Khi đi làm, bên cạnh bảo hiểm xã hội BHXH, bảo hiểm thất nghiệp BHTN, thì bạn cũng cần quan tâm tới bảo hiểm y tế BHYT, cần chắc chắn rằng phía công ty & bản thân có phối hợp để đóng đầy đủ, nhằm đảm bảo các quyền lợi về sức khoẻ cho bản thân. Nghe đồn rằng nếu đạt cột mốc 5 năm đóng bảo hiểm y tế BHYT liên tiếp thì sẽ có thêm quyền lợi, vậy điều đó có đúng không, nếu có thì bạn đừng để mất quyền lợi vì bản thân chưa nắm quy định nhé! Hãy cùng làm rõ trong bài viết này!
Bảo hiểm y tế giúp ích thế nào khi khám chữa bệnh?
Khi có bảo hiểm y tế, bạn sẽ được hưởng lợi về chi phí rất nhiều trong mỗi lần khám chữa bệnh, với tỷ lệ chi trả thông thường là bảo hiểm 80%, người bệnh 20%. Chẳng hạn như bạn đi khám bệnh đúng tuyến, đúng bệnh viện đã đăng ký và xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn hạn, thì sẽ được hỗ trợ chi phí rất nhiều, đáng lẽ bình thường tổng chi phí thăm khám, xét nghiệm, phẫu thuật, thuốc men là 10 triệu, thì khi có BHYT, bạn chỉ cần chi trả khoảng 20%, tương đương khoảng 2 triệu. Đương nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ nằm ngoài danh mục hỗ trợ của bảo hiểm y tế, nhưng đa số trường hợp sẽ được bảo hiểm hỗ trợ chi trả, nên dù sao bạn cũng nên sở hữu thẻ BHYT để sử dụng mỗi khi thăm khám, chữa bệnh.
Lưu ý rằng để được hỗ trợ bảo hiểm y tế đầy đủ quyền lợi, bạn cần thăm khám đúng tuyến, đúng bệnh viện mà mình đã đăng ký. Trong trường hợp đặc biệt cần chuyển tuyến & có lý do chính đáng, bạn cần xin giấy chuyển tuyến ở bệnh viện đăng ký trên thẻ, để được hỗ trợ bảo hiểm ở bệnh viện mà mình muốn chuyển tới khám. Chẳng hạn như bạn có thẻ BHYT ở bệnh viện A, nhưng lại đi khám ở bệnh viện B thì gọi là trái tuyến, mà trái tuyến thì sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm, phải tự chi trả 100%, hoặc một số trường hợp có thể được bảo hiểm hỗ trợ 1 phần, nhưng không nhiều.
>> Đi làm đóng BHXN, BHTN, BHYT sẽ được hưởng lợi gì?
Quyền lợi được hưởng khi đóng BHYT đủ 5 năm liên tiếp
Bên cạnh các quyền lợi cơ bản của bảo hiểm y tế mà chúng ta đã làm rõ ở phần trước, thì khi bạn đóng BHYT đủ 5 năm liên tiếp, thì sẽ được hưởng thêm một quyền lợi đặc biệt, đó chính là không cần phải đóng thêm tiền khi khám chữa bệnh, nếu trong năm đó bạn đã đóng tiền khám chữa bệnh vượt quá 6 tháng lương cơ sở (hiện tại là 8.940.000đ vào năm 2024). Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng hãy cùng điểm qua ví dụ cụ thể sau đây.
Bình thường, bạn đi khám chữa bệnh đúng tuyến và có bảo hiểm y tế, thì vẫn sẽ được hỗ trợ theo quy định, thường sẽ được BHYT chi trả 80%, còn bạn sẽ chi trả 20% còn lại. Giả sử rằng bạn đã đóng đủ BHYT 5 năm liên tiếp, từ tháng 1 tới tháng 7, bạn đã đi khám chữa bệnh 5 lần, dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ, nhưng vẫn có 1 phần bạn pảhi chi trả trong các lần khám chữa bệnh đó, với số tiền ví dụ như sau:
- Lần 1: 2.000.000đ;
- Lần 2: 2.000.000đ;
- Lần 3: 2.000.000đ;
- Lần 4: 2.000.000đ;
- Lần 5: 940.000đ.
Vậy thì cộng lại 5 lần trên đã bằng với 6 tháng lương cơ sở hiện tại là 8.940.000đ. Vì thế, từ giờ tới cuối năm, bất kỳ khi nào bạn đi khám chữa bệnh đúng tuyến, có dùng BHYT, thì đều không cần phải đóng thêm chi phí, sẽ được hỗ trợ toàn bộ 100%. Sang năm sau sẽ tính lại từ đầu. Đây là một quyền lợi quan trọng mà bạn cần lưu ý nắm rõ quy định để tránh bị thiệt thòi, nhất là với những ai sức khoẻ không tốt, phải thường xuyên khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để được hưởng đúng quyền lợi này, bạn cần làm một số thủ tục, cụ thể sẽ được nói đến ở phần tiếp theo.
Thủ tục để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 5 năm liên tiếp
Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 5 năm liên tiếp, đầu tiên, bạn cần thoả mãn cả 3 điều kiện sau:
- Tham gia BHYT đủ 5 năm liên tiếp, nếu có gián đoạn thì không quá 3 tháng thì mới được nhận quyền lợi;
- Có số tiền đã chi trả để khám chữa bệnh đúng tuyến lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.940.000đ), không tính các lần khám chữa bệnh trái tuyến;
- Có giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, tức là khi đã đạt cột mốc về số tiền ở phần trên, thì bạn cần liên hệ cơ quan bảo hiểm để được cấp giấy này.
Về giấy tờ, thủ tục để được hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tiếp, tức là không phải chi trả tiền khám chữa bệnh từ lúc có “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”, cho tới hết năm tài chính, bên cạnh “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”, thì bạn cần phải kèm thêm các hồ sơ như thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tuỳ thân (có ảnh), hoá đơn, chứng từ thanh toán viện phí (bản chính), rồi nộp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đăng ký Bảo hiểm y tế để được giải quyết.
Bài viết này đã giúp bạn nắm rõ quyền lợi khi sở hữu thẻ bảo hiểm y tế nói chung, và chi tiết cho trường hợp đóng HBYT đủ 5 năm liên tiếp, kèm thủ tục cụ thể. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Các khoản phụ cấp ngoài tiền lương mà bạn nên biết
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.