Sau khi tìm hiểu về các tiêu chí đánh giá khi phỏng vấn ở Tự Tin Vào Đời (Tập 16), thì trong Tập 17 này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về cách giới thiệu bản thân khi mới ra trường, và giải đáp một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp như bạn sẽ làm gì khi bị stress, khi xích mích với đồng nghiệp?
1. Phỏng vấn việc làm có quan trọng ngoại hình không?
Sinh viên mới ra trường nghe đồn rằng nếu ai có ngoại hình thì sẽ thuận lợi hơn, sẽ dễ tìm việc làm hơn. Liệu điều đó có đúng không, phỏng vấn việc làm có quan trọng ngoại hình không? Ngoại hình sẽ quan trọng với 1 số ngành đặc thù, chẳng hạn như làm tư vấn thẩm mỹ, PT phòng gym, người mẫu, lễ tân,… nhưng với đa số ngành nghề thì ngoại hình không phải tiêu chí tiên quyết. Không có chuyện 1 người năng lực chưa đủ, không đáp ứng tốt yêu cầu công việc, mà lại được nhận vì có ngoại hình sáng, và cũng hiếm khi có chuyện người đủ năng lực bị loại vì không có ngoại hình.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì thế mà ăn mặc xuề xoà, thiếu chỉn chu khi đi phỏng vấn, vì điều đó thể hiện bạn thiếu chuyên nghiệp, chưa nghiêm túc khi ứng tuyển, thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng. Đi làm không phải đi diễn thời trang, bạn không cần ăn mặc lộng lẫy, làm tóc, make up lồng lộn, cũng không cần quá xinh đẹp, mà hãy đảm bảo mình ăn mặc lịch sự, chỉn chu và không bị xuề xoà quá là được.
2. Cách giới thiệu bản thân khi mới ra trường xin việc
Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, thì phần giới thiệu bản thân ở đầu buổi phỏng vấn nên nói gì bây giờ? Đây là băn khoăn chung của khá nhiều bạn, hãy cùng tìm ra câu trả lời ngay nhé! Nhà tuyển dụng sẽ không yêu cầu kinh nghiệm với người mới ra trường, thay vào đó, họ quan tâm định hướng nghề nghiệp, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, sự chăm chỉ và mong muốn gắn bó lâu dài.
Hãy giới thiệu rằng mình học trường nào, ngành gì, nếu học giỏi thì flex điểm GPA và xếp loại tốt nghiệp, nói rằng mình đã nắm vững kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng mềm liên quan tới công việc. Đồng thời, các em là người chăm chỉ, chịu khó, sẵn sàng học hỏi, đã tìm hiểu kỹ về công việc và thấy mình phù hợp, mong muốn gắn bó lâu dài với công ty, mang về kết quả công việc tốt trong tương lai. Đương nhiên, mình phải có thì mới nói, chứ không nên bịa đặt, gian dối để hoàn hảo hoá bản thân, vì điều đó sẽ bị phản tác dụng, nhà tuyển dụng không thích các ứng viên thiếu trung thực. Tuy nhiên, hãy lưu ý gói gọn phần giới thiệu bản thân trong khoảng 2 – 3 phút, không quá ngắn, cũng đừng quá dài dòng, giới thiệu tổng quan thôi, nếu nhà tuyển dụng cần hỏi thêm thì họ sẽ hỏi sau.
>> Sai lầm khi giới thiệu bản thân khiến bạn bị trượt phỏng vấn
3. Phỏng vấn: Bạn sẽ làm gì khi quá stress công việc?
Đi làm thì phải có stress, phải đối mặt với áp lực công việc, đó là điều mà chúng ta không thể tránh khỏi. Ai không đủ vững vàng, không biết kiểm soát stress thì sẽ dễ khiến kết quả công việc bị sa sút. Nhà tuyển dụng luôn muốn tìm được ứng viên có khả năng xử lý stress. Vậy khi được hỏi câu này, bạn nên trả lời sao cho tối ưu, nhất là với sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc? Đầu tiên, bạn hiểu stress sẽ xảy ra khi bị quá tải, quá nhiều việc cùng lúc, nên bạn luôn sắp xếp, quản lý công việc để tránh rơi vào trường hợp ấy. Trừ khi công việc ập tới bất chợt, thì bạn mới quá tải.
Lỡ mà bị stress quá, thì bạn sẽ dành thời gian để bình tĩnh, lấy lại tinh thần đôi chút, sau đó sẽ quay lại guồng làm việc, liệt kê các việc cần làm, kèm deadline, rồi sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho chúng. Bạn sẽ nhờ đồng nghiệp hỗ trợ một số việc, rồi sau này khi đồng nghiệp bị stress, quá tải, thì bạn cũng sẽ teamwork, giúp lại. Ngoài ra, bạn cũng sẵn sàng tăng ca để xử lý khi công việc cần xong gấp. Khi các công việc được xử lý xong xuôi, ổn thoả, kịp deadline, không còn quá tải nữa, thì tự dưng bạn sẽ hết stress, sẽ tiếp tục làm các việc khác bình thường, vẫn mang lại kết quả tốt như thường.
4. Phỏng vấn: Bạn sẽ làm gì khi xích mích với đồng nghiệp?
Câu hỏi ứng xử là điều mà nhà tuyển dụng thường đặt ra khi phỏng vấn, nhằm đánh giá thái độ làm việc, cách bạn đối mặt và xử lý các vấn đề trong công việc, bao gồm cả những mâu thuẫn, xích mích. Khi được hỏi bạn sẽ làm gì khi xích mích với đồng nghiệp, nhiều ứng viên đã bối rối, ấp úng, một số người nói rằng sẽ im lặng cho qua, nhưng đó không phải giải pháp, mà chỉ là cách né tránh vấn đề.
Bạn nên chia sẻ rằng mình là người hoà đồng, minh bạch & bình tĩnh trong công việc, hạn chế tối đa các mâu thuẫn, xích mích với đồng nghiệp, nhưng lỡ xảy ra trường hợp này thì bạn sẽ cùng đối phương trao đổi rõ ràng, tìm ra nguyên nhân, hiểu lầm (nếu có), và cùng gỡ rối những vấn đề đó, hoà giải một cách lịch sự, chứ sẽ không lớn tiếng tranh cãi, làm ầm lên hay nói xấu đối phương. Bạn tin rằng khi mình là người hoà đồng, đàng hoàng, ngay thẳng, không có ý xấu, không làm gì sai trái, thì những xích mích đơn thuần chỉ là hiểu lầm và hoàn toàn có thể giải quyết 1 cách lịch sự.
Bài viết này đã giúp bạn nắm rõ thêm nhiều thông tin, tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm ứng tuyển để tự tin tìm việc trong tương lai, liên quan tới cách giới thiệu bản thân khi mới ra trường, làm gì khi stress công việc, xích mích với đồng nghiệp? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Phải làm sao khi bị đồng nghiệp kiếm chuyện, gây xích mích?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.