Home Công việc Làm Sao Công Ty Biết Ứng Viên Gian Dối Khi Phỏng Vấn?

Làm Sao Công Ty Biết Ứng Viên Gian Dối Khi Phỏng Vấn?

by Hoàng Khôi Phạm
Làm Sao Công Ty Biết Ứng Viên Gian Dối Khi Phỏng Vấn?

Gian dối khi phỏng vấn là một điều tối kỵ, nếu bị phát hiện ra thì khả năng cao rằng ứng viên sẽ bị loại ngay lập tức, vì nhà tuyển dụng sẽ không chấp nhận tuyển một nhân viên thiếu trung thực vào công ty làm việc. Cho dù bạn giỏi tới đâu, tự tin tới mức nào, nhưng chỉ cần có dấu hiệu thiếu trung thực thì nhà tuyển dụng sẽ hoài nghi toàn bộ những gì bạn đã chia sẻ. Vậy làm sao để công ty biết rằng ứng viên gian dối khi phỏng vấn? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Gian dối khi phỏng vấn và những hậu quả khôn lường

Làm sao công ty biết ứng viên gian dối khi phỏng vấn?

Thông thường, chúng ta sẽ làm việc ổn định ở 1 công ty suốt thời gian dài, khi nào nghỉ làm thì mới bắt đầu lật đật gửi CV rồi đi phỏng vấn một số nơi, rồi lại đi làm tiếp thêm một thời gian, tới khi nghỉ việc tiếp mới phỏng vấn tìm việc tiếp. Tức là cách một khoảng thời gian khá lâu bạn mới đi phỏng vấn trở lại, và số lần phỏng vấn việc làm của bạn chẳng đáng là bao so với nhà tuyển dụng. Đó là công việc thường ngày của họ, hầu như ngày nào cũng tiếp xúc với ứng viên, hỏi đáp, phỏng vấn để đánh giá, lựa chọn xem ai đủ năng lực và phù hợp với công việc. Có khi mỗi ngày phải phỏng vấn tận 5-6 ca, tiếp xúc liên tục với ứng viên, nên hơn ai hết, nhà tuyển dụng thừa chuyên môn và nghiệp vụ để bắt tại trận những hành vi gian dối khi phỏng vấn.

Chẳng hạn như quan sát thái độ, cử chỉ và ánh mắt của ứng viên, nếu đang trả lời phỏng vấn bình thường ở những câu trước, mà tự dưng tới câu này ứng viên lại có thái độ lạ lạ, ánh mắt thiếu tự tin, liếc ngang liếc dọc, thì khả năng rằng đang có sự mập mờ, thiếu trung thực trong câu trả lời. Để xác định rõ hơn, nhà tuyển dụng sẽ đặt thêm nhiều câu hỏi liên quan, hỏi xoáy, hỏi sâu vào vấn đề, nếu ứng viên ngập ngừng không trả lời được, hoặc đưa ra những câu trả lời không đồng nhất, lúc nói thế này lúc nói thế kia, hoặc câu trước đá câu sau, mâu thuẫn trong các câu trả lời với nhau, thì công ty có thể xác định ngay rằng ứng viên đó đang gian dối khi phỏng vấn. Ngoài ra, còn 1 nghiệp vụ khác cũng được dùng khá phổ biến, đó là gọi điện check người tham khảo, tức là đồng nghiệp hoặc sếp ở công ty cũ, để hỏi thăm về năng lực, kinh nghiệm và thái độ làm việc của ứng viên ở công ty cũ, rồi so sánh với những điều ứng viên nói khi phỏng vấn để phát hiện những điểm gian dối, không trùng khớp (nếu có).

Có nên phóng đại năng lực lên một tí khi phỏng vấn không?

Sau khi hiểu rằng công ty có rất nhiều cách để kiểm tra sự trung thực và phát hiện ngay những gian dối khi phỏng vấn, thì tất nhiên ứng viên sẽ bị rén và không dám nghĩ tới chuyện gian lận, bịa đặt thông tin sai sự thật khi phỏng vấn nữa, vì nếu bị phát hiện ra thì sẽ bị loại ngay. Tuy nhiên, có một số ứng viên thắc mắc rằng nếu mình không nói dối trắng trợn, mà chỉ phóng đại năng lực bản thân lên một tí khi phỏng vấn, để mình trở nên hoàn thiện, hoàn hảo hơn, tăng khả năng được nhận vào công ty làm việc thì có sao không, có nên làm vậy không?

Chẳng hạn như năng lực của bạn đang ở 7 điểm, khi trả lời phỏng vấn, bạn tự cộng cho mình thêm 2 điểm để lên được mức 9/10, thì liệu điều đó có sao không? Từ 7 lên 9, hay thậm chí từ 7 lên 8 cũng đều là hành vi gian lận, thiếu trung thực khi phỏng vấn, nhất là khi đó là những điều liên quan tới năng lực làm việc, bạn làm thế chẳng khác nào đang lừa dối nhà tuyển dụng, treo đầu dê bán thịt chó, nếu có trót lọt vượt qua vòng phỏng vấn, thì tới khi vào công ty thử việc, bạn không đáp ứng được năng lực như những gì đã nói, đạt kết quả làm việc tệ hơn kỳ vọng, thì bạn vẫn sẽ bị loại, chứ không được nhận vào làm nhân viên chính thức, làm tốn thời gian của cả bạn lẫn công ty. Ngoài ra, khi bạn tự phóng đại năng lực bản thân lên như thế thì sẽ bất công với những người trung thực, nếu bạn có được cơ hội việc làm thì đó là bạn đang cướp cơ hội từ tay người khác, chẳng hạn như bạn 7 điểm, phóng đại lên thành 9, thì bạn đang cướp cơ hội việc làm của các ứng viên 8 điểm. Đây là hành vi vừa thiếu trung thực, vừa ảnh hưởng tới công việc, tới chén cơm của người khác, thật sự là điều không nên làm.

>> Trả lời phỏng vấn: Bạn thường làm gì vào thời gian rảnh?

Nói dối những điều không liên quan tới năng lực có sao không?

Sau khi hiểu rằng không nên phóng đại năng lực làm việc, thì một số ứng viên cũng thắc mắc thêm rằng nếu nói dối những điều bên lề, không liên quan tới năng lực thì có sao không? Chẳng hạn như khi phỏng vấn, được nhà tuyển dụng hỏi về sở thích cá nhân, hoặc thường làm gì vào thời gian rảnh, mà thực tế bạn lại chỉ nằm ngủ, chơi game, nói ra thì kỳ quá, vậy có thể nói dối thành những điều tốt đẹp hơn, chẳng hạn như đọc sách, tập thể thao không? Mặc dù không liên quan trực tiếp tới năng lực làm việc, nhưng đây vẫn là các câu hỏi trong khuôn khổ buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hoàn toàn có chủ đích và muốn đánh giá một cách chính xác, chứ không phải họ buột miệng hỏi chơi cho vui, nếu bạn gian dối, trả lời thiếu trung thực thì đó cũng là điều không nên.

Chẳng hạn như câu hỏi về sở thích, nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn là người có các sở thích tích cực không, hay là dành quá nhiều thời gian cho các sở thích, thú vui vô bổ, lúc nào rảnh rỗi là cũng bấm điện thoại, chơi game cho hết ngày, hết giờ, không có các hoạt động khác để trau dồi bản thân, thiếu chí cầu tiến? Tức là nếu bạn thiếu trung thực, cho dù đó là với câu hỏi nào, liên quan nhiều tới năng lực làm việc hay không, thì nhà tuyển dụng cũng đều khó lòng chấp nhận, nếu phát hiện ra thì họ sẽ có ấn tượng xấu và khó lòng tuyển bạn vào công ty làm việc.

Nói giảm nói tránh có tính là gian dối khi phỏng vấn không?

Nói quá về năng lực không được, nói dối những điều không liên quan tới năng lực cũng không được, vậy liệu nói giảm nói tránh thì có được không, có tính là gian dối khi phỏng vấn không? Chẳng hạn như khi được hỏi về những thất bại, sai lầm trong quá khứ, sai sót trong công việc cũ, về các điểm yếu của bản thân, tức là những điều không mấy tích cực, thì bạn có thể nói giảm nói tránh để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng được không? Hoặc khi bạn nghỉ việc ở công ty cũ vì có những xích mích hoặc không hài lòng, không thích sếp cũ, thì có thể nói giảm mức độ xuống, hoặc nói lái sang một nguyên nhân khác nhẹ nhàng hơn, dĩ hoà vi quý hơn được không?

Trên tinh thần chung thì bạn cũng không nên nói giảm nói tránh, cần đảm bảo sự trung thực ở mức tối đa khi trả lời phỏng vấn, nhưng bạn có thể tự linh hoạt trong cách lựa chọn câu trả lời. Chẳng hạn như khi trả lời phỏng vấn về những thất bại, sai lầm, điểm yếu, thì bạn cứ nói thẳng ra, hoặc bạn có quyền lựa chọn các thất bại/điểm yếu nhẹ đô hơn, chứ không nhất thiết phải nói đúng cái thất bại nặng nề nhất, gây thiệt hại lớn nhất cho công ty cũ, như vậy sẽ giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng nhưng vẫn đảm bảo rằng bạn trung thực, đó là tình huống có thật chứ không phải bạn bịa đặt ra. Còn trường hợp được hỏi lý do nghỉ việc ở công ty cũ cũng tương tự như thế, thường thì chúng ta sẽ đi tới quyết định nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân, chứ không hẳn chỉ có 1 nguyên nhân là do xích mích, bất đồng. Tức là bạn có thể lựa chọn 1 nguyên nhân khác, chẳng hạn như thay đổi định hướng, thay đổi mục tiêu nghề nghiệp, thay đổi lĩnh vực/môi trường làm việc, nếu lý do đó thật sự cũng có tác động tới quyết định nghỉ việc của bạn, thì bạn cứ chọn nó để chia sẻ, vẫn trung thực chứ không phải là điều bịa đặt, gian dối. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc kỹ, không nên quá lạm dụng cách trả lời này, mà hãy luôn duy trì tinh thần trung thực cao độ khi phỏng vấn việc làm nhé!

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm sao công ty biết ứng viên gian dối khi phỏng vấn? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Cách đối mặt và vượt qua những sai lầm trong quá khứ

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích