CV không phải là tờ giấy, nếu không viết chuẩn chỉnh, không nêu bật điểm mạnh của mình, thì sinh viên mới ra trường sẽ dễ bị thất nghiệp. Sự thật là, mỗi năm, có hàng nghìn CV tốt nghiệp ra trường, nhưng đa số vẫn loay hoay không biết cách viết CV sao cho bài bản, chỉn chu, mà chỉ biết liệt kê thông tin một cách sơ sài, lan man, thiếu điểm nhấn. Sau đó chờ mãi mà không thấy công ty nào phản hồi, khiến nỗi ám ảnh thất nghiệp tự dưng lại trở thành sự thật. Dưới đây là hướng dẫn viết CV chuyên nghiệp cho sinh viên năm cuối:
>> Cách tạo CV xin việc online đơn giản, hiệu quả
Nỗi lo khi CV không có kinh nghiệm làm việc
Dù có kết quả học tập ổn áp, nhưng đa số sinh viên năm cuối vẫn đau đầu khi viết CV, các em có nỗi lo rằng bây giờ không có kinh nghiệm làm việc thì phải viết gì vào CV? Nếu chưa từng đi làm thêm, hoặc có làm part time nhưng không tích luỹ được nhiều kinh nghiệm liên quan tới công việc, thì liệu nhà tuyển dụng có chấp nhận không, hay mặc định rằng CV sẽ bị loại? Thật ra, nhà tuyển dụng thừa biết rằng sinh viên mới ra trường thường sẽ chưa có kinh nghiệm làm việc, nên sẽ không lấy đó làm tiêu chí tiên quyết khi đánh giá, sàng lọc CV.
Thay vào đó, tiêu chí về học vấn, kỹ năng mềm, các chứng chỉ liên quan tới công việc, ngoại ngữ, sẽ là những điều được ưu tiên hơn, những bạn sinh viên mới ra trường mạnh về các tiêu chí này sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Nhưng quan trọng hơn chính là các em phải biết cách viết CV xin việc sao cho ngắn gọn, súc tích, nhưng vẫn khéo léo nêu bật những điểm mạnh mà nhà tuyển dụng quan tâm, mà vị trí ứng tuyển yêu cầu. Nếu đang là sinh viên năm cuối, đây là thời điểm thích hợp để các em chuẩn bị kỹ năng ứng tuyển, nhất là cách viết CV sao cho chuyên nghiệp trong phần tiếp theo.
Hướng dẫn viết CV xin việc cho sinh viên năm cuối
CV xin việc hoàn chỉnh cần có đầy đủ nội dung, nhất là những phần mà nhà tuyển dụng quan tâm, chẳng hạn như thông tin liên lạc, học vấn, kỹ năng mềm, thành tích, điểm mạnh,… Về kinh nghiệm làm việc, do mới ra trường nên nhà tuyển dụng sẽ không đặt nặng, bạn nào tích luỹ được một số kinh nghiệm khi đi làm thêm thì có thể chia sẻ đôi chút, không cần quá nhiều. Còn chủ yếu sẽ liên quan tới các nội dung khác, theo gợi ý sau đây:
- Thông tin liên lạc: Bao gồm số điện thoại, email, địa chỉ nơi ở;
- Học vấn: Bao gồm điểm trung bình tích luỹ, xếp loại học lực, các chứng chỉ liên quan như Tiếng Anh, tin học, các khoá học đã từng tham gia, các học bổng đã đạt được liên quan tới học tập (nếu có);
- Kỹ năng mềm: Các kỹ năng mềm mà sinh viên năm cuối đã tích luỹ được trong quá trình học đại học, đi làm thêm, tham gia CLB, chẳng hạn như khi teamwork, thuyết trình, giao tiếp với mọi người, cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc, lịch học;
- Các thành tích: Nếu đạt giải cao, vào chung kết các cuộc thi, phong trào ở trường đại học, sinh viên nên liệt kê vào, nhất là các cuộc thi liên quan tới chuyên ngành và ngoại ngữ;
- Các điểm mạnh: Không nhất thiết phải làm một mục riêng cho “điểm mạnh”, mà sinh viên năm cuối có thể khéo léo lồng ghép các điểm mạnh của bản thân trong các mục khác, ưu tiên các điểm mạnh liên quan tới công việc, mà trong mô tả công việc có nhắc tới, chẳng hạn như về kết quả điểm số, chuyên ngành, ngoại ngữ, sự năng động, sáng tạo, chăm chỉ, ham học hỏi,…
>> CV nhiều thành tích nhưng không có Tiếng Anh thì sao?
Lưu ý chọn lọc nội dung, giới hạn độ dài CV
Có một lỗi sai mà sinh viên năm cuối thường mắc phải khi viết CV xin việc, đó chính là quá tham nội dung, cố gắng viết rất nhiều điều, liệt kê toàn bộ những thành tích, các cuộc thi, hoạt động mà mình từng tham gia ở trường đại học. Tuy nhiên, chính điều đó sẽ khiến CV xin việc của các em bị lan man, dài dòng, thiếu trọng tâm. Nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian để đọc hết 2-3 trang CV chi chít chữ, mà cũng chẳng biết đâu là nội dung cần lưu ý, đâu là ưu điểm nổi trội của các em. Ngoài ra, khi trong CV xin việc có quá nhiều nội dung, nhưng ít liên quan tới mô tả công việc, thì sẽ khiến CV của các em trở nên không phù hợp, càng đọc càng thấy không liên quan tới công việc, thì khả năng cao cũng sẽ bị trượt.
Vì thế, lưu ý cuối cùng trong cách viết CV xin việc chuyên nghiệp cho sinh viên năm cuối chính là hãy chọn lọc nội dung, chỉ nêu ra các điểm mạnh thật sự nổi trội, các thông tin có liên quan tới mô tả công việc. Thường thì CV xin việc nên giới hạn độ dài trong 1 mặt A4, để tránh bị lan man, dài dòng, sa đà vào các thông tin không liên quan tới công việc. Sinh viên năm cuối có thể dễ dàng tìm được nhiều mẫu CV chuyên nghiệp trên mạng, được thiết kế sẵn, đẹp mắt, theo đúng 1 mặt A4, chỉ cần điền đầy đủ thông tin rồi tải file về là được.
Bài viết này đã hướng dẫn cách viết CV chuyên nghiệp cho sinh viên năm cuối. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cách viết CV xin việc khi tốt nghiệp loại trung bình
—
Page Tự Tin Vào Đời: Các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc để sinh viên tự tin bước vào đời.
Tiktok Tự Tin Vào Đời: Các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Youtube Hoàng Khôi Phạm: Các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích