Trước khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên đại học thường phải trải qua giai đoạn đi thực tập, làm việc thực tế tại các công ty, doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các em được cọ xát, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, mường tượng được các đầu việc mà mình sẽ đảm nhiệm sau khi ra trường, và cũng là dịp để sinh viên ứng dụng, thực hành các kiến thức chuyên ngành đã được học. Vậy sinh viên cần thoả mãn những điều kiện nào để được đăng ký đi thực tập? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp thắc mắc ấy trong bài viết này nhé!
>> Điểm GPA thấp có được công ty nhận vào thực tập không?
Đi thực tập có tính điểm không?
Trước khi tìm hiểu các điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập, thì chúng ta sẽ cùng giải đáp xem đi thực tập có tính điểm không? Đây là thắc mắc chung của rất nhiều sinh viên, nhất là những bạn đang đặt mục tiêu tốt nghiệp loại khá, giỏi, các em đang muốn tối ưu hoá điểm trung bình tích luỹ của mình, nên bất kỳ điều gì có tính điểm, có tác động tới kết quả điểm số, thì cần phải được làm rõ, để mình còn biết mà tập trung nỗ lực, hoàn thành thật tốt. Chẳng hạn như nếu đi thực tập không tính điểm, thì các em sẽ thoải mái, nhẹ nhàng đầu óc hơn, vẫn tập trung hoàn thành các công việc khi đi thực tập, nhưng sẽ không quá áp lực. Tuy nhiên, nếu đi thực tập có tính điểm, hoặc sau đó sẽ phải làm bài luận, báo cáo để nộp lấy điểm, thì tất nhiên sinh viên đại học cần phải tập trung và cố gắng nhiều hơn.
Kỳ thực tập thường sẽ diễn ra trong vòng 3-4 tháng, tương đương như một học kỳ bình thường. Đa số trường đại học sẽ yêu cầu sinh viên làm báo cáo thực tập, hoặc đi thực tập lấy số liệu để làm khoá luận tốt nghiệp, để lấy điểm, và mức điểm này thường chiếm hệ số khá lớn, có thể lên tới 10 tín chỉ, và tác động rất nhiều tới điểm trung bình tích luỹ của sinh viên. Vì thế, sinh viên cần cố gắng cân bằng, vừa hoàn thành tốt các công việc khi đi thực tập, vừa thu thập số liệu, thông tin, và dành thời gian để trau chuốt, hoàn thiện bài báo cáo/khoá luận tốt nghiệp của mình.
Điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập
Mỗi trường đại học có thể sẽ có thêm những điều kiện riêng để sinh viên được đăng ký đi thực tập, tuy nhiên, thường sẽ xoay quanh các điều kiện phổ biến sau:
- Sinh viên đã tích luỹ (hoàn thành) tối thiểu 75% số tín chỉ của chương trình học, chẳng hạn như chương trình đào tạo có tổng cộng 120 tín chỉ, thì sinh viên cần học xong tối thiểu 90 tín chỉ, con số này chỉ tính các học phần đã hoàn thành, qua môn, không tính các học phần bị rớt môn;
- Đáp ứng các điều kiện tiên quyết của học phần “Chuyên đề thực tập” (tuỳ quy định từng trường);
- Vẫn đang trong thời hạn của chương trình đào tạo, chưa bị quá hạn đào tạo;
- Sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kỷ luật ở mức đình chỉnh học tập tại thời điểm dự định đăng ký đi thực tập.
>> Đi thực tập nhưng chưa chọn được đề tài khoá luận thì phải làm sao?
Chưa đủ điều kiện nhưng muốn đi thực tập được không?
Sau khi điểm qua những điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập, thì các em sẽ dễ dàng nhận ra rằng chuyện hoàn thành tối thiểu 75% số tín chỉ của chương trình học là điều hầu như chỉ có sinh viên năm cuối mới đủ điều kiện, còn các bạn sinh viên năm 2, năm 3, nếu không học vượt thì khó lòng thoả mãn tiêu chí ấy. Điều này đồng nghĩa rằng nếu muốn đăng ký “Chuyên đề thực tập” và làm báo cáo thực tập/khoá luận tốt nghiệp trước khi ra trường, thì đây là câu chuyện riêng của sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, một số bạn sinh viên đại học vẫn muốn mình có cơ hội được đi thực tập sớm, không muốn phải chờ tới tận năm 4 mới bắt đầu, liệu điều ấy có khả thi không?
Thật ra, sinh viên có thể apply tìm việc thực tập vào bất kỳ lúc nào, cho dù chưa đủ điều kiện để đăng ký với trường một cách chính thống để làm báo cáo tính điểm, nhưng các em vẫn có thể đi thực tập để có kinh nghiệm, trải nghiệm, không liên quan gì tới chương trình học trên trường. Đồng thời, phía các doanh nghiệp cũng luôn muốn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có cơ hội đi thực tập sớm, miễn sao các em thể hiện được sự ham học hỏi, nhiệt huyết, nghiêm túc và thái độ tích cực khi ứng tuyển. Tuy nhiên, có một điều sinh viên đại học cần lưu ý, chính là để có thể hoàn thành tốt các công việc khi đi thực tập, thì mình cũng cần phải trải qua tối thiểu 40% các môn chuyên ngành, chứ nếu kiến thức chuyên ngành vẫn còn lơ mơ, nhiều điều chưa biết, chưa học, thì cũng khó lòng được các công ty đồng ý nhận vào thực tập.
Bài viết này đã giúp sinh viên đại học nắm được các điều kiện cần thoả mãn để được đăng ký đi thực tập. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Thực tập kéo dài mấy tháng, sau bao lâu xin được dấu mộc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.