ điểm rèn luyện, nó có ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp của mình không? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem điểm rèn luyện là gì và những điều cần lưu ý xoay quanh chủ đề điểm rèn luyện nhé!
>> 10 điều sinh viên nên trải nghiệm trước khi ra trường
1. Điểm rèn luyện là gì?
Điểm rèn luyện là mức điểm đánh giá độ tích cực của sinh viên trong học tập và các hoạt động phong trào ở đại học. Bên cạnh đó, nếu đạt thành tích tốt trong học tập, các cuộc thi và hoạt động phong trào, thì sinh viên cũng sẽ được cộng điểm rèn luyện. Ngoài ra, đây cũng là thang điểm để đánh giá sự nghiêm túc của sinh viên trong việc tuân thủ nội quy nhà trường.
2. Điểm rèn luyện có những bậc nào?
Điểm rèn luyện không đơn thuần chỉ là một mức điểm trên thang điểm 100, mà nó còn được chia thành những bậc điểm rèn luyện khác nhau như sau:
- 90 – 100: Xuất sắc
- 80 – 89: Tốt
- 65 – 79: Khá
- 50 – 64: Trung bình
- 35 – 49: Yếu
- 0 – 34: Kém
Tất nhiên, sinh viên nên cố gắng để đạt điểm rèn luyện từ bậc khá trở lên, tránh trường hợp bị đánh giá điểm rèn luyện ở bậc trung bình, yếu, kém.
3. Điểm rèn luyện có ảnh hưởng tới xếp loại tốt nghiệp?
Có một câu hỏi mà không ít sinh viên băn khoăn, đó chính là điểm rèn luyện có ảnh hưởng tới xếp loại tốt nghiệp không, thì câu trả lời là không, nó không ảnh hưởng gì tới xếp loại tốt nghiệp của các em. Một số yếu tố ảnh hưởng đến xếp loại tốt nghiệp có thể kể đến như là điểm trung bình tích luỹ, số tín chỉ học lại, hoặc sinh viên có bị xử lý kỷ luật không.
>> Xếp loại tốt nghiệp ảnh hưởng thế nào đến cơ hội nghề nghiệp?
4. Điểm rèn luyện khi xét học bổng khuyến khích học tập
Dù không ảnh hưởng tới xếp loại tốt nghiệp, nhưng điểm rèn luyện lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét học bổng khuyến khích học tập của sinh viên. Thông thường, ở mỗi học kỳ, các trường đại học đều sẽ trao những suất học bổng khuyến khích học tập cho top sinh viên xuất sắc của từng ngành trong học kỳ đó, tức là những bạn có điểm trung bình tích luỹ trong học kỳ ở mức tốt và có xếp loại điểm rèn luyện tốt. Trên thực tế, có không ít sinh viên dù có kết quả học tập tốt nhưng vẫn trượt học bổng khuyến khích học tập một cách đáng tiếc vì chưa chú trọng đến điểm rèn luyện, không tích cực tham gia các cuộc thi, hoạt động phong trào của trường lớp để tăng điểm rèn luyện.
>> Trường đại học có những loại học bổng nào cho sinh viên?
5. Làm thế nào để sinh viên tăng điểm rèn luyện?
Sau khi tìm hiểu rõ về điểm rèn luyện, tất nhiên, điều cuối cùng mà sinh viên cần biết chính là làm thế nào để tăng điểm rèn luyện? Trước hết, các em phải nắm được điểm rèn luyện bao gồm những phần nào, cụ thể như sau:
- Đánh giá ý thức học tập và tham gia các hoạt động học thuật: 20 điểm
- Đánh giá ý thức chấp hành nội quy của trường: 25 điểm
- Đánh giá ý thức tham gia các hoạt động, phong trào: 20 điểm
- Đánh giá ý thức công dân trong cộng đồng: 25 điểm
- Đánh giá việc tham gia các hoạt động trường, lớp, khoa hoặc được tuyên dương, khen thưởng: 10 điểm
Để tăng điểm rèn luyện, sinh viên có thể tập trung vào phần 1 và phần 3, tức là hãy năng nổ tham gia các buổi hội thảo, các cuộc thi, các hoạt động phong trào do trường, lớp, khoa, hoặc các CLB trong trường tổ chức. Đặc biệt, nếu vào sâu vòng trong hoặc đoạt giải trong các cuộc thi, các hoạt động ấy, thì các em sẽ còn được bonus thêm điểm rèn luyện nữa. Ngoài ra, sinh viên khi làm ban cán sự lớp, hoặc ban chấp hành bên Đoàn – Hội, hoặc thành viên/ban điều hành các CLB/Đội/Nhóm trong trường, thì cũng sẽ được cộng điểm rèn luyện.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp sinh viên nắm rõ những điều cần biết liên quan đến điểm rèn luyện. Ngoài ra, còn một điều các em cần lưu ý rằng không nên bất chấp chạy theo điểm rèn luyện, hãy tham gia các cuộc thi, các hoạt động vì mình thật sự quan tâm, thật sự thích thú, chứ không phải là tham gia để được cộng điểm rèn luyện. Đừng để điểm rèn luyện bị biến chất thành một khái niệm không mấy tích cực như thế nhé!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.