Home Công việc Sếp Khó Tính Quá Thì Nhân Viên Phải Làm Sao?

Sếp Khó Tính Quá Thì Nhân Viên Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Sếp Khó Tính Quá Thì Nhân Viên Phải Làm Sao?

Khi đi làm, có bao giờ bạn gặp phải sếp khó tính chưa? Nếu chưa, thì trộm vía, bạn đang khá may mắn, vì không phải đối mặt với những áp lực nặng nề như nhiều người làm công ăn lương khác. Cấp trên càng khó tính thì bạn sẽ càng thấy mệt mỏi, stress, sợ lỡ mình làm không tốt, lỡ để xảy ra sai sót gì, hoặc làm không đúng ý thì sếp sẽ nổi cơn thịnh nộ. Vậy sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hướng giải quyết trong bài viết này nhé!

>> Đi làm bị sếp chửi nhiều quá thì phải làm sao?

Vì sao cấp trên thường khó tính với nhân viên?

Kỷ luật thường sẽ đảm bảo được kết quả, tức là cấp trên khó tính, nhân viên nể sợ, tập trung làm việc, thì khả năng cao rằng sẽ mang lại kết quả công việc tốt, đạt hiệu suất cao, hạn chế được các sai sót không đáng có trong quá trình làm việc. Hoặc bạn cũng có thể hình dung đơn giản hơn, hãy nhớ lại thời mình còn đi học, đang ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô, giảng viên càng khó tính, càng tạo nhiều áp lực, thì hầu như học sinh/sinh viên sẽ càng học hành nghiêm túc hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn, nắm vững kiến thức hơn. Chính vì lẽ thường tình ấy, nên đa số cấp trên thường sẽ khó tính với nhân viên, chứ không thể nào lãnh đạo với phong cách quá dễ dãi, để cấp dưới thoải mái muốn làm gì thì làm, như thế sẽ dễ bị banh team vì mọi người không đủ cố gắng, nỗ lực và nghiêm túc làm việc, khó lòng mang lại kết quả tốt.

Những biểu hiện của người cấp trên khó tính quá mức

Cấp trên khó tính với cấp dưới là điều hoàn toàn bình thường và có thể hiểu được, tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sếp khó tính một cách quá mức, vì như thế khả năng sẽ bị phản tác dụng, khiến nhân viên đi làm mà quá áp lực, khó lòng hoàn thành tốt công việc. Liệu bạn có đang phải đối diện với một người sếp quá khó tính không? Hãy thử điểm qua xem cấp trên của mình có những biểu hiện bên dưới không:

  • Sếp quá chú trọng tiểu tiết, những việc không ảnh hưởng quá nhiều tới công việc cũng làm nghiêm trọng lên, nhìn vào những lỗi sai nhỏ để trách mắng, gây áp lực với nhân viên cấp dưới;
  • Nhân viên làm tốt thì cho là bình thường, làm sai/chưa tốt thì cho rằng nhân viên đang chống đối, lười biếng, không chịu tập trung làm việc, thiếu cố gắng trong công việc;
  • Sếp luôn cho rằng mình đúng, cứng nhắc, không chịu lắng nghe quan điểm/phản hồi của nhân viên cấp dưới;
  • Chuyện bé xé ra to, đụng phải điều gì cũng nổi nóng, phát điên, làm ầm lên, quát tháo nhân viên cấp dưới;
  • Sếp thường xuyên nói nặng lời, chửi mắng, lớn tiếng với cấp dưới, cho rằng nhân viên bên dưới quá tệ;
  • Sếp đưa ra những quy định quá cứng nhắc, vô lý, khiến cấp dưới đi làm với tâm thế áp lực, bị gò bó quá mức;
  • Sếp thường hăm doạ sẽ trừ lương, cắt thưởng, đuổi việc khi nhân viên để xảy ra sai sót trong công việc…

Thực tế muôn hình vạn trạng, vẫn còn rất nhiều biểu hiện “kinh dị” khác của những người sếp khó tính quá mức, và người chịu trận không ai khác, đó chính là những nhân viên cấp dưới, đi làm công ăn lương như mọi người, nhưng lại xui rủi đụng phải những người cấp trên quá khó tính, khiến họ phải chịu đựng rất nhiều điều…

>> Không hợp với sếp mới thì có nên nghỉ việc không?

Nhân viên cảm thấy thế nào khi cấp trên quá khó tính?

Nhân viên ai cũng biết tự giác làm việc, tự có ý thức trong công việc, vì mọi người hiểu rõ rằng nếu làm việc chểnh mảng, thiếu nghiêm túc, liên tục mang về kết quả không tốt, thì có thể bị mất việc, bị sa thải bất cứ lúc nào. Tất nhiên, cấp trên cũng có quyền khó tính, tạo áp lực để đội ngũ bên dưới của mình tập trung làm việc 100% công suất, nhưng không nên trở thành một người sếp quá khó tính, vì sẽ khiến nhân viên cảm thấy:

  • Bầu không khí đi làm quá nặng nề, mệt mỏi, khiến nhân viên bị áp lực quá mức cần thiết;
  • Nhân viên lo sợ tùm lum, sợ sai sót bị trách mắng, khó lòng tập trung hoàn thành tốt công việc;
  • Nhân viên bị phân tâm, tập trung quá nhiều vào tiểu tiết, vì cấp trên hay soi mói chi tiết, nhiều khả năng sẽ bỏ quên kết quả tổng thể, phạm phải nhiều lỗi sai ở các yếu tố quan trọng hơn;
  • Nhân viên chán nản công việc, cảm thấy đi làm như cực hình, đi làm mà cứ mong mau tới giờ về, mong mau tới cuối tuần để được relax, dẫn tới việc chưa thật sự tập trung để hoàn thành các việc cần làm;
  • Nhân viên cảm thấy không còn là chính mình, mất đi giá trị bản thân, không đảm bảo work life balance;
  • Nhân viên cảm thấy môi trường làm việc quá toxic, không có tinh thần làm việc, mất cảm hứng làm việc;
  • Nhân viên cảm thấy không phục, thấy sếp quá khó tính, cứng nhắc, không tâm lý chút nào, rồi đâm ra chống đối, có những việc cố tình không làm, hoặc làm ngược lại với ý sếp, khiến nội bộ xung đột và gây ra nhiều rủi ro khác…

Sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao?

Mặc dù đi làm công ăn lương, nhưng thật ra đây là mối quan hệ win-win giữa nhân viên và công ty, nhân viên bán sức lao động, cố gắng, nỗ lực làm việc để tạo ra giá trị, còn công ty sẽ trả lương dựa trên giá trị mà nhân viên mang lại. Hơn nữa, người trả lương cho bạn là công ty, chứ không phải là sếp, nên không có lý do gì khiến bạn phải chịu thiệt thòi, ấm ức cam chịu khi cấp trên khó tính quá mức, có những quy định/quy tắc nghiêm ngặt quá mức cần thiết, hoặc thường xuyên có những lời lớn tiếng trách mắng, xúc phạm mình… Im lặng không giải quyết được vấn đề, nó chỉ khiến bạn càng thêm quá bực bội, khó chịu nhiều hơn, và càng đâm ra chán ghét người sếp khó tính ấy hơn, lỡ đâu một ngày nào đó hết chịu đựng nổi, bùng nổ, bật lại cấp trên, thì bạn lại là người mang tiếng xấu, rằng mình là người không biết trên dưới, thiếu kỷ luật,…

Nếu gặp sếp khó tính quá, bạn cần phải hiểu được tâm lý sếp, nắm rõ những quy định/quy tắc/yêu cầu mà người cấp trên ấy đang đặt ra cho công việc và nhân viên cấp dưới. Khi đã nắm được những điều ấy trong lòng bàn tay, thì bạn chỉ cần tập trung đáp ứng chính xác, đầy đủ như những gì họ cần, họ đang kỳ vọng. Khi đó, cho dù sếp có khó đến đâu, dữ đến mức nào, cũng sẽ khó lòng tìm ra chỗ để bắt bẻ, trách mắng bạn. Thậm chí, nếu bạn hoàn thành tốt công việc, đáp ứng đầy đủ yêu cầu như kỳ vọng của sếp, thì nhiều khả năng bạn sẽ trở thành cánh tay đắc lực, được sếp tin tưởng giao cho các việc quan trọng và tăng cơ hội thăng tiến trong tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn làm tốt, làm đúng, nhưng vẫn bị cấp trên bắt bẻ một cách vô lý, nói chuyện không có lý lẽ, thì đó thật sự là một người sếp tồi, sẽ khiến bạn mất động lực làm việc, kiềm hãm sự phát triển của bạn, tốt nhất là bạn nên tìm kiếm một công ty mới, nơi có môi trường làm việc tốt hơn, sếp tâm lý hơn.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng vì sao sếp thường khó tính với nhân viên, sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Phải làm sao khi sếp nói chuyện vô lý, áp đặt, cứng nhắc?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích