Thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp là thử thách cam go mà sinh viên năm cuối phải trải qua trước khi tốt nghiệp ra trường. Nếu hoàn thành tốt, đạt điểm cao, sẽ giúp sinh viên kéo điểm trung bình tích luỹ lên cao, tăng khả năng tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc. Ngược lại, nếu thực tập và làm khoá luận không tốt, thì sẽ kéo GPA của sinh viên đi xuống, kéo theo nhiều hệ luỵ không mong muốn khác. Để hoàn thành tốt kỳ thực tập và khoá luận, thì giảng viên hướng dẫn đóng một vai trò khá quan trọng. Vậy sinh viên có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không?
>> Điều kiện để sinh viên được đăng ký đi thực tập
Vì sao cần có giảng viên hướng dẫn thực tập?
Đi thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp là điều mà hầu như sinh viên chưa từng trải qua trước đây, đa số sinh viên sẽ chỉ có 1 lần duy nhất để thực tập và làm khoá luận trước khi ra trường, đồng nghĩa với việc các em phải cực kỳ tập trung, nỗ lực, và bắt buộc phải hoàn thành tốt ngay từ lần đầu tiên, chứ nếu để bài làm bị điểm kém, không đạt, thì vừa bị rớt rất nhiều tín chỉ, mà vừa tốn thêm cả 1 học kỳ khác để làm lại từ đầu, kéo theo chuyện phải tốt nghiệp ra trường trễ.
Để giúp sinh viên thuận lợi hơn, tăng khả năng hoàn thành tốt thử thách này, đảm bảo đi đúng hướng, tránh bị lạc đề, tránh bị bỡ ngỡ, hoang mang khi có quá nhiều điều chưa rõ, vẫn còn lạ lẫm với chuyện đi thực tập, làm khoá luận, thì trường đại học sẽ luôn có giảng viên hướng dẫn thực tập, đồng hành cùng các em trong thử thách này. Chứ nếu đi thực tập, chọn đề tài và làm khoá luận chưa chuẩn xác, lan man, không đi đúng hướng, không có ai hướng dẫn, thì sẽ cực kỳ bất lợi và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các em.
Giảng viên hướng dẫn sẽ hỗ trợ sinh viên các việc gì?
Mỗi sinh viên sẽ có ít nhất 1 giảng viên hướng dẫn thực tập, đây là những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ, phù hợp với chuyên ngành mà sinh viên đang được đào tạo. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng, thì giảng viên này thường sẽ phụ trách khoảng 10-15 sinh viên trong 1 đợt thực tập, làm khoá luận tốt nghiệp, chứ sẽ không kiêm nhiệm nhiều sinh viên hơn. Thông thường, giảng viên hướng dẫn thực tập sẽ hỗ trợ sinh viên trong các đầu việc sau:
- Gợi ý tìm chỗ thực tập, chọn các công việc thực tập đúng chuyên môn, phù hợp chuyên ngành;
- Duyệt kế hoạch thực tập và đánh giá nhật ký quá trình đi thực tập của sinh viên;
- Hướng dẫn lựa chọn và duyệt đề tài, đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết của khoá luận;
- Hướng dẫn thu thập thông tin, số liệu, dữ liệu cần thiết để phân tích và làm khoá luận;
- Review định kỳ, nhận xét và hỗ trợ sinh viên sửa bản thảo, bản nháp của khoá luận;
- Đảm bảo sinh viên hoàn thành bài làm đúng tiến độ, kịp deadline khoá luận;
- Kiểm tra đạo văn, đảm bảo sinh viên làm bài một cách độc lập, không sao chép;
- Đánh giá và chấm điểm nhật ký thực tập, báo cáo thực tập và khoá luận tốt nghiệp.
Tuỳ từng trường đại học sẽ có thêm các quy định riêng về những đầu việc mà giảng viên hướng dẫn thực tập sẽ phụ trách, hỗ trợ sinh viên, nhưng thường sẽ xoay quanh những nội dung nêu trên.
>> Đi thực tập nhưng chưa chọn được đề tài khoá luận thì phải làm sao?
Sinh viên có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không?
Sau khi tìm hiểu rằng vì sao cần có giảng viên hướng dẫn, sẽ hỗ trợ sinh viên trong các việc gì, thì nhiều bạn cũng thắc mắc rằng sinh viên có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không? Câu trả lời là không, hầu như các trường đại học sẽ không cho phép sinh viên lựa chọn giảng viên hướng dẫn, mà sẽ do nhà trường phân công một cách ngẫu nhiên, theo từng ngành, từng lớp, thường sẽ theo danh sách lớp, theo bảng chữ cái tên sinh viên. Đây là điều hoàn toàn bình thường, để tránh trường hợp sinh viên truyền tai nhau đăng ký các giảng viên hot, chấm điểm dễ, còn các giảng viên khó tính thì chẳng ai đăng ký, dẫn tới tình trạng phân chia không đồng đều, và cũng khiến giảng viên cảm thấy mình không được tôn trọng khi có ít sinh viên lựa chọn mình.
Thật ra, giảng viên có tác động tới kết quả điểm số bài khoá luận tốt nghiệp của sinh viên, nhưng phần lớn kết quả vẫn đến từ năng lực và nỗ lực của chính các em. Bản thân sinh viên mới là người ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp của mình, các em không nên quá đặt nặng chuyện giảng viên dễ hay khó, và cũng đừng nghĩ tới chuyện lựa chọn giảng viên, vì mình sẽ không được chọn đâu, trường xếp sao thì mình theo vậy thôi.
Gặp giảng viên khó quá thì sinh viên phải làm sao?
Sau khi hiểu rằng mình sẽ không được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập, mà sẽ phụ thuộc vào sự sắp xếp của trường, thì nhiều sinh viên cũng lăn tăn rằng nếu lỡ gặp giảng viên khó quá thì phải làm sao? Thật ra, giảng viên khó là một thách thức lớn, nhưng đó cũng chính là cơ hội để sinh viên cố gắng, nỗ lực và nghiêm túc hơn với chuyện đi thực tập và làm khoá luận tốt nghiệp. Giảng viên càng khó, càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe, mà sinh viên đáp ứng được những điều ấy thì sẽ càng hoàn thành bài làm một cách chuẩn chỉnh hơn, có cơ hội được điểm cao hơn, và tất nhiên các em cũng sẽ tích luỹ được nhiều kiến thức, kỹ năng và hành trang hữu ích để tự tin vào đời, tự tin tìm việc làm khi ra trường. Chứ nếu giảng viên dễ tính quá thì sinh viên sẽ bị ỷ lại, lười biếng, không tập trung, không nỗ lực khi đi thực tập và làm khoá luận, thì chính điều đó sẽ khiến các em chẳng học hỏi được gì nhiều, ra trường mà vẫn còn khá lơ mơ, khó lòng cạnh tranh việc làm.
Vì thế, khi gặp giảng viên khó tính, thì sinh viên cần lưu ý lắng nghe, ghi chú lại đầy đủ những yêu cầu và dặn dò từ phía giảng viên, rồi đảm bảo mình sẽ luôn tuân thủ, hoàn thành tốt những điều ấy. Dẫu biết rằng như thế cũng khá cực và áp lực, nhưng đó là điều mà sinh viên nên đối mặt, là thử thách và cơ hội để các em rèn giũa bản thân, để mình tiến bộ hơn, vững vàng hơn, không chỉ trong chuyện học tập, điểm số, mà còn cả khi đi làm sau này nữa.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng có được chọn giảng viên hướng dẫn thực tập không, nếu lỡ gặp giảng viên khó thì phải làm sao? Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Làm sao khi bị sai điểm, không giống điểm giảng viên đã đọc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.