Dân kinh doanh thường hay bảo nhau rằng chữ tín là điều cực kỳ quan trọng, nhất là khi mình đang có được lòng tin từ khách hàng, đối tác, thì nhất định phải giữ uy tín với họ, nói được, làm được, chuyện gì đã hứa thì phải làm, không được nuốt lời, càng không được đổi ý vào phút chót. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người làm kinh doanh nhưng không giữ chữ tín, cụ thể trong các trường hợp nào, và họ phải đối mặt với các tác hại ra sao?
>> Giữ lời hứa mang lại cho bạn những gì?
Vì sao giữ chữ tín lại quan trọng?
Chữ tín chính là niềm tin, là uy tín của bạn đối với những người xung quanh, nhất là những khách hàng, đối tác đang có quan hệ làm ăn kinh doanh với mình. Khi có được lòng tin, tạo được sự uy tín càng lớn, thì bạn càng dễ có được những hợp đồng giá trị lớn, làm ăn kinh doanh phát đạt, duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, đối tác.
Không dừng lại ở đó, trong cuộc sống, những ai giữ chữ tín, giữ lời hứa cũng sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt với mọi người xung quanh, và chữ tín thật sự là một tài sản vô giá, ai cũng cần phải giữ gìn, tránh để bị mất đi, vì thật sự khi không còn chữ tín, thì cũng không còn niềm tin, mọi người sẽ nhìn bạn bằng con mắt ngờ vực, thậm chí họ sẽ ngầm đánh giá, cho rằng bạn là một người không đáng tin cậy, không muốn tiếp xúc nữa, tiếng xấu đồn xa, càng lúc sự mất uy tín của bạn sẽ lan truyền tới nhiều người hơn, kéo theo nhiều hậu quả tai hại hơn.
Các trường hợp kinh doanh nhưng không giữ chữ tín
Dẫu biết rằng chữ tín là điều cực kỳ quan trọng, nhất là trong kinh doanh, khi bạn đang có nhiều mối quan hệ làm ăn với khách hàng, đối tác, bạn đã mất rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng chữ tín cho bản thân, nên tất nhiên sẽ không muốn đánh mất nó. Có thể bạn luôn quan niệm rằng tôi phải giữ uy tín, giữ lời hứa với mọi người, nhưng đâu đó vẫn có những lúc bạn chưa kiểm soát được lời nói, hành vi của bản thân, đã có những cách hành xử kỳ cục, đáng ra không nên có, và chúng đã khiến bạn bị mất chữ tín, dưới đây là một số trường hợp phổ biến:
- Làm chủ kinh doanh nhưng không giữ chữ tín với nhân viên, nói 2 lời, trước sau bất nhất, thường xuyên thay đổi quy định, quy tắc, khiến nhân viên cảm thấy bất bình, không thể yên tâm làm việc, thậm chí càng lúc sự bực bội càng tích tụ lại, tới một lúc nào đó họ sẽ nghỉ việc, nhân viên vào ra liên tục vì sếp không giữ chữ tín, đây là sai lầm của không ít người làm kinh doanh, khi chỉ chăm chăm giữ chữ tín với khách hàng, đối tác, mà quên mất rằng những nhân viên trong công ty mình cũng cần được tôn trọng;
- Làm chủ kinh doanh rồi xem thường những người khác, đây cũng là trường hợp khá phổ biến, thấy mình làm chủ, mình kiếm được nhiều tiền, tự tin về bản thân, nên đâm ra xem thường người khác, đi mua sản phẩm, dịch vụ mà cứ làm ra vẻ thượng đẳng, không xem trọng những lời mình đã nói ra, chẳng hạn như hứa ngày mai sẽ quay lại, hoặc sẽ phản hồi lại, nhưng im luôn, gọi không nghe máy, nhắn tin không trả lời, họ tự cho mình quyền không cần trả lời, vì xem thường những người kia, nhưng thật ra đây là hành vi không giữ chữ tín, bất lịch sự;
- Hứa bậy bạ với khách hàng để chốt đơn, rồi cuối cùng lật lọng, không thực hiện, không đáp ứng đúng/đủ những điều mình đã hứa, gây mất chữ tín nghiêm trọng, chẳng khác nào lừa gạt, có thể điều này khiến họ kiếm được những đồng tiền tạm bợ, nhưng đã mất uy tín rồi thì còn làm ăn gì nữa;
- Không thực hiện đủ nghĩa vụ hợp đồng, trễ hẹn thanh toán với đối tác: Khi làm kinh doanh, có những lúc hợp tác với các đối tác, kèm theo hợp đồng cụ thể, nhưng họ lại không thực hiện đủ nghĩa vụ, rồi viện lý do này kia để thoái thác, hoặc cũng có trường hợp trễ hẹn thanh toán, khất từ lần này sang lần khác, cũng là một hành vi không giữ chữ tín, sau này ai dám làm ăn với mình nữa…
>> Không giữ lời hứa thì bạn sẽ mất đi những gì?
Tác hại khi làm kinh doanh nhưng không giữ chữ tín
Vốn dĩ chữ tín là điều cực kỳ quan trọng khi làm ăn kinh doanh, thật ra ai cũng biết đây là điều quan trọng, nói lời phải giữ lấy lời, phải giữ được lòng tin với mọi người xung quanh, nhưng khi được hỏi về những tác hại nếu không giữ chữ tín, thì nhiều người không trả lời được, hoặc chỉ đưa ra 1-2 ý chung chung, chưa hình dung được cụ thể. Nếu bạn cũng đang mông lung như thế, thì chúng ta hãy cùng điểm qua những tác hại khi làm kinh doanh nhưng không giữ chữ tín.
Đầu tiên, bạn cần hình dung rằng chữ tín là điều cực kỳ quan trọng trong nhiều khía cạnh, chứ không riêng gì trong kinh doanh, khi bạn mất uy tín thì hầu như sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ khía cạnh trong cuộc sống, gây rạn nứt các mối quan hệ, càng nhiều người biết chuyện bạn không giữ chữ tín thì bạn càng mất đi nhiều mối quan hệ hơn, kể cả những người vốn dĩ khá thân thiết, nhưng họ cũng biết phân biệt phải trái, đúng sai, sẽ không mù quáng bênh vực khi thấy bạn có hành vi không đúng, không giữ lời hứa, không thực hiện những điều đã nói. Tự dưng giá trị của bạn bị rớt xuống con số 0, bị mọi người nhìn bằng ánh mắt ngờ vực, những điều bạn nói ra sau này có thể cũng chẳng ai tin, hoặc chỉ tin được 50%, còn lại vẫn sẽ nghi ngờ vì bạn đã từng là một người không giữ chữ tín.
Quay trở lại trong khía cạnh kinh doanh, khi bạn làm chủ doanh nghiệp, điều hành hoạt động kinh doanh nhưng lại có những lần không giữ lời, khiến mình bị mất uy tín trong mắt khách hàng, đối tác, thì liệu họ có cho bạn cơ hội để sửa sai, để lấy lại uy tín không? Câu trả lời sẽ là không, xem như bạn mất luôn các mối quan hệ làm ăn với họ, trong thương trường có rất nhiều doanh nghiệp khác, đâu chỉ có riêng mình bạn, không hợp tác với bạn thì họ hợp tác với người khác. Điều này khiến bạn vừa mất đi khách hàng, đối tác, mất nguồn doanh thu từ họ, mà lại còn khiến cho đối thủ của mình có cơ hội để tiếp xúc, làm ăn với họ, với những người từng là khách hàng, đối tác quen của mình. Thời buổi này, kiếm được khách hàng là điều rất khó, vậy mà bạn lại đánh mất mối quan hệ với họ vì không giữ chữ tín. Lâu dần, nếu điều này vẫn còn tiếp diễn, thì khả năng cao rằng bạn sẽ kinh doanh ngày càng sa sút, thua lỗ, cho dù năng lực của bạn giỏi tới đâu, khả năng điều hành tốt đến cỡ nào, nhưng khi không còn lòng tin, thì các mối quan hệ làm ăn cũng mất đi.
Bài viết này đã giúp chúng ta hiểu được rằng vì sao giữ chữ tín lại quan trọng, và hiểu rõ các tác hại khi làm kinh doanh nhưng không giữ chữ tín. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Xây dựng niềm tin bằng sự trung thực, bạn đã làm được chưa?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.