Khi tuyển dụng, công ty luôn muốn tìm kiếm ứng viên có khả năng gắn bó lâu dài. Ở hướng ngược lại, người lao động cũng muốn có một công việc ổn định, nếu không có những biến cố, bất trắc, thì vẫn sẽ ở lại làm lâu, không muốn phải thường xuyên thay đổi công việc. Chính vì thế, khái niệm sự gắn bó với công việc đã được xây dựng, ghi sâu vào trong tâm trí của chúng ta, và mọi người mặc định rằng đó là một điều tốt, tích cực. Nhưng liệu ráng gắn bó ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt có phải là một quan điểm chính xác không?
>> Cuối năm công ty đình trệ, công việc không khả quan thì phải làm sao?
Gắn bó với công ty bao lâu thì đủ?
Trước khi giải đáp thực hư chuyện ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nên gắn bó với công ty bao lâu thì đủ? Luật Lao Động không có quy định về điều này, trong quá trình phỏng vấn, thoả thuận giữa ứng viên và nhà tuyển dụng hầu như cũng không hứa với nhau trước, trong hợp đồng lao động cũng chẳng có điều khoản cụ thể liên quan tới thời gian tối thiểu mà bạn cần gắn bó với công ty.
Chính vì thế, xét về lý thì sẽ không có điều gì ràng buộc nhân viên về thời gian, rằng phải ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc sau bao lâu mới được nghỉ, và cho dù thời hạn hợp đồng lao động chưa kết thúc, thì người lao động cũng có quyền xin nghỉ việc, miễn sao mình báo trước với công ty đủ số ngày quy định là được. Tuy nhiên, xét về tình, về sự phù hợp thực tế, để dù bạn nghỉ việc thì đôi bên vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với nhau, vẫn gắn kết và có thể tiếp tục hợp tác làm việc trong tương lai, thì bạn cần có thời gian gắn bó, làm việc chung với sếp, với đồng nghiệp tối thiểu 1 năm, chứ nếu bạn chỉ mới làm vài ba tháng rồi nghỉ, thì đó giống như một cuộc dạo chơi, bạn đến và đi trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi, chưa đủ để tạo dấu ấn trong công việc, mà công ty lại phải mất thời gian, mất công đào tạo bạn, cuối cùng bạn lại rời đi khá sớm thì cũng hơi kỳ, trừ khi công việc có vấn đề, môi trường làm việc toxic, cấp trên kỳ cục thì không nói, chứ nếu mọi chuyện đều bình thường mà bạn lại gắn bó chưa tới 1 năm, thì vấn đề nằm ở phía bạn.
Công ty có ưu ái những ai gắn bó lâu năm không?
Khi ở lại công ty làm việc lâu năm, chắc hẳn bạn sẽ ngày càng quen với công việc, thành thạo chuyên môn liên quan tới công việc, nhất là những điều mà mình làm thường ngày. Sau khi thạo những điều cơ bản, hoàn thành tốt các việc bình thường, thì bạn sẽ dần được công ty tin tưởng, giao trọng trách cao hơn, đảm nhiệm các công việc phức tạp hơn, thì bạn cũng sẽ nâng cao được chuyên môn và năng lực làm việc của mình. Chứ nếu bạn nhảy việc khá thường xuyên, vào làm mỗi công ty một tí, vừa mới quen việc, thì lại chuyển sang nơi khác, thì sẽ khó lòng học hỏi, trau dồi năng lực, và tốc độ tiến bộ cũng sẽ chậm hơn những ai gắn bó lâu năm với công ty. Tạm gác những lợi ích về việc trau dồi bản thân ấy sang một bên, liệu phía công ty có ưu ái những ai gắn bó lâu năm không, nhân viên có thâm niên làm việc lâu năm có những quyền lợi hay đặc quyền nào hơn so với nhân viên mới không?
Hàng ngày, bạn phải giải những bài toán phức tạp liên quan tới công việc, phải làm sao để mang về kết quả làm việc tốt nhất có thể. Phía công ty cũng thế, họ cũng phải đối mặt với bài toán vận hành kinh doanh, tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân tài cho công ty, họ luôn muốn tìm cách giữ chân những nhân viên giỏi, năng lực làm việc tốt, vì họ thừa hiểu rằng nếu chế độ đãi ngộ không đủ tốt, thiếu quyền lợi cho nhân viên gắn bó lâu năm, thì có khả năng rằng nhân lực giỏi sẽ nghỉ việc, chuyển sang công ty khác, có môi trường và đãi ngộ tốt hơn.
Thông thường, công ty sẽ có chế độ tăng lương theo thâm niên, tức là càng làm lâu năm thì bậc lương cứng sẽ càng cao, chưa kể tới cơ hội thăng tiến lên cấp cao hơn thì lương cũng tăng theo. Chế độ thưởng Tết, lương tháng 13, nhân viên gắn bó lâu năm cũng sẽ nhận được phần nhiều hơn so với nhân viên mới. Song song đó, công ty cũng dành sự tôn trọng, tri ân những ai đã gắn bó lâu năm, có nhiều đóng góp cho công ty, đã cùng công ty vượt qua những giai đoạn khó khăn trong quá khứ, nhất là những nhân viên đời đầu, đi cùng công ty từ những ngày đầu tiên, cùng xây dựng những viên gạch, nền móng đầu tiên.
>> Chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao?
Ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt?
Như đã tìm hiểu ở phần trước, các công ty luôn dành sự tôn trọng, trao quyền và có đãi ngộ tốt cho những nhân viên làm việc lâu năm, nhưng liệu đó có phải là lý do khiến bạn phải ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt? Có thể khi đã ở lại công ty làm việc suốt một thời gian dài, thì ít nhiều bạn cũng sẽ có những lưu luyến, không muốn rời xa, không muốn thay đổi công việc cho dù hiện tại đang có nhiều điều khiến bạn thấy mệt mỏi, chán nản, tình cảm với công ty không còn đong đầy như trước. Hoặc cũng có một số người lưu luyến sếp, đồng nghiệp thân, sợ sang môi trường mới thì team của mình không được thân thiết, hiểu ý và phối hợp với nhau ăn ý như hiện tại.
Đồng thời, cũng có một số người tự ti về năng lực bản thân, cho rằng bây giờ nhảy việc có khi lại không tìm được việc làm, bị thất nghiệp, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các công ty hạn chế tuyển dụng, chỉ tuyển chọn những người thật sự có năng lực tốt… Rất nhiều lý do khiến cho chúng ta dù không còn cảm hứng với công việc hiện tại, nhưng vẫn ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc, chứ chưa có ý định nộp đơn xin nghỉ, cho dù có than vãn này kia, thì cũng chỉ dừng lại ở lời nói, chứ chưa có lá đơn xin nghỉ nào được nộp cho công ty. Điều này thật sự không tốt cho cả bạn, và cho cả công ty, bạn phải ráng làm một công việc mà mình quá chán, không tập trung, bỏ bê công việc, khiến kết quả làm việc tệ, và tất nhiên điều này sẽ gây thiệt hại cho công ty. Vậy tại sao phải ráng nán lại làm gì?
Khi nào là thời điểm phù hợp để thay đổi công việc?
Khi bạn cảm thấy có quá nhiều điểm không còn phù hợp, không còn điểm chung giữ mình với công ty, thì bạn nên có quyết định dứt khoát, nghỉ việc rồi tìm việc mới, chứ không nên giữ khư khư quan điểm ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt, vì đây chỉ đơn thuần là 1 trong rất nhiều công việc mà bạn sẽ làm trong suốt hàng chục năm làm việc của mình, và biết đâu, khi chuyển sang một công ty khác, môi trường làm việc mới, bạn lại thấy phù hợp hơn, hào hứng hơn, phát huy được năng lực của mình nhiều hơn và gặt hái nhiều thành công hơn.
Thế giới luôn xoay chuyển, chúng ta cũng luôn cần phải thay đổi, gắn bó với công ty là điều tốt, nhưng bạn chỉ cần gắn bó một thời gian vừa đủ, sao cho bạn đã có những trải nghiệm tốt nhất, có phong độ làm việc ổn định, và đi làm mỗi ngày với một tinh thần hào hứng, sảng khoái nhất, còn khi nhận ra những cái “nhất” ấy không còn nhất nữa, ngày càng vơi bớt, tệ hơn, thì cũng là thời điểm phù hợp để bạn chuyển mình, thay đổi công việc, nộp một lá đơn, bàn giao công việc, rồi tạm biệt sếp và đồng nghiệp. Tất nhiên, nghỉ việc là một chuyện quan trọng, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo rằng đây là quyết định chính xác, chứ không nên vội vàng khi mình còn chưa suy nghĩ thấu đáo.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp thực hư chuyện ráng gắn bó, ở lại công ty làm việc càng lâu càng tốt. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.