Chán nản, tự ti là những cảm xúc mà bạn phải đối mặt khi cho rằng bản thân mình vô dụng, làm việc gì cũng không xong, đụng đâu hư đó, càng làm càng tệ. Khi bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực ấy, thì bạn sẽ càng khó chuyển mình hơn, khó lòng thay đổi mọi chuyện theo hướng tốt hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề này và lấy lại tinh thần tích cực, thì trước tiên bạn cần phải biết rằng vì sao mình làm việc gì cũng không xong, kết quả không tốt? Tất nhiên, mỗi người là những tình huống riêng, quan điểm riêng, sẽ có các lý do riêng, nhưng thường sẽ là những điều sau:
>> Làm văn phòng thấy không hợp công việc thì phải làm sao?
1. Không có kế hoạch, làm việc theo ngẫu hứng
Một trong những lý do khiến bạn làm việc gì cũng không xong, để mọi thứ dang dở, bế tắc, chính là vì ngay từ đầu bạn không có kế hoạch, không dành thời gian để lập kế hoạch làm việc một cách cụ thể, rõ ràng. Điều này sẽ khiến bạn cứ lao vào làm việc mà chẳng biết mình đang làm gì, cần làm gì, có đi đúng hướng không, có việc gì cần hoàn thành gấp không,… thay vào đó, bạn chỉ làm việc theo ngẫu hứng, thấy thích làm gì thì làm đó, và điều này sẽ khiến cho công việc bị rối tung cả lên, cái cần làm thì không làm, cái không quan trọng lắm thì lại mất thời gian vào nó quá nhiều. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy cố gắng đặt mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể cho từng việc mà mình làm và bám sát theo kế hoạch ấy, điều này vừa giúp tăng khả năng hoàn thành công việc, vừa đảm bảo chất lượng công việc ở mức tốt.
2. Làm gì cũng không xong vì thói quen trì hoãn
Một nguyên nhân nữa cũng khá phổ biến khiến bạn làm gì cũng không xong, đó chính là thói quen trì hoãn, để mai tính, mai làm, mai xử lý sau, làm việc theo kiểu dung dăng dung dẻ. Thói quen trì hoãn có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái ở thời điểm hiện tại, vì tự dưng lại gác được một mớ việc sang một bên, đỡ phải đụng tay đụng chân, để hiện tại bạn có thời gian nghỉ ngơi, relax. Tuy nhiên, sang tới ngày mai, ngày mốt, tuần sau, thì bạn sẽ dễ bị quá tải khi công việc chất đống, quá nhiều việc đáng lẽ cần làm xong từ trước, mà bạn vẫn trì hoãn khiến cuối cùng bị ngập chìm trong mớ công việc. Hoặc nghĩ sâu xa hơn, nếu bạn không sớm khắc phục thói quen trì hoãn này, thì chắc chắn nó sẽ tác động tiêu cực tới tương lai sau này. Việc hôm nay chớ để ngày mai, bạn hãy ghi nhớ điều đó và nghiêm khắc hơn với bản thân nhé.
>> “Để mai tính” và hậu quả của thói quen trì hoãn
3. Vừa làm vừa chơi, không tập trung để làm xong
Nếu bạn đang cảm thấy mình làm gì cũng không xong, cũng để dang dở hoặc mất quá nhiều thời gian mới có thể hoàn thành, thì hãy thử nhìn lại xem liệu bạn có đang vừa làm vừa chơi, không tập trung trong quá trình làm việc không? Điều này sẽ khiến bạn dễ rơi vào trạng thái rằng thấy mình cũng chăm chỉ, siêng năng, cố gắng quá trời, lúc nào cũng thấy bù đầu bù cổ, sấp mặt với công việc, vậy mà cuối cùng lại để công việc dang dở tùm lum, đụng nhiều việc nhưng chưa hoàn thành được bao nhiêu. Để khắc phục triệt để tình trạng này, bạn cần phải nghiêm khắc hơn với bản thân, đảm bảo giờ nào việc nấy, đang học hành, làm việc thì phải tập trung 100%, không để bị xao nhãng bởi chuyện khác, không bấm điện thoại, nhắn tin, lướt mạng xã hội giữa chừng. Tốt nhất là bạn nên chọn cho mình không gian riêng tư, yên tĩnh, tắt thông báo điện thoại, và để điện thoại ở một nơi khuất tầm mắt để giúp mình có thể tập trung tối đa.
4. Không có động lực, không có hứng thú làm việc
Có thể bạn vốn dĩ là một người chăm chỉ, làm việc hết sức nghiêm túc, nhưng bạn đang phải làm những việc mà mình không có hứng thú, đang mất đi động lực với công việc mình đang làm, khiến bạn làm gì cũng không xong. Điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và chính bạn phải tự mình giải quyết, củng cố động lực, lấy lại hứng thú để quay trở lại hoàn thành công việc một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, và có tinh thần trách nhiệm với công việc hơn. Hoặc nếu bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng và xác định rằng mình không có hứng thú, không muốn tiếp tục công việc hiện tại nữa, thì bạn nên sớm rẽ hướng sang một công việc khác mà mình có động lực và hào hứng hơn, chứ đừng cố gắng níu kéo, ép bản thân phải ráng làm những công việc mà mình chẳng có hứng thú một chút nào, vừa có lỗi với công việc, vừa có lỗi với bản thân.
>> Cách củng cố động lực khi đang chán nản, muốn buông xuôi
5. Năng lực kém nên làm việc gì cũng không xong
Nguyên nhân cuối cùng và cũng khá phũ phàng, khiến bạn làm việc gì cũng không xong, chính là do năng lực bản thân kém, còn nhiều thiếu sót cần khắc phục. Tức là bạn không phải người lười biếng, bạn cũng không chán ghét công việc, không mất tập trung khi làm việc, mà sự thật là vì năng lực mình còn kém, chưa đủ để có thể xử lý công việc, hoàn thành công việc một cách thuận lợi, khiến cho đa số những việc bạn làm đều bị dang dở, hoặc hoàn thành với chất lượng chưa đạt, trễ deadline, và cuối cùng cũng chẳng sử dụng được. Điều này có thể sẽ khiến bạn buồn, tự ti về bản thân, nhưng đừng quá tiêu cực, đừng bỏ cuộc, thay vào đó, bạn cần nhìn lại xem mình đang yếu ở đâu, còn thiếu sót ở những điểm nào, rồi nỗ lực trau dồi bản thân, cố gắng khắc phục những điều ấy càng sớm càng tốt. Khi bạn làm được thì bạn sẽ vừa nâng cao năng lực bản thân, vừa tăng khả năng hoàn thành công việc một cách thuận lợi, hiệu quả, không bị dang dở nữa.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được một số nguyên nhân vì sao mình làm việc gì cũng không xong, kết quả không tốt, kèm theo gợi ý cách khắc phục. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Chịu trách nhiệm thế nào khi mắc sai sót trong công việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.