Ra quyết định là một trong những kỹ năng mềm quan trọng mà bạn cần có khi ứng tuyển các vị trí quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp. Nếu ở vai trò nhân viên bình thường, thì điều này sẽ không phải là tiêu chí bắt buộc, nhưng khi bạn đang nhắm tới các chức vụ cao hơn, thì bạn cần phải sớm trau dồi kỹ năng ra quyết định, đồng thời, tìm hiểu trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp về kỹ năng mềm này. Dưới đây là 5 câu hỏi về kỹ năng ra quyết định phổ biến nhất khi phỏng vấn mà bạn có thể tham khảo:
>> Kỹ năng ra quyết định khách quan, không cảm tính
1. Theo bạn, kỹ năng ra quyết định quan trọng như thế nào?
Đầu tiên và phổ biến nhất chính là câu hỏi “Theo bạn, kỹ năng ra quyết định quan trọng như thế nào?”, đây là một câu hỏi tưởng chừng như thiên về lý thuyết, nhưng thật ra nhà tuyển dụng cũng muốn biết được góc nhìn cụ thể và những trải nghiệm thực tế của bạn, và sau những điều đó thì bạn mới rút ra được tầm quan trọng của kỹ năng ra quyết định. Bạn có thể lồng ghép giữa cách trả lời theo lý thuyết, xen kẽ vào những thực tế mà mình đã trải qua, đã chiêm nghiệm được, để đúc kết ra được rằng đối với quan điểm của mình, thì kỹ năng ra quyết định quan trọng như thế nào. Bạn nên đi vào một mảng cụ thể, chẳng hạn như tầm quan trọng khi đi học, đi làm, hoặc trong cuộc sống, có rất nhiều góc độ mà bạn có thể dựa vào để làm rõ quan điểm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn.
Chẳng hạn như mỗi việc mình làm, mỗi quyết định mà bạn đưa ra đều sẽ kéo theo nhiều hệ quả về sau, tốt hay xấu, lên voi hay xuống chó đều phụ thuộc vào sự tỉnh táo và chính xác trong quyết định của mình. Nếu có kỹ năng ra quyết định tốt, thì đa số công việc sẽ thuận lợi, mang về kết quả tốt, đi đúng hướng. Ngược lại, bạn có thể phải đối mặt với nhiều hệ luỵ, rủi ro và thiệt hại khi có những quyết định sai lầm.
2. Bạn có phải người giỏi trong việc ra quyết định không?
Đứng trước câu hỏi bạn có phải người giỏi trong việc ra quyết định không, thì tất nhiên bạn cần trả lời là có, chứ nếu trả lời là không, mình ra quyết định kém lắm, lúc nào cũng sai lầm, thì làm sao mà công ty dám tuyển bạn vào làm việc, nhất là khi apply các công việc ở cấp quản lý, lãnh đạo, mọi quyết định đều cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải có độ chính xác cao. Tất nhiên, bạn cũng có thể giữ sự khiêm tốn một chút, nói rằng thường thì mình sẽ ra quyết định chính xác khoảng 90% chứ chưa giỏi tới mức tuyệt đối. Và đương nhiên, bạn không thể nói suông, tự khen mình mà không có dẫn chứng, trong câu trả lời phỏng vấn, bạn cần lồng ghép một số tình huống mà mình đã trải qua, đã ra quyết định đúng đắn, mang lại kết quả tốt.
Khi bạn thật sự giỏi trong việc ra quyết định, thì sẽ không khó để bạn kể lại các tình huống mà mình đã trải qua, để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy khả năng của mình. Ngược lại, nếu bạn chưa giỏi, chưa có khả năng ấy, thì không nên gian dối, bịa đặt rằng mình giỏi trong việc ra quyết định, vì sớm muộn gì cũng sẽ bại lộ. Vậy để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, thì bạn hãy sớm rèn luyện cho mình kỹ năng mềm này nhé.
>> Có nên góp ý khi cấp trên ra quyết định chưa chính xác?
3. Bạn thường dựa vào những tiêu chí nào để ra quyết định?
Có thể nhà tuyển dụng sẽ chưa tin lắm về những gì bạn trả lời ở câu hỏi trước, vậy để làm rõ vấn đề hơn, thì có khả năng họ sẽ hỏi thêm rằng bạn thường dựa vào những tiêu chí nào để ra quyết định. Nếu bạn là người có khả năng ra quyết định hợp tình, hợp lý, chính xác, thì chắc chắn bạn sẽ dựa vào những thông tin, tiêu chí cụ thể để đánh giá, phân tích trước khi quyết định, chứ sẽ không bao giờ quyết định một cách cảm tính, thiếu căn cứ. Vì thế, nếu bạn trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, thì khả năng cao sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn thật sự là người giỏi trong việc ra quyết định.
Mỗi người sẽ có những tiêu chí khác nhau để làm căn cứ cho việc ra quyết định, điều quan trọng là bạn cứ trả lời đúng những tiêu chí theo quan điểm của mình, kèm theo lý do vì sao bạn lại thường dựa vào các tiêu chí ấy, vì sao bạn cho rằng đó là những điều quan trọng mà mình cần làm rõ trước khi ra quyết định?
4. Quyết định khó khăn nhất mà bạn từng đưa ra là gì?
Trong tất cả những lần ra quyết định của bạn, sẽ có nhiều cấp độ khác nhau, có những điều khá đơn giản, bạn dễ dàng quyết định không một chút lăn tăn nào, nhưng cũng có những chuyện cực kỳ phức tạp, khiến bạn phải cân nhắc rất nhiều, phải khó khăn lắm mới có thể lựa chọn và đưa ra phương án cuối cùng. Và tất nhiên, quyết định càng khó khăn thì càng giúp bạn rút được nhiều bài học kinh nghiệm, để bản thân mình vững vàng hơn, hoàn thiện hơn, và kỹ năng ra quyết định của bạn cũng nâng lên một level cao hơn. Chính vì thế, nhà tuyển dụng khi phỏng vấn cũng thường sẽ hỏi rằng quyết định khó khăn nhất mà bạn từng đưa ra là gì, nhằm đánh giá xem bạn đã trải qua những khó khăn ở mức độ nào, để suy ra xem khả năng ra quyết định của bạn đang nằm ở đâu, đã lên tới level nào?
Lúc này, bạn chỉ cần nhớ lại quá khứ, lục lại ký ức xem đâu là lần ra quyết định mà mình đánh giá là khó, phức tạp, nó không nhất thiết phải là khó khăn nhất, mà khó khăn thứ 2, 3, 4 cũng được, vì thật ra nhà tuyển dụng cũng không kiểm tra được và cũng chẳng bắt bẻ điều này. Đồng thời, bạn cần lựa chọn lần mà mình ra quyết định đúng đắn, mang lại kết quả tốt, và có liên quan tới công việc càng tốt, vì sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá hơn, có lợi cho bạn hơn.
>> Thái độ có quyết định kết quả làm việc không?
5. Có bao giờ quyết định của bạn gặp nhiều phản ứng trái chiều?
Không phải lúc nào quyết định của chúng ta cũng chính xác, sẽ có những lúc bạn gặp phải những quan điểm, phản ứng trái chiều từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp xung quanh. Khi đó, bạn sẽ đối mặt và giải quyết thế nào, vững tin với quan điểm của mình, không lung lay, không thay đổi quyết định, hay bạn sẽ có hướng tiếp cận khác và xử lý sao cho thoả đáng hơn? Nhà tuyển dụng cần biết điều này, để đánh giá chính xác hơn về kỹ năng ra quyết định của bạn, vì thế, trong buổi phỏng vấn, họ có thể sẽ hỏi rằng có bao giờ quyết định của bạn gặp nhiều phản ứng trái chiều chưa?
Bạn nên lựa chọn một tình huống mà mình đã xử lý tốt các quan điểm trái chiều, khiến mọi người thay đổi góc nhìn, đồng tình với quyết định của bạn, hoặc cũng có thể chọn tình huống mà bạn đã chịu khó lắng nghe, nắm rõ quan điểm của mọi người, rồi xâu chuỗi lại để phân tích, đánh giá, và lựa chọn phương án tối ưu hơn, được đồng thuận nhiều hơn. Đồng thời, bạn cũng nên ưu tiên lựa chọn các tình huống có nhiều liên quan tới ngành nghề, công việc mà mình đang ứng tuyển.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được gợi ý trả lời 5 câu hỏi về kỹ năng ra quyết định phổ biến nhất khi phỏng vấn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Phải làm sao khi teamwork với người mình không thích?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.