Phải làm sao khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta chính là điều mà rất nhiều học sinh/sinh viên đang cố gắng tìm câu trả lời. Thật ra, các em cũng đã đủ lớn, đã có ý thức được rằng học tập là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến thành bại của mình trong tương lai, nên tự các em cũng đã có quyết tâm, cố gắng, nỗ lực trong việc học. Còn kết quả học tập thì nó cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không hẳn rằng chỉ cần chăm chỉ thì chắc chắn sẽ đạt điểm cao. Vậy phải làm sao khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta?
>> Ba mẹ so sánh con mình với con nhà người ta để làm gì?
Bình tĩnh khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta
Khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta, một số sinh viên sẽ không kiềm chế được cảm xúc, lớn tiếng bật lại, cãi lại cha mẹ, đó là điều không nên, và càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, khiến phụ huynh cảm thấy các em khó dạy bảo, không vâng lời, và càng dựa vào đó để tâng bốc “con nhà người ta” nhiều hơn, rằng mấy bạn đó ngoan hơn, lễ phép hơn,… Thay vào đó, khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta, dù biết rằng cảm xúc đó sẽ rất bực bội, khó chịu, nhất là khi phụ huynh liên tục lạm dụng điều ấy, nhưng các em vẫn phải cố gắng giữ bình tĩnh, vì nếu lúc đó có bất bình, thể hiện thái độ bất mãn thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hãy cố gắng hít sâu, im lặng, tạm thời không lên tiếng, để khi nào bản thân thật sự đủ bình tĩnh để trao đổi thì mình sẽ nói chuyện với phụ huynh sau.
Không nên bi quan, tự ti về năng lực bản thân
Song song đó, một số học sinh/sinh viên khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta cũng tự dưng trở nên bi quan, tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình thật sự yếu kém, bất tài, vô dụng, không giỏi như con nhà người ta. Đừng để suy nghĩ tiêu cực ấy kiềm hãm sự phát triển của bản thân, thay vào đó, các em nên tự lấy điều đó làm động lực, tự tin rằng mình hoàn toàn có thể tiến bộ hơn, học giỏi hơn, nếu như mình thật sự tập trung và cố gắng. Thật ra, không có ai sinh ra đã hoàn hảo 100%, ai cũng sẽ có những ưu nhược điểm riêng, điều quan trọng là mình nhận ra những điểm yếu của mình, và chịu khó phấn đấu, nỗ lực để khắc phục chúng, để dần hoàn thiện bản thân hơn, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình. Khi đã hiểu được tâm lý này, thì các em sẽ có đủ bản lĩnh và luận điểm để trao đổi trực tiếp với phụ huynh.
>> Sinh viên trầm cảm vì kết quả học tập kém thì phải làm sao?
Trao đổi thẳng thắn, cho phụ huynh có cái nhìn thực tế
Sau khi đã lấy lại bình tĩnh và tích cực hơn trong suy nghĩ, thì các em hãy sắp xếp một buổi nói chuyện, trao đổi thẳng thắn để cho phụ huynh có được cái nhìn thực tế hơn. Hãy cho phụ huynh thấy rằng bản thân các em cũng đang cố gắng mỗi ngày, mình cũng có những sự tiến bộ so với trước đây, chứ không phải rằng mình đang lười nhác, chểnh mảng, không chịu học hành đàng hoàng. Tất nhiên, chính bản thân các em phải thật sự cố gắng thì mới có chuyện để nói, chứ nếu mình thật sự lười học thì bị phụ huynh rầy la, so sánh với con nhà người ta là đúng rồi.
Bên cạnh đó, các em cũng cần giúp phụ huynh đặt lại kỳ vọng sao cho phù hợp và khả thi hơn, để tránh việc kỳ vọng lớn rồi thất vọng nhiều. Tức là nếu phụ huynh đang kỳ vọng các em phải được điểm 9, điểm 10, trong khi hiện tại các em chỉ mới ở điểm 7, thì các em nên kéo kỳ vọng của phụ huynh xuống một chút, chẳng hạn như mức điểm 8 sẽ có tính khả thi cao hơn, và đó vẫn là một kết quả đáng tự hào nếu như các em làm được trong tương lai.
Nỗ lực không ngừng để không lo bị so sánh nữa
Sau khi đã “đàm phán” thành công với phụ huynh, thì các em cần bắt tay vào hành động ngay, hãy cho phụ huynh thấy rằng mình đã lớn, đã ý thức được tư duy, lời nói và có trách nhiệm với những gì bản thân mình đã hứa. Tức là các em cần biến lời nói thành hành động, chứ đừng bao giờ nói cho đã rồi chẳng thấy thực hiện. Sau khi trao đổi thẳng thắn, chốt được kỳ vọng với phụ huynh, thì các em cần nỗ lực không ngừng, cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, hoàn thiện năng lực bản thân, để mình ngày càng tiến bộ hơn, trưởng thành hơn, giúp phụ huynh yên tâm và tự hào hơn. Nếu làm được điều này, thì chắc hẳn rằng trong tương lai, các em sẽ không lo bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta nữa.
Bài viết này đã giúp học sinh/sinh viên có được hướng giải quyết phù hợp khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta. Hy vọng rằng những thông tin và lời khuyên này sẽ hữu ích với các em!
>> 5 lưu ý giúp sinh viên tránh kiệt sức khi ôn thi học kỳ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.