Home Học tậpHọc hành, thi cử 5 Thói Quen & Quan Điểm Khiến Sinh Viên Khó Lòng Học Tốt

5 Thói Quen & Quan Điểm Khiến Sinh Viên Khó Lòng Học Tốt

by Hoàng Khôi Phạm
5 Thói Quen & Quan Điểm Khiến Sinh Viên Khó Lòng Học Tốt

Học tốt, đạt điểm cao, nắm vững kiến thức là mục tiêu chung của đa số sinh viên đại học. Muốn là một chuyện, còn làm được hay không, làm được tới mức độ nào thì lại là chuyện khác, nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, chứ không phải cứ đặt mục tiêu rằng mình muốn học tốt là sẽ học tốt được. Dưới đây là 5 thói quen & quan điểm khiến sinh viên khó lòng học tốt, hãy lưu ý tránh mắc phải nhé:

>> Sinh viên lười biếng, ham chơi thì phải làm sao để thay đổi?

1. Khó lòng học tốt vì thói quen lười biếng

Lười biếng là một thói quen xấu, ảnh hưởng không tốt tới chuyện học tập, công việc và phát triển bản thân của mỗi người. Chúng ta càng lười biếng thì nó càng kéo mình đi xuống, không học hỏi, tiến bộ được gì, tại vì có chịu cố gắng làm gì đâu, cứ thích nghỉ ngơi, relax, vui chơi, chứ cực kỳ lười nhác khi nghĩ tới chuyện học hành, làm việc. Nếu sinh viên đang có thói quen lười biếng, chây lười một cách quá mức thì đương nhiên điều đó sẽ kéo kết quả học tập của các em đi xuống, khó lòng học tốt, thậm chí nhiều bạn còn bị tuột dốc không phanh, GPA rớt xuống loại trung bình, hoặc còn thấp hơn, tới mức không đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp ra trường. Nếu không muốn những viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình trong tương lai, sinh viên hãy cố gắng khắc phục, dần loại bỏ thói quen xấu này trước khi quá muộn.

2. Thói quen vừa học vừa chơi, không tập trung

Bên cạnh thói quen lười biếng, thì còn 1 thói quen khác cũng “báo hại” không kém, đó chính là vừa học vừa chơi, không tập trung trong giờ học, tự nhiên ngồi học mới có 15 phút đã lấy điện thoại ra nghịch, check thông báo, nhắn tin này kia, hoặc định chơi 1 ván game để xả stress mà lại lỡ chơi luôn tới 30 phút, vậy thì làm sao mà học hiệu quả được? Thói quen vừa học vừa chơi có thể giúp sinh viên cảm thấy vui vẻ, thoải mái, giảm bớt áp lực/stress khi học tập, nhưng chính điều đó cộng thêm chuyện dễ dãi, thiếu nghiêm khắc với bản thân khi học tập sẽ khiến các em khó lòng học tốt. Tự dưng ngày nào cũng thấy mình chăm chỉ ngồi vào bàn học, nhưng thực tế lại chẳng học được gì nhiều, chẳng tiếp thu được bao nhiêu, tới khi làm bài thi, bài kiểm tra vẫn bị điểm kém, vì lúc ngồi học các em đâu có tập trung, vừa học vừa chơi nên không hiệu quả.

>> 5 dấu hiệu báo động về kết quả học tập của sinh viên

3. Quan điểm nước tới chân mới nhảy khi đi học

Có một quan điểm cực kỳ tai hại nhưng khá nhiều bạn sinh viên đang thực hiện, đó chính là để nước tới chân mới nhảy, ung dung thong thả rong chơi, để tới gần ngày thi mới lật đật lôi sách vở, đề cương ra ôn tập. Khi đó thì các em sẽ rất dễ bị quá tải, thậm chí ôn tập không hiệu quả, vào phòng thi làm bài không tốt, bị điểm kém, kéo theo rủi ro bị rớt môn, nợ môn. Thời gian không có nhiều, mà lại có quá nhiều kiến thức cần ôn tập, nước tới chân mới nhảy như thế thì sinh viên cũng sẽ dễ bị rối, dễ có các suy nghĩ & quyết định sai lầm, chẳng hạn như học vẹt, học tủ, thậm chí một số bạn còn nghĩ tới việc chép phao, gian lận thi cử, đó là điều cực kỳ sai trái bị nghiêm cấm trong môi trường học đường, nếu bị bắt/phát hiện thì các em sẽ bị kỷ luật và kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường khác, và cũng ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập.

4. Thói quen để bạn cùng nhóm gánh team

Ở đại học, sinh viên sẽ thường xuyên được giảng viên chia nhóm, hoặc tự lập nhóm để làm bài thuyết trình, tiểu luận, học nhóm. Vốn dĩ mục tiêu ban đầu của chuyện lập nhóm là để sinh viên cùng teamwork, phối hợp, giúp đỡ nhau trong học tập để cả team cùng hiểu bài, nắm kiến thức và mang về kết quả học tập tốt, kiểu giống như đôi bạn cùng tiến hồi cấp 2, cấp 3 ấy. Tuy nhiên, một số bạn sinh viên lại cố tình hiểu sai về điều này, khi làm việc nhóm lại có thói quen phụ thuộc vào bạn khác, để bạn cùng nhóm gánh team, làm quá trời, còn mình thì ngồi chơi hoặc chỉ làm 1-2 việc lặt vặt, tới lúc có điểm thì cùng hưởng điểm chung với mấy bạn. Nhưng thói quen ấy sẽ khiến sinh viên khó lòng học tốt, phụ thuộc vào bạn khác như vậy thì làm sao các em nắm được kiến thức môn học, tới khi làm bài thi, bài kiểm tra thì các bạn ấy đâu có làm giùm mình được?

>> 5 lý do khiến bài thuyết trình nhóm bị điểm kém

5. Học môn này bỏ môn kia, môn nào quan trọng mới học

Một quan điểm sai lầm nhưng cũng khá phổ biến từ hồi các em còn học cấp 2, cấp 3, cho tới tận khi lên đại học, đó chính là học môn này bỏ môn kia, cho rằng môn nào quan trọng thì mới cố gắng học, môn nào không quan trọng thì bỏ qua, bỏ luôn, kệ để điểm thấp cũng được. Các em cho rằng như thế thì mình sẽ tập trung thời gian để học tốt được các môn quan trọng, cần thiết hơn trong tương lai, nhưng vô tình điều đó lại kéo kết quả học tập của mình đi xuống rất nhiều, những môn bị bỏ thường điểm sẽ rất thấp, kéo GPA đi xuống, chưa kể tới việc chưa chắc sinh viên đã đánh giá đúng tầm quan trọng của môn học, lỡ các em nghĩ rằng môn đó không quan trọng nhưng thực tế nó lại cung cấp các kiến thức cần cho công việc sau này thì sao? Tới khi đi phỏng vấn, lỡ nhà tuyển dụng hỏi các câu chuyên môn liên quan tới môn học đó, mà mình không trả lời được thì sao, tự dưng bị mất điểm và có khả năng mất cơ hội việc làm luôn.

Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 5 thói quen & quan điểm khiến các em khó lòng học tốt, hãy lưu ý tránh mắc phải. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Ngồi trong lớp học mà buồn ngủ thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích