Home Công việc Mách Bạn 5 Lý Do Xin Nghỉ Phép Dễ Được Duyệt Nhất

Mách Bạn 5 Lý Do Xin Nghỉ Phép Dễ Được Duyệt Nhất

by Hoàng Khôi Phạm
Mách Bạn 5 Lý Do Xin Nghỉ Phép Dễ Được Duyệt Nhất

Thông thường, khi đã ký hợp đồng lao động chính thức với công ty, thì bạn sẽ có 12 ngày nghỉ phép, tức là bạn nghỉ làm nhưng vẫn được hưởng lương như bình thường. Theo lý thuyết, khi có ý định nghỉ phép, bạn chỉ cần thông báo trước với cấp trên, kèm theo lý do cụ thể, rồi cứ thế mà nghỉ thôi, vì đó là quyền lợi của mình mà. Nhưng trên thực tế, không ít người đi làm cực kỳ ngại khi mở miệng xin nghỉ phép, vì thấy cấp trên khó tính, sợ sẽ không được duyệt, thế là tự nhiên mất quyền lợi một cách oan uổng. Đừng để điều đó tiếp diễn, đây là 5 lý do xin nghỉ phép dễ được duyệt nhất mà bạn có thể tham khảo:

>> Phân biệt cụ thể về nghỉ không lương và nghỉ phép có lương

1. Xin nghỉ phép vì lý do sức khoẻ dễ được duyệt nhất

Thông thường, khi có ý định nghỉ phép, thì đa số mọi người sẽ nghĩ ngay tới lý do sức khoẻ, vì đây là yếu tố khách quan, do tự dưng mình không được khoẻ, trúng thực, bị ốm đau, sốt, nhức đầu, thậm chí có trường hợp phải nhập viện, hoặc là bạn tới lịch hẹn tái khám với bác sĩ, chứ không phải do mình lười nhác, chán việc, muốn trốn việc.

Ngoài ra, khi nhân viên xin nghỉ phép vì lý do sức khoẻ, đồng nghĩa với việc nếu bắt ép họ đi làm thì họ cũng không thể tập trung làm tốt công việc, mà lại còn bị mang tiếng ác, nên khả năng cao rằng cấp trên sẽ duyệt cho bạn nghỉ phép. Thật vậy, xin nghỉ phép vì lý do sức khoẻ sẽ dễ được duyệt nhất. Tất nhiên, sức khoẻ của bản thân không phải là chuyện mà bạn có thể đem ra bịa đặt, bạn chỉ nên sử dụng lý do này khi bạn thật sự không khoẻ, và bạn nên đính kèm theo giấy khám bệnh, toa thuốc, biên lai viện phí,… khi xin nghỉ phép vì lý do sức khoẻ.

2. Xin nghỉ phép vì bận việc gia đình quan trọng

Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, mỗi gia đình sẽ có những việc đột xuất khác nhau, thậm chí có nhiều việc cấp bách quan trọng cần bạn phải nghỉ phép một vài hôm để giải quyết. Chẳng hạn như có người thân trong gia đình ốm đau, bạn phải nghỉ để chăm sóc người bệnh. Hoặc có những vấn đề pháp lý, giấy tờ nhà, quyền sử dụng đất do bạn đứng tên nên bạn phải trực tiếp xử lý. Có rất nhiều việc có thể được liệt kê vào “việc gia đình quan trọng”, khi bạn trực tiếp gặp phải thì bạn sẽ tự nhận biết được. Tuy nhiên, cũng có những lúc bạn bận việc gia đình thật, nhưng nó cũng chưa đến mức “quan trọng”, thì bạn có thể linh hoạt thêm này thêm kia một tí để nó trở nên quan trọng hơn, nhưng không nên quá lạm dụng điều ấy.

3. Xin nghỉ phép vì sự cố bất ngờ, đột xuất

Xin nghỉ phép vì sự cố bất ngờ, đột xuất cũng là một trong những lý do dễ được cấp trên duyệt nhất. Vì đây là những tình huống bất khả kháng, xảy ra bất ngờ, và chính bạn cũng không mong muốn những “sự cố” đó xảy ra, mà nó đã lỡ xảy ra rồi nên bây giờ bạn cần phải xin nghỉ phép để xử lý. Một số việc có thể được liệt kê vào danh sách sự cố bất ngờ như: Ổ khoá cửa nhà bị hư không mở/khoá được, cuối tuần đi du lịch nhưng thời tiết xấu máy bay/tàu không xuất phát để về được, đêm qua bị mất trộm nhiều tài sản phải nghỉ làm để đi trình báo, va chạm xe tai nạn, hư xe giữa đường,…

Thông thường, những lý do dạng sự cố bất ngờ này sẽ cực kỳ đa dạng, chứ không phải chỉ những việc ở trên đâu, tuỳ lúc đó bạn gặp sự cố nào thì mình sẽ xin nghỉ phép vì sự cố ấy. Nhưng bạn cần lưu ý rằng không nên thường xuyên xin nghỉ đột xuất, vì không phải lúc nào công ty cũng sắp xếp được người thay thế kịp thời trong trường hợp bạn nghỉ đột xuất đâu. Đồng thời, cấp trên cũng sẽ ghim bạn và cho bạn vào danh sách theo dõi đặc biệt nếu thường xuyên nghỉ đột xuất đấy.

>> Có nên nghỉ việc đột xuất không, có bị mất lương không?

4. Xin nghỉ phép vì lý do chuyển nhà, chuyển chỗ trọ

Xin nghỉ phép vì lý do chuyển nhà, chuyển chỗ trọ cũng là một trong những lý do chính đáng và dễ được duyệt. Vì thông thường, chủ trọ sẽ tính tiền nhà vào đầu tháng, bạn cần dọn nhà đúng ngày 01 đầu tháng, nên nhiều khi nó sẽ rơi vào trong tuần, chứ không trùng với cuối tuần. Đồng thời, khi chuyển trọ thì phải dọn nhà, di chuyển rất nhiều đồ đạc, có khi phải đi 2-3 vòng mới chuyển hết đồ, rồi sang chỗ mới lại phải sắp xếp đồ, quét dọn,… nên bắt buộc bạn phải xin nghỉ phép 1 ngày mới hoàn thành xong tất cả. Tuy nhiên, chẳng có ai chuyển trọ quá nhiều lần, tự dưng 2-3 tháng lại xin nghỉ vì lý do chuyển trọ thì nghe có vẻ hư cấu, nên bạn đừng quá lạm dụng lý do này nhé!

5. Lý do gì cũng được, miễn là sắp xếp công việc ổn thoả

Thật ra có một bí quyết giúp bạn chỉ việc xin nghỉ mà không cần phải quá bận tâm về lý do, tức là dù bạn đưa ra lý do nào thì cũng đều sẽ được cấp trên duyệt. Mấu chốt nằm ở chỗ bạn biết cách sắp xếp công việc ổn thoả, để trong khi mình nghỉ thì công việc vẫn diễn ra thuận lợi, trơn tru, không bị đình trệ, không ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tức là bạn có thể tranh thủ làm trước những việc của hôm mình nghỉ, hoặc bàn giao, nhờ một đồng nghiệp khác đảm nhiệm giúp trong thời gian mình nghỉ phép. Đồng thời, trong khi nghỉ phép, thì bạn cũng có thể đảm bảo công việc bằng cách luôn trong trạng thái sẵn sàng nghe điện thoại của khách hàng, đồng nghiệp, đối tác, để kịp thời tiếp nhận những thông tin quan trọng, nếu cần xử lý gấp thì bạn liên hệ ngay những đồng nghiệp ở công ty để nhờ hỗ trợ. Khi làm được điều đó, thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm lý do xin nghỉ phép nữa, vì bạn đã sắp xếp công việc ổn thoả rồi mà.

Trên đây là 5 lý do xin nghỉ phép dễ được cấp trên duyệt nhất, giúp bạn có thể tự tin xin nghỉ trong trường hợp cần thiết. Tất nhiên, khi đi làm thì bạn cần phải đảm bảo tiến động công việc, đừng quá lạm dụng những lý do này để nghỉ phép vô tội vạ, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả làm việc nhé.

>> Kỹ năng sắp xếp, quản lý công việc và chủ động làm việc

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích