Ở đại học, một số giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên làm tiểu luận nhóm để lấy điểm quá trình của môn học. Đây giống như một thử thách để kiểm tra xem sinh viên có hiểu bài hay chưa, có ứng dụng được các kiến thức đã học vào thực tế chưa, xem các em hiểu rõ, hiểu sâu về môn học đến mức nào. Sẽ có những sinh viên làm rất tốt bài tiểu luận nhóm, nhưng cũng có không ít bạn loay hoay chưa biết cách làm, vì trước đây chưa từng làm tiểu luận nhóm. Dưới đây là hướng dẫn cách làm tiểu luận nhóm ở đại học mà sinh viên có thể tham khảo:
Các tiêu chí đánh giá bài tiểu luận nhóm
Trước khi đi vào hướng dẫn cách làm tiểu luận nhóm ở đại học, sinh viên cần phải nắm rõ các tiêu chí đánh giá bài tiểu luận nhóm, để mình tập trung nhiều vào các tiêu chí đó thì bài làm mới đạt yêu cầu và có khả năng được điểm cao. Dưới đây là một số tiêu chí mà sinh viên cần lưu ý:
- Chủ đề hấp dẫn, phù hợp với môn học, không lạc đề;
- Hiểu rõ kiến thức và cách áp dụng kiến thức vào thực tế;
- Nội dung rõ ràng, mạch lạc, logic;
- Xác thực thông tin trong bài tiểu luận nhóm;
- Hình thức bài tiểu luận nhóm đạt yêu cầu;
- Nộp bài đúng deadline.
Ngoài các tiêu chí trên, thì tuỳ từng giảng viên có thể sẽ có thêm một số yêu cầu khác, nhiệm vụ của các em là phải lắng nghe thật kỹ những yêu cầu ấy, chỗ nào chưa rõ thì hỏi lại, tránh trường hợp hiểu sai ý của giảng viên rồi mất điểm một cách đáng tiếc nhé. Sau khi nắm được các tiêu chí đánh giá bài tiểu luận nhóm, thì chúng ta cùng đi tới cách làm thôi!
Cách chọn chủ đề bài tiểu luận nhóm
Khi nói tới cách làm tiểu luận nhóm, thì đầu tiên các em nên nắm được cách chọn chủ đề bài tiểu luận nhóm. Chủ đề bài tiểu luận cực kỳ quan trọng, vì chọn chủ đề hay thì mình mới thu hút được sự chú ý, mới có nhiều đất diễn, mới gây ấn tượng với giảng viên rằng mình đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, đầu tư nhiều chất xám cho bài làm. Chứ nếu chọn chủ đề quá đơn giản, thì bài làm sẽ bị một màu, sơ sài và không tạo được nhiều ấn tượng. Ngoài ra, sinh viên cần lưu ý không được lạc đề, vì như thế sẽ khiến bài tiểu luận đi lạc hướng và bị điểm thấp. Để an tâm hơn, các em có thể gửi chủ đề cho giảng viên duyệt hoặc góp ý trước khi làm.
Cách phân chia công việc khi làm tiểu luận nhóm
Làm tiểu luận nhóm chính là một hình thức teamwork ở đại học, các thành viên sẽ cùng nhau đảm nhận những nhiệm vụ riêng, mỗi người là một mảnh ghép quan trọng trong bài làm của nhóm. Chính vì thế, khâu phân chia công việc rất quan trọng, mỗi thành viên cần được phân chia công việc theo đúng thế mạnh của mình. Khi được giao việc thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nếu cần sự trợ giúp thì hãy lên tiếng để các bạn khác hỗ trợ, tránh trường hợp im lặng gần tới deadline mới cầu cứu mọi người, vì như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả bài tiểu luận nhóm.
>> Làm thế nào để gắn kết thành viên khi làm việc nhóm?
Cách theo dõi tiến độ và kiểm soát chất lượng
Khi làm tiểu luận nhóm, các em phải thường xuyên theo dõi tiến độ để đảm bảo mình có thể nộp bài kịp deadline, tránh trường hợp dung dăng dung dẻ, gần sát deadline mới vắt chân lên cổ chạy, thì khả năng cao sẽ nộp bài trễ và bị trừ điểm. Tốt nhất là mỗi tuần các em nên họp nhóm khoảng 2 lần để cùng báo cáo tiến độ của từng thành viên, đồng thời, cùng nhau kiểm soát chất lượng, đảm bảo nội dung bài làm của từng thành viên đều được rà soát lại, có thể là đối chiếu chéo giữa 2 bạn với nhau, nhằm giúp bài tiểu luận có độ chính xác cao và đạt chất lượng tốt. Khâu này hơi cực một tí nhưng lại rất quan trọng, các em không nên bỏ qua nhé.
Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nộp tiểu luận nhóm
Tiểu luận nhóm thường sẽ dài hơn 20 trang, và tất nhiên khi đọc bài làm dài như thế mà lại có nhiều sai sót, nhiều lỗi chính tả thì giảng viên sẽ cực kỳ khó chịu, mất thiện cảm và khả năng cao sẽ chấm điểm thấp. Chính vì thế, sinh viên cần lưu ý kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nộp tiểu luận nhóm, để đảm bảo mình gửi một bài làm chỉn chu nhất, trình bày rõ ràng, mạch lạc, không có lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi đánh máy. Đồng thời, hãy thử đặt mình ở tâm thế người đọc bài, đọc lại từ đầu tới cuối xem có chỗ nào chưa ổn thì hãy chỉnh sửa lại ngay trước khi nộp bài nhé.
Đảm bảo toàn bộ thành viên đều hiểu bài
Một tiêu chí cuối cùng mà cũng cực kỳ quan trọng khi làm tiểu luận nhóm đó chính là hãy đảm bảo toàn bộ thành viên đều hiểu bài. Vì bản chất tiểu luận nhóm là thước đo và là cơ hội để sinh viên hiểu rõ bài học hơn, nắm vững kiến thức hơn, và biết cách ứng dụng kiến thức môn học vào thực tế, nên nếu làm bài xong mà chưa hiểu bài thì thà đừng làm còn hơn. Ngoài ra, khi cả nhóm nộp bài, giảng viên sẽ thường kiểm tra bất kỳ một số thành viên trong nhóm, bằng cách đặt ra những câu hỏi và yêu cầu các em trả lời, nếu có bất kỳ thành viên nào chưa hiểu bài, chưa rõ về nội dung bài làm của nhóm, thì cả nhóm sẽ bị trừ điểm vì teamwork không tốt, vì làm bài xong mà vẫn có thành viên chưa nắm kiến thức.
Trên đây là hướng dẫn cách làm tiểu luận nhóm ở đại học mà sinh viên có thể tham khảo. Hy vọng chúng sẽ hữu ích với các em, đặc biệt là những bạn lần đầu làm tiểu luận nhóm. Chúc các em hoàn thành tốt bài làm của mình nhé!
>> 6 lưu ý để sinh viên làm tiểu luận nhóm được điểm cao
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.