Home Học tậpHọc hành, thi cử Tân Sinh Viên Học Làm Sao Để Không Bị “Dồn 1 Đống”?

Tân Sinh Viên Học Làm Sao Để Không Bị “Dồn 1 Đống”?

by Hoàng Khôi Phạm
Tân Sinh Viên Học Làm Sao Để Không Bị "Dồn 1 Đống"?

Deadline dí sát gáy, bài vở chồng chất, thi cuối kỳ như một cơn ác mộng. Sinh viên đừng để năm 1 đại học của mình trở thành một chuỗi ngày chạy đua với thời gian, điểm số lúc lên lúc xuống, vừa stress vừa không hiệu quả. Vậy tân sinh viên phải học làm sao để không bị “dồn 1 đống”?

>> Cách lên kế hoạch học tập khoa học cho sinh viên

Lập kế hoạch học tập, đừng đụng đâu học đó

Thật sự, lập kế hoạch học tập là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết ở đại học, nhất là với tân sinh viên. Các em mới lên đại học, còn chưa quen với các học, cách thi, cách giao bài tiểu luận, deadline thuyết trình, mà đa số môn học cũng mới, là các kiến thức chưa từng học hồi cấp 3. Nếu tân sinh viên không lập thời gian biểu, lập kế hoạch học tập cụ thể, thì sẽ dễ bị rối, bị đuối, “dồn 1 đống”, cảm thấy mình học nhiều mà không hiệu quả, học trước quên sau.

Để tránh bị ngập chìm trong đống bài tập, nhìn vô không biết bắt đầu từ đâu, thì tân sinh viên cần lập kế hoạch học tập ngay từ đầu học kỳ, cho từng môn học. Rằng mỗi tuần sẽ dành ra 2-3 buổi, mỗi buổi khoảng 3 tiếng cho mỗi môn, bao gồm việc ôn bài cũ, làm bài tập, chuẩn bị cho bài mới, và làm bài tiểu luận, thuyết trình (nếu có). Hãy cụ thể hoá lịch học của mình thành dạng thời gian biểu, có các khung giờ cụ thể, rồi đảm bảo giờ nào việc đó, học một cách khoa học, có kế hoạch, chứ đừng đụng đâu học đó.

Hiểu bài sau mỗi buổi học để không bị “dồn 1 đống”

Đa số giáo trình đại học sẽ cực kỳ dày, chi chít chữ, đồng nghĩa với khối lượng kiến thức sẽ cực kỳ khổng lồ. Sinh viên sẽ mất rất nhiều thời gian để học, để tiếp thu kiến thức nếu để kiến thức “dồn 1 đống”, học qua buổi sau mà vẫn còn đôi chỗ mông lung, chưa hiểu rõ của buổi trước. Đặc biệt, tân sinh viên năm 1 sẽ dễ có tâm lý nghỉ ngơi, rong chơi, relax sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vất vả, chính điều đó sẽ khiến các em chủ quan, lơ là, mất căn bản ở các buổi học đầu tiên, rồi càng học về sau càng đối, tới khi thi cuối kỳ thì bị “dồn 1 đống”, vừa khó để học kịp, vừa lẫn lộn các kiến thức mà mình còn chưa rõ, chưa hiểu, thì sẽ rất dễ bị rớt môn.

Vì thế, tân sinh viên hãy nghiêm túc học tập, bật “mood” chăm chỉ ngay từ buổi học đầu tiên, ngay từ đầu học kỳ, luôn đi học đầy đủ, đúng giờ, tập trung nghe giảng để đảm bảo hiểu bài sau mỗi buổi học. Nếu có phần nội dung nào chưa rõ, hãy mạnh dạn hỏi lại các bạn giỏi trong lớp, hoặc hỏi giảng viên rằng “Dạ em có nghe giảng và đã hiểu được khoảng 80% kiến thức buổi học, nhưng còn 1-2 chỗ em chưa rõ, nhờ thầy/cô giảng lại giúp”.

>> Cách sử dụng ChatGPT hiệu quả cho học tập

Nói không với chuyện “nước tới chân mới nhảy”

Ngoài ra, còn 1 lý do thường gặp khiến sinh viên bị “dồn 1 đống vào lúc thi cuối kỳ, chính là các em cứ thong dong, để nước tới chân mới nhảy, chứ không chịu dần ôn tập từ sớm. Thông thường, mỗi học kỳ ở đại học, sinh viên sẽ học khoảng 6 môn, nếu bạn nào có đăng ký học vượt, học lại, học cải thiện, thì số lượng môn trong kỳ sẽ nhiều hơn, có thể lên tới 8-9 môn. Sẽ là điều không tưởng nếu các em cứ chần chừ, để nước tới chân mới nhảy, gần ngày thi mới đụng tới sách vở, lật đật giải đề, như thế chắc chắn sẽ không học kịp.

Thậm chí, nhiều bạn sinh viên bí quá nên học vẹt, học tủ vỏn vẹn có 2-3 nội dung cho mỗi môn, rồi hy vọng rằng đề thi sẽ ra ngay đúng phần mình đã học, nhưng rất tiếc, xác suất xảy ra điều đó là rất thấp. Những bạn nào lên đại học mà để nước tới chân mới nhảy, bài vở “dồn 1 đống”, không chịu nghiêm túc học tập, thì khả năng cao sẽ bị điểm kém, rớt môn. Thay vào đó, hãy nghiêm túc, chăm chỉ học mỗi ngày, mỗi tuần, và nên bắt đầu ôn tập dần trước kỳ thi khoảng 1 tháng.

Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng tân sinh viên học làm sao để không bị “dồn 1 đống”? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Làm sao để không bị stress khi phải học nhiều?


? Page Tự Tin Vào Đời: Các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Tiktok Tự Tin Vào Đời: Các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Youtube Hoàng Khôi Phạm: Các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích

Có thể bạn sẽ thích