Đa số môn học ở đại học đều là những môn mới toanh, mà sinh viên chưa từng tiếp xúc trước đây, mà kiến thức thường cũng sẽ phức tạp, khó nuốt, thậm chí chuyện rớt môn ở đại học cũng là điều thường tình. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên gặp môn học khó là điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi, và tự các em phải đối mặt, tự tìm cách vượt qua. Vậy sinh viên gặp môn học khó, học mãi không vô thì phải làm sao?
>> Ngành học khó, học không nổi, có nên chuyển sang ngành khác?
Sinh viên hoang mang khi gặp môn học khó
Em chào anh. Em hiện tại đang là sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Trong 2 năm qua, em cảm thấy bản thân mình có thể học và theo được ngành này. Nhưng đến năm 3, môn lập trình đã khiến em không còn nghĩ như vậy. Chỉ mới học được 3 tuần thôi, em đã cảm thấy rất mệt mỏi, lo âu, vì số lượng những kiến thức mới cũng như độ khó của nó. Em phải lấy bài code của bạn để tìm hiểu nhưng cũng chỉ ở mức nhất định. Giờ em biết mình phải nỗ lực để hoàn thành nốt 2 năm rồi lấy tấm bằng. Nhưng em đang băn khoăn không biết cách học như nào có hiệu quả để mình có thể tiếp thu dễ hơn. Em muốn xin ý kiến của anh ạ. Em cảm ơn!
Gặp môn học khó, học mãi không vô thì phải làm sao?
Chào em, đối với quan điểm của anh thì bất kỳ ngành nào cũng khó, cũng có những kiến thức phức tạp, chứ không riêng gì ngành CNTT, đó là thử thách đương nhiên mà sinh viên phải đối mặt và vượt qua. Có thể em đang bị choáng ngợp bởi các kiến thức khó, phức tạp của môn lập trình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình sẽ không vượt qua được, vì thực tế các anh chị khoá trên cũng đều phải đối mặt với môn này, và cũng đều vượt qua, tốt nghiệp ra trường bình thường, chỉ khác ở chỗ ai điểm cao, ai điểm thấp thôi, hoặc lỡ tệ lắm bị rớt môn, thì cũng học lại, cũng qua môn và tự rút ra được cho mình nhiều bài học, giúp mình củng cố lại kiến thức môn học một cách vững vàng hơn.
Bên cạnh đó, em cũng cần hình dung rằng kiến thức ở đại học thường sẽ có độ khó tăng dần theo từng năm, tức là tới năm 4 em sẽ còn phải đối mặt với nhiều môn học nâng cao, khó hơn, kinh khủng hơn, chứ môn lập trình này vẫn chưa phải “trùm cuối” đâu. Điều em cần làm vào lúc này chính là phải tin vào chính mình, tin vào năng lực học tập của bản thân, trước đây mình cũng từng vượt qua được nhiều môn học phức tạp khác, thì bây giờ mình cũng đủ khả năng vượt qua được môn lập trình, cho dù nó thật sự khó. Tức là em phải tư duy tích cực hơn, tin rằng mình sẽ hoàn thành môn học với kết quả tốt, chứ không nên để tâm lý hoang mang, tiêu cực, lo lắng khiến mình chùn bước. Tóm lại, điều quan trọng nhất mà em cần làm khi gặp môn học khó, chính là phải vững tâm lý, tin rằng mình hoàn toàn có thể vượt qua được, khi đó thì em mới có thể thuận lợi chinh phục môn học ấy.
>> Muốn học tốt, sinh viên phải kỷ luật như thế nào?
Kiến thức càng khó thì càng phải ráng chinh phục
Em hãy thử nhìn xung quanh xem, bạn bè cùng lớp cũng phải học môn này, cũng phải nếm mùi khó của nó, chứ đâu phải chỉ riêng em đúng không? Đi học gặp môn học khó, gặp kiến thức phức tạp là điều đương nhiên. Kiến thức càng khó thì mình càng phải ráng chinh phục, càng đáng để mình cố gắng, nỗ lực học tập. Khi đạt được mục tiêu, nắm vững kiến thức của môn học khó, thì sinh viên sẽ cực kỳ tự hào về bản thân, về khả năng học hỏi, tiếp thu, sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của mình, và đây thật sự là một thành quả hoàn toàn xứng đáng. Chưa kể tới việc trong tương lai, khi nắm vững các kiến thức khó, nâng cao, phức tạp của chuyên ngành, thì các em sẽ là người vững kiến thức, giỏi chuyên môn, giúp ích rất nhiều cho mình khi đi làm sau này, thuận lợi hơn trên hành trình chinh phục đỉnh cao sự nghiệp.
Gợi ý cách học hiệu quả cho sinh viên
Sau khi hình dung được rõ về tầm quan trọng của kiến thức, củng cố động lực học tập, lấy lại sự tự tin về năng lực học tập của bản thân, thì lúc này, các em cần bắt tay thực hiện, cần biến mong muốn của mình trở thành hành động, dưới đây là một số gợi ý cách học hiệu quả cho sinh viên, áp dụng trong tất cả môn học chứ không chỉ riêng môn khó:
- Chủ động đọc trước kiến thức trước buổi học: Để đối mặt với các kiến thức phức tạp, thì sinh viên nên tự đọc trước nội dung từng buổi học, tất nhiên các em chưa thể hiểu hết, và cũng có thể hiểu sai, nhưng ít ra thì khi lên lớp nghe giảng mình cũng thấy dễ tiếp thu hơn, vì mình từng đọc qua rồi;
- Tập trung nghe giảng trên lớp: Đối với anh thì nguyên nhân chính khiến sinh viên cảm thấy học mãi không vô, không hiểu bài, chính là vì chưa tập trung nghe giảng, lo làm việc riêng, xao nhãng trong giờ học, nếu đang thấy bản thân mình như thế thì sinh viên cần nhanh chóng thay đổi;
- Chỗ nào chưa hiểu thì hỏi lại: Một số sinh viên có tâm lý ngại, không dám hỏi lại khi có chỗ chưa hiểu, dẫn tới việc càng học càng thấy khó hiểu, học mãi không vô, vì thế, các em cần lưu ý nếu có chỗ nào chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi lại giảng viên vào cuối buổi, hoặc hỏi các bạn giỏi trong lớp cũng được;
- Ôn bài, làm bài tập sau mỗi buổi học: Để hiểu rõ và ghi nhớ kiến thức được lâu hơn, thì sinh viên cần lưu ý ôn bài, làm bài tập sau mỗi buổi học, chẳng hạn như buổi sáng/chiều mình có tiết học trên lớp, thì hãy ôn lại bài, chủ động lấy bài tập ra làm ngay trong buổi tối hôm đó, đừng dây dưa để quá lâu;
- Kết hợp thêm các phương pháp học phù hợp: Bên cạnh cách học tập truyền thống, tự nghe giảng, tự ôn bài như trên, thì sinh viên cũng có thể cân nhắc kết hợp thêm các phương pháp học khác mà bản thân mình thấy phù hợp, chẳng hạn như học bằng sơ đồ tư duy mind map, học nhóm với bạn bè,…
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng gặp môn học khó, học mãi không vô thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên đại học lưu ý để tránh bị trừ điểm oan uổng
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.