Tân sinh viên năm 1 khi lên đại học thường sẽ lo lắng khá nhiều điều, vì đây là một cột mốc quan trọng, các em bước sang một môi trường học tập hoàn toàn mới, bạn bè xung quanh cũng còn lạ lẫm, rồi còn áp lực vì nghe nói lên đại học sẽ nặng lắm, khó lòng được điểm cao như hồi cấp 3. Bên cạnh đó, tân sinh viên năm 1 cũng phải đối mặt với nhiều khái niệm mới toanh mà mình lần đầu nghe tới khi vào đại học khiến các em càng hoang mang, mơ hồ hơn. Đừng quá lo lắng, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải nghĩa 10 khái niệm mà tân sinh viên thường gặp khi mới lên đại học nhé!
>> 5 sai lầm khiến tân sinh viên học hành sa sút khi lên đại học
1. “Điểm rèn luyện” ở đại học là gì?
Điểm rèn luyện có lẽ chính là khái niệm được nhiều tân sinh viên năm 1 tìm hiểu nhất khi mới lên đại học, nghe cái tên thôi là thấy lạ và có phần “nguy hiểm” rồi, rèn luyện cái gì, sao phải tính điểm, điểm này ảnh hưởng gì tới mình, có liên quan tới học lực và xếp loại tốt nghiệp không? Rất nhiều câu hỏi được tân sinh viên lăn tăn khi tiếp xúc với khái niệm điểm rèn luyện ở đại học. Điểm rèn luyện là thang điểm đánh giá mức độ tích cực của sinh viên trong học tập và tham gia các hoạt động tập thể, đồng thời, cũng phần nào đánh giá về mức độ tuân thủ kỷ luật, nội quy nhà trường và quy định pháp luật. Nghe qua thì thấy nó có vẻ tương tự như hạnh kiểm hồi cấp 2, cấp 3, tuy nhiên, trên thực tế thì nó vẫn có nhiều điểm khác biệt. Để biết cụ thể hơn về điểm rèn luyện, phân loại điểm rèn luyện và cách tính điểm, tân sinh viên có thể tham khảo tại đây.
2. Tân sinh viên chưa biết “điểm chuyên cần” là gì?
Song hành cùng điểm rèn luyện, thì điểm chuyên cần cũng là một khái niệm mà tân sinh viên lần đầu nghe tới khi vào đại học, tuy nhiên, khái niệm này có phần dễ hiểu hơn, thậm chí khi chưa tìm hiểu thì các em cũng hoàn toàn có thể dễ dàng suy đoán, mường tượng được rằng đây là thang điểm để đánh giá điều gì. Đúng như các em đang nghĩ, điểm chuyên cần là thang điểm đánh giá mức độ chuyên cần, chăm chỉ của sinh viên. Những bạn nào đi học đầy đủ, không cúp học, không đi trễ, về sớm, tập trung chú ý nghe giảng trên lớp, thì sẽ nắm chắc trong tay điểm chuyên cần ở mức 9-10. Thang điểm này thường sẽ chiếm khoảng 10% trong điểm tổng kết môn học của sinh viên, các em cần lưu ý tránh bị mất điểm chuyên cần nhé.
3. Tân sinh viên lần đầu nghe tới “điểm quá trình”
Nếu như ở cấp 3, các em đã quá quen thuộc với điểm kiểm tra miệng, điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm thi cuối kỳ, thì khi lên đại học, tân sinh viên năm 1 sẽ lần đầu được nghe tới khái niệm “điểm quá trình“. Vậy điểm quá trình là gì, thường chiếm khoảng bao nhiêu % trong điểm tổng kết môn học? Điểm quá trình là thang điểm đánh giá quá trình học tập của sinh viên từ buổi học đầu tiên tới buổi học cuối cùng, xem liệu các em có nghiêm túc, chăm chỉ học không, có lắng nghe giảng và hiểu bài không, thường thì điểm quá trình sẽ là tổng hợp của nhiều thang điểm nhỏ như điểm chuyên cần, điểm bài thuyết trình, tiểu luận, và điểm kiểm tra giữa kỳ. Khi sinh viên nghiêm túc, nỗ lực học tập từ đầu tới cuối, thì mới có khả năng đạt điểm quá trình ở mức 8 trở lên. Tuỳ theo quy định của mỗi giảng viên, mà điểm quá trình sẽ chiếm mức % khác nhau trong điểm tổng kết môn học, thường sẽ dao động trong khoảng 30% đến 50%, giảng viên sẽ thông báo rõ điều này trong buổi học đầu tiên, sinh viên cần phải lắng nghe và note lại để sau này tự tính nhẩm điểm cho đúng.
4. Tân sinh viên lần đầu nghe khái niệm “tín chỉ”
Tín chỉ chắc chắn là một trong những khái niệm lạ hoắc mà tân sinh viên lần đầu được nghe tới khi vào đại học. Đây thật sự là một cụm từ khó giải nghĩa nếu các em chưa từng tiếp xúc trước đây, nhưng khi lên đại học sinh viên sẽ sử dụng thuật ngữ này rất nhiều. Hầu hết các trường đại học hiện nay đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tính tiền học phí cũng theo số lượng tín chỉ, đây là đơn vị để đo lường thời lượng và khối lượng của từng môn học. Những môn nào có nhiều tín chỉ, thì số buổi học sẽ nhiều hơn, thời gian học dài hơn và tất nhiên khối lượng kiến thức sinh viên cần tiếp thu sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, tín chỉ cũng chính là trọng số của môn học khi tính điểm trung bình tích luỹ tổng kết khi tốt nghiệp của sinh viên. Chẳng hạn như môn 3 tín chỉ sẽ nhân với hệ số 3, môn 2 tín chỉ sẽ nhân với hệ số 2, thậm chí bài khoá luận tốt nghiệp 10 tín chỉ sẽ nhân với hệ số 10. Tóm lại, môn học càng nhiều tín chỉ càng tác động nhiều tới kết quả tốt nghiệp của sinh viên.
5. “Đăng ký học phần” ở đại học là gì?
Đăng ký học phần ở đại học là gì? – Đây là thắc mắc chung của rất nhiều tân sinh viên năm 1, ban đầu thì các em sẽ lạ lẫm với chuyện đăng ký học phần ở đại học, nhưng khi đã “vào việc” rồi, thì sẽ cực kỳ thành thạo và chuyên nghiệp trong thao tác này. Đăng ký học phần là trường hợp sinh viên chủ động đăng ký các môn mình muốn học, tự lựa chọn lịch học, giảng viên sao cho phù hợp với mong muốn của mình, thường sẽ diễn ra trước khi bắt đầu học kỳ mới khoảng 1 tháng. Cứ mỗi khi tới đợt đăng ký học phần, hầu như toàn bộ sinh viên đều canh me để “giành slot” vào các lớp hot, các lớp mà có nhiều bạn muốn học, chậm chân một tí thôi là xem như mất cơ hội luôn. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần lưu ý rằng không phải cứ vào lớp hot thì mới đạt điểm cao, mới nắm vững kiến thức, mà điều quan trọng nhất, tác động lớn nhất tới kết quả học tập và điểm số của mình chính là bản thân mỗi người. Những ai tập trung, cố gắng, nỗ lực học tập thì sẽ được đền đáp xứng đáng, đạt được kết quả điểm số như mong muốn, chứ đừng quá trông chờ vào lớp hot, giảng viên hot.
6. “Tiểu luận nhóm/Thuyết trình nhóm” là sao ta?
Nếu như thuyết trình nhóm là điều mà tân sinh viên năm 1 có thể dễ dàng mường tượng, thì khái niệm tiểu luận nhóm có phần sẽ khó hiểu hơn. Đây là 2 hình thức kiểm tra lấy điểm phổ biến trong hầu hết môn học ở đại học, tức là giảng viên sẽ chia sinh viên thành các nhóm khoảng từ 4-7 bạn, giao cho một đề tài, nội dung liên quan tới kiến thức môn học, đòi hỏi các em phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích và tổng hợp thông tin thành một bài làm chỉn chu, mỗi người một việc, cùng phối hợp teamwork với nhau để giúp bài làm của nhóm đạt kết quả tốt nhất.
Kết quả đầu ra của tiểu luận nhóm sẽ là một bài luận văn trong khoảng 8-15 trang A4, nộp lại để giảng viên chấm điểm, đánh giá mức độ hiểu bài của các em. Kết quả đầu ra của bài thuyết trình nhóm sẽ là một buổi thuyết trình trước lớp, với slide bài giảng và file nội dung bài làm nộp lại cho giảng viên, chủ yếu điểm sẽ được chấm dựa trên kết quả của buổi thuyết trình, sự tự tin, lưu loát và mức độ nắm vững kiến thức của các em khi trình bày bài thuyết trình trước cả lớp.
>> 5 lỗi sai thường gặp khi sinh viên làm việc nhóm ở đại học
7. Tân sinh viên chưa biết “học cải thiện” là gì?
Học cải thiện cũng là một trong những khái niệm lạ hoắc mà tân sinh viên lần đầu được nghe tới khi vào đại học. Đây là một quyền lợi của sinh viên, tức là nếu thấy điểm trung bình môn học của mình bị thấp, muốn học lại để có cơ hội cải thiện, nâng cao điểm số, thì các em có thể đăng ký học lại môn đó. Khi học cải thiện, sinh viên cần chuẩn bị trước tâm lý rằng mình sẽ theo học lại toàn bộ các buổi học, phải đối diện lần nữa với các bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ, và nếu để xảy ra sơ suất, đạt kết quả thấp hơn lúc đầu, thì sinh viên có thể phải chấp nhận lấy mức điểm thấp hơn ấy. Tuy nhiên, các em cũng đừng quá lo lắng, áp lực, vì khi học cải thiện, mình cũng đã có sẵn nhiều kiến thức nền tảng từ lần học trước, bây giờ còn có cơ hội được nghe lại toàn bộ bài giảng, tiếp xúc và giải lại các bài tập, sẽ giúp mình quen tay hơn, nắm vững kiến thức hơn và khả năng cao rằng sẽ đạt kết quả điểm số tốt hơn nhiều so với lần học lúc trước.
8. Tân sinh viên lần đầu nghe tới “học vượt”
Bên cạnh chuyện học cải thiện, thì sinh viên đại học còn có quyền học vượt nữa, các em cần hiểu rõ khái niệm này nếu đang muốn tốt nghiệp ra trường sớm, rút ngắn thời gian học. Thông thường, chương trình học ở đại học sẽ kéo dài khoảng 4 năm, nếu sinh viên đăng ký học vượt một số môn (học trước so với lịch chuẩn), thì sẽ có khả năng rút ngắn thời gian học xuống còn khoảng 3.5 năm, thậm chí có bạn còn rút ngắn được xuống 3 năm. Tuy nhiên, tân sinh viên cần lưu ý cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá chính xác khả năng học tập của bản thân để đăng ký số môn học vượt mỗi học kỳ sao cho phù hợp, tránh trường hợp quá tham lam, đăng ký học vượt quá nhiều, vượt quá sức mình, dễ dẫn tới việc bị quá tải, tẩu hoả nhập ma, nhầm lẫn các kiến thức với nhau, có thể khiến các em đối mặt với rủi ro bị rớt môn, phải mất thời gian học lại.
9. “Tuần sinh hoạt công dân” sao nghe lạ quá?
Tiếp tục lại là một khái niệm lạ hoắc, tự nhiên sao tân sinh viên mới vô đại học lại phải tham gia “tuần sinh hoạt công dân“? Đây thật ra là một chuỗi các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin, cập nhật các quy định liên quan tới học tập, cách tính điểm mới nhất cho sinh viên nắm trước mỗi học kỳ. Nhất là đối với tân sinh viên mới lên đại học, có quá nhiều điều mà các em còn bỡ ngỡ, chưa rõ, chưa biết. Tuần sinh hoạt công dân chính là cơ hội để tân sinh viên năm 1 gỡ rối rất nhiều khúc mắc, những điều mà các em đang còn lăn tăn, hầu như tất cả sẽ được giải đáp chi tiết, rõ ràng, cụ thể.
10. Mùa Hè Xanh – khái niệm mới toanh với tân sinh viên
Có thể trước đây các em đã từng nghe phong phanh khái niệm “Mùa Hè Xanh”, vì đây thật sự là một hoạt động/chiến dịch rất lớn của sinh viên các trường đại học vào mùa hè hàng năm. Nghe qua thế thôi, chứ đa số tân sinh viên đại học vẫn chưa hiểu rõ Mùa Hè Xanh là gì, tham gia MXH để làm gì, có những hoạt động gì? Để giải đáp rõ toàn bộ những băn khoăn trên và cùng điểm qua một số điều quan trọng về Mùa Hè Xanh mà sinh viên cần lưu ý, thì các em có thể tham khảo tại đây.
Bài viết này đã giúp tân sinh viên năm 1 giải nghĩa 10 khái niệm thường gặp khi mới lên đại học, đa số sẽ là những khái niệm lạ hoắc mà lần đầu các em được nghe qua. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em, giúp các em phần nào hiểu rõ hơn về môi trường đại học và sớm làm quen, thích nghi để mang về kết quả học tập tốt nhé!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.