Home Học tậpHọc hành, thi cử Học Lại Môn Ở Đại Học Có Ảnh Hưởng Gì Không?

Học Lại Môn Ở Đại Học Có Ảnh Hưởng Gì Không?

by Hoàng Khôi Phạm
Học Lại Môn Ở Đại Học Có Ảnh Hưởng Gì Không?

Khi liệt kê những cụm từ gây ám ảnh với sinh viên đại học, thì các em có liệt kê cả buổi cũng không hết, còn nếu lựa chọn ra top những cụm từ ám ảnh nhất, thì khả năng cao rằng “học lại” sẽ nằm trong danh sách ấy. Với các bạn sinh viên năm 3, năm 4, các em đã hiểu rõ rằng học lại là gì, nhất là những bạn đã từng trải qua cảm giác ấy. Nhưng với tân sinh viên thì khác, các em còn khá lạ lẫm, chưa rõ về khái niệm học lại, nhiều bạn còn thắc mắc rằng học lại môn ở đại học có ảnh hưởng gì không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Vì sao sinh viên năm 1 thường bị rớt môn phải học lại?

Khi nào sinh viên phải học lại?

Khi sinh viên có kết quả môn học quá thấp, bị điểm kém (dưới 4.0 trên thang điểm 10), không đủ tiêu chuẩn để qua môn, thì sẽ được tính là rớt môn. Các môn học bị rớt đồng nghĩa với việc sinh viên chưa đạt yêu cầu, cả về điểm số lẫn các kiến thức mà môn học cung cấp, mà khi chưa vững kiến thức như thế thì tất nhiên các em phải học lại, để mình hiểu rõ, nắm vững kiến thức môn học, sao cho đủ chuẩn của chương trình đào tạo (qua môn), tức là sinh viên sẽ phải học lại khi bị rớt môn.

Song song đó, cũng có một số trường đại học sẽ thoáng hơn, không bắt buộc sinh viên phải học lại các môn mình bị rớt, mà sẽ cho các em 1 cơ hội thi lại để gỡ gạc điểm số, nếu thi lại đạt kết quả ổn, đủ để kéo điểm trung bình môn học lên mức qua môn, thì sẽ không cần học lại môn đó nữa. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng ở một số ít trường đại học, chứ đa số các trường sẽ yêu cầu sinh viên bắt buộc phải học lại, không cho phép thi lại khi rớt môn.

Cảm giác học lại sẽ ra sao, có ngại không?

Khi lần đầu học lại, sinh viên sẽ cảm thấy khá ngại ngùng khi phải học chung với các bạn khoá dưới, nhiều bạn còn giấu nhẹm, không cho ai biết, cứ im im như thể mình là sinh viên cùng khoá, chứ không phải khoá trên đi học lại. Đây là cảm giác bình thường, vì bản thân mỗi chúng ta cũng đều không muốn người khác biết những điều chưa tốt về mình, huống hồ gì đây là chuyện bị rớt môn phải đi học lại.

Song song đó, các em cũng sẽ thấy mệt mỏi, áp lực, khi phải học lại từ đầu toàn bộ các buổi, làm lại toàn bộ bài kiểm tra, bài thi, nhất là khi đó là một môn học khó mà mình từng bị rớt, càng nghĩ tới lại càng stress hơn. Ngoài ra, nhiều bạn sinh viên cũng tự thấy bực bội, tự trách bản thân rằng sao không ráng học cho đàng hoàng, sao lại lười biếng, không tập trung, để bây giờ bị rớt môn phải học lại. Nói chung thì học lại là một cảm giác không hề dễ chịu, nó lẫn lộn giữa nhiều tâm trạng rối bời, từ chuyện ngại ngùng, buồn bã, mệt mỏi, cho tới tự bực, tự trách bản thân. Biết làm sao được, đây là điều bắt buộc, rớt môn thì phải học lại thôi, cũng do mình mà, nhưng liệu học lại môn ở đại học có ảnh hưởng gì không?

>> Sinh viên rớt môn học lại 10 tín chỉ có sao không?

Học lại môn ở đại học có ảnh hưởng gì không?

Thông thường, chương trình đào tạo ở đại học đều đã được xác định sẵn với tiến độ tiêu chuẩn là 4 năm, tức là nếu sinh viên học đúng tiến độ, không bị rớt môn rồi phải mất thời gian học lại quá nhiều, thì các em sẽ tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Ngược lại, nếu sinh viên học hành chểnh mảng, để kết quả học tập kém, bị rớt quá nhiều môn, học lại không kịp, thì hoàn toàn có rủi ro phải tốt nghiệp ra trường trễ hơn so với bạn bè cùng khoá. Các bạn ấy ra trường đi làm rồi, mà mình vẫn phải mài đũng quần trên ghế nhà trường, vẫn còn là sinh viên. Rồi sau này khi các em tốt nghiệp, thì bạn bè mình đi làm cũng lâu rồi, cũng tích luỹ được kha khá kinh nghiệm làm việc, vậy là mình có xuất phát điểm chậm hơn các bạn ấy rồi. Thậm chí, nếu học lại mãi vẫn không qua môn, kéo dài thời gian đào tạo vượt quá thời gian tối đa cho phép, thì sinh viên sẽ bị huỷ toàn bộ kết quả học tập, xem như tiêu tan hết mọi nỗ lực học tập của mình trong nhiều năm trời.

Tiếp theo, học lại môn ở đại học quá nhiều cũng ảnh hưởng không tốt tới xếp loại tốt nghiệp khi ra trường của sinh viên, tức là khi không tập trung, để kết quả điểm số sa sút, thì các em sẽ khó lòng tốt nghiệp loại giỏi như kỳ vọng. Thậm chí, nếu sinh viên học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học, thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, áp dụng cho xếp loại giỏi và xuất sắc. Tức là sẽ bị hạ từ xuất sắc xuống giỏi, hoặc từ giỏi xuống khá, nếu như học lại quá cột mốc 5%, đây là điều sinh viên cần đặc biệt lưu ý nếu như các em muốn mình ra trường với tấm bằng đại học loại giỏi trở lên.

Ngoài ra, học lại môn cũng kéo theo một số ảnh hưởng khác, chẳng hạn như khiến sinh viên phải tốn tiền học lại, khi ba mẹ biết được sẽ trách mắng, rồi các em cũng mất thời gian, tốn công sức học lại từ đầu các môn mình bị rớt, cũng mệt và áp lực lắm, nên tốt nhất thì ngay từ đầu sinh viên nên chăm chỉ và cố gắng học, đừng để bị rớt môn rồi phải mất công học lại.

Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng học lại môn ở đại học có ảnh hưởng gì không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Đăng ký học lại đóng bao nhiêu tiền, cách tính cụ thể?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích