Home Công việc Làm Sao Để Từ Nhân Viên Thăng Tiến Lên Quản Lý?

Làm Sao Để Từ Nhân Viên Thăng Tiến Lên Quản Lý?

by Hoàng Khôi Phạm
Làm Sao Để Từ Nhân Viên Thăng Tiến Lên Quản Lý?

Khi đi làm được 2-3 năm, bạn đã tích luỹ được kha khá kinh nghiệm làm việc, và chứng kiến một số đồng nghiệp xung quanh lần lượt được thăng chức, lên các vị trí, chức vụ cao hơn. Từ đó, bạn bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vấn đề ấy, bạn cũng muốn mình sẽ được như họ, được công nhận năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp. Vậy làm sao để từ nhân viên thăng tiến lên quản lý? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

>> Bạn đang nhường cơ hội thăng tiến cho người khác?

Vì sao bạn muốn có cơ hội thăng tiến?

Đâu ai muốn đi làm lâu năm mà vẫn giậm chân tại chỗ, nhìn đồng nghiệp xung quanh đều thăng tiến, còn mình thì không, như thế sẽ vừa buồn, vừa tự ti về năng lực bản thân, thậm chí khi các thế hệ đàn em nhỏ tuổi hơn cũng được thăng tiến, trở thành quản lý cấp trên của mình, thì sẽ lại càng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

Thăng tiến là nhu cầu cơ bản và bình thường của tất cả mọi người, đó là nhu cầu được phát triển bản thân, được công nhận năng lực và có vị trí vững chắc hơn trong sự nghiệp. Có thể bạn từng đùa vui rằng mình muốn làm nhân viên cho thoải mái, không muốn thăng tiến lên quản lý làm gì cho mệt mỏi, áp lực, nhưng đó chỉ là lời buột miệng cho vui, chứ trong thâm tâm bạn vẫn muốn được thăng chức, nếu có cơ hội thăng tiến thì khả năng cao rằng bạn vẫn sẽ nắm bắt. Ngoài ra, có một điều hiển nhiên ai cũng biết, chính là khi được lên vị trí quản lý, ở một cấp bậc cao hơn, thì bạn cũng sẽ được tăng lương, tăng thu nhập, kiếm được nhiều tiền hơn, đó cũng là một động lực giúp bạn muốn có cơ hội thăng tiến.

Những quyền lợi khi bạn được thăng tiến

Trước khi giải đáp băn khoăn rằng làm sao để từ nhân viên thăng tiến lên quản lý, chúng ta sẽ cùng điểm qua những quyền lợi khi bạn được thăng tiến, thường sẽ xoay quanh những điều sau:

  • Được lên một cấp bậc cao hơn, đây cũng có thể được xem là một thành công đáng tự hào;
  • Bạn sẽ có nhiều quyền lực hơn, tiếng nói có trọng lượng hơn, được mọi người tôn trọng hơn;
  • Bạn có quyền ra quyết định, tác động nhiều hơn trong các cuộc học thảo luận công việc;
  • Ở vị trí quản lý, bạn sẽ được tăng lương, có thu nhập cao hơn so với khi còn làm nhân viên;
  • Bạn sẽ có cơ hội quản lý đội nhóm, lead team, giúp nâng cao kỹ năng quản trị và lãnh đạo nhóm;
  • Bạn sẽ được tiếp xúc với các công việc, nhiệm vụ phức tạp hơn, tích luỹ nhiều kinh nghiệm làm việc;
  • Bạn sẽ mở rộng mối quan hệ với những người quản lý cấp cao, ban giám đốc, đối tác lớn;
  • Bạn được những người xung quanh ngưỡng mộ, khen rằng bạn tài giỏi, thông minh;
  • Bạn có nhiều cơ hội hơn để chứng minh năng lực bản thân và tiếp tục thăng tiến lên cao hơn nữa…

>> Làm sao để được cấp trên trọng dụng và tăng cơ hội thăng tiến?

Thăng tiến lên quản lý kéo theo những trách nhiệm gì?

Ngoài những quyền lợi thường gặp kể trên, thì tuỳ từng công ty, từng công việc cụ thể sẽ còn đi kèm theo nhiều quyền lợi khác nữa, nói chúng là khi thăng tiến lên vị trí quản lý thì bạn sẽ ở một cương vị mới, với rất nhiều đặc quyền mà khi còn làm nhân viên sẽ không có được. Tuy nhiên, song song với quyền lợi thì trách nhiệm mà bạn gánh vác trên vai cũng sẽ nặng nề hơn, áp lực hơn. Vậy thăng tiến lên quản lý kéo theo những trách nhiệm gì?

Đầu tiên, bạn sẽ chịu trách nhiệm KPI cá nhân nhiều hơn, nặng hơn so với khi còn làm nhân viên, đây là điều đương nhiên mà ở hầu hết công việc sẽ đều như thế. Tiếp theo, khi thăng tiến lên vị trí quản lý, bạn sẽ có trách nhiệm đào tạo, quản lý đội ngũ nhân viên cấp dưới, sao cho họ có thể thạo việc, làm tốt công việc, phát triển năng lực và đảm bảo đội ngũ bên dưới của mình luôn vững mạnh, đoàn kết. Nếu có bất kỳ điều gì phát sinh, chẳng hạn như lỗi sai trong công việc, nhân viên làm việc không tốt, hoặc nhân viên mâu thuẫn, bất hoà, xích mích nội bộ, thì bạn phải trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm, phân tích, xử lý và giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, vị trí quản lý cũng là trung gian giữa nhân viên và ban giám đốc, phải biết cách truyền thông tin sao cho rõ ràng, mạch lạc, giúp đôi bên hiểu đúng ý nhau, dung hoà được đôi bên, và đảm bảo cách hành xử khách quan, hợp tình hợp lý, vì mình đang là mắt xích đứng giữa. Ngoài ra, khi thăng tiến lên quản lý, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những trách nhiệm, áp lực vô hình khác nữa, mà khi bạn thật sự ở vị trí đó thì mới hiểu và cảm nhận rõ được toàn bộ. Vì thế, bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng và chuẩn bị tâm lý trước khi nắm bắt cơ hội thăng tiến.

Làm sao để từ nhân viên thăng tiến lên quản lý?

Quay trở lại với câu hỏi được nêu ra ở đầu bài viết, làm sao để từ nhân viên thăng tiến lên vị trí quản lý? Đây chắc hẳn là điều bạn đã nghĩ tới từ lâu, nhưng vẫn đang loay hoay, chưa tìm ra được câu trả lời sao cho cụ thể, thoả đáng. Bạn có thể thử quan sát xem những đồng nghiệp được thăng tiến, họ đã làm những gì, có năng lực ra sao, họ nỗ lực và tập trung thế nào trong công việc, rồi tự nhìn lại bản thân và so sánh thử xem mình đã làm được như họ chưa? Đây là cách đơn giản và cơ bản nhất, là điều mà ai cũng có thể tự quan sát và rút ra được kinh nghiệm cho bản thân, để giúp mình kịp thời thay đổi, nỗ lực hơn và cố gắng hơn để có cơ hội được thăng tiến. Nếu bạn đã cố gắng quan sát, nhưng chưa rút ra được những thông tin cụ thể, thì có thể tham khảo thử một số tiêu chí sau:

  • Kiến thức chuyên môn: Dù bạn làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào, thì kiến thức chuyên môn vẫn là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất, và góp phần ảnh hưởng luôn tới các tiêu chí khác, vì thế, hãy luôn dành thời gian cập nhật, trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, để nâng cao chuyên môn cho mình;
  • Năng lực làm việc: Năng lực làm việc tốt thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn, tức là khả năng nhanh chóng thích nghi, làm quen và làm tốt với các nhiệm vụ mới, được mọi người công nhận năng lực và cấp trên hoàn toàn yên tâm khi giao việc, giao trách nhiệm cho bạn;
  • Tinh thần làm việc: Bạn có đi làm với một tinh thần tốt, một thái độ tích cực, sẵn lòng hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp trong các công việc chung không, có hoà nhập với môi trường, văn hoá công ty không;
  • Mức độ tập trung, nỗ lực: Trong quá trình làm việc, bạn tập trung ở mức độ thế nào, khi gặp những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp, deadline gấp rút, thì bạn đã nỗ lực ra sao;
  • Kết quả làm việc so với kỳ vọng: 10 lần sếp giao việc thì bạn làm tốt được bao nhiêu lần, tỷ lệ có ở mức tốt không, và kết quả đạt được có nhiều lần vượt trội so với kỳ vọng ban đầu không;
  • Các kỹ năng mềm liên quan: Để tăng khả năng hoàn thành tốt công việc, duy trì phong độ làm việc ổn định, và tăng cơ hội thăng tiến, thì bạn cần phải thành thạo các kỹ năng mềm liên quản tới công việc;
  • Kỹ năng quản trị, lãnh đạo: Tất nhiên, nếu muốn được thăng tiến lên vị trí quản lý, thì bạn cũng phải có kỹ năng quản trị, lập kế hoạch, chiến lược, và biết cách lãnh đạo đội nhóm sao cho hiệu quả;
  • Yếu tố khác: Tuỳ từng tính chất công việc có thể yêu cầu thêm các yếu tố khác, chẳng hạn như ngoại ngữ;

Khi đã xác định được các tiêu chí mà công ty thường dùng để cân nhắc, đánh giá khi trao cơ hội thăng tiến, thì bạn hãy tập trung vào những điều ấy, xem bản thân mình còn đang thiếu sót ở đâu, thì hãy cố gắng trau dồi, vừa để mình hoàn thiện bản thân hơn, vừa tăng khả năng được thăng tiến lên vị trí quản lý trong tương lai. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!

>> 4 kiểu người mãi mãi không bao giờ thăng tiến

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích