Thất bại là mẹ thành công, sau mỗi lần thất bại, chúng ta sẽ tự rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá, để bản thân mình ngày càng hoàn thiện và vững vàng hơn. Năng lực làm việc của bạn cũng thế, cũng ngày càng được nâng cao hơn sau mỗi lần đối diện với thất bại, vì thế, trong phòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng thường sẽ trao đổi về chủ đề này để khai thác rõ hơn về ứng viên, chẳng hạn như “hãy chia sẻ về 1 lần thất bại trong quá khứ và cách bạn vượt qua”.
>> Không có sự chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại, đúng không?
Chia sẻ về thất bại khiến nhiều ứng viên bị “xịt keo”
Nếu được yêu cầu chia sẻ về những thành công, thành tựu, các điểm mạnh của bản thân thì quá dễ dàng rồi, ai cũng có thể trả lời một cách dõng dạc, tự tin, lưu loát. Tuy nhiên, khi phỏng vấn, nếu được nhà tuyển dụng hỏi về thất bại, thì nhiều ứn viên tự dưng bị “xịt keo”, không biết phải chia sẻ như thế nào, sợ lỡ mình nói ra những điều không nên nói, hoặc chia sẻ đúng những thất bại tối kỵ, không được có trong công việc, thì lại phản tác dụng, tạo ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng và bị trừ điểm, thậm chí có nguy cơ bị loại.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp ứng viên chia sẻ được về 1 lần thất bại trong quá khứ, nhưng không nói được về cách mình đã vượt qua, hoặc thậm chí có người còn mặc kệ, bỏ qua thất bại ấy chứ không tìm cách vượt qua, không rút được kinh nghiệm gì cho bản thân, thì đây cũng là điều khiến ứng viên bị mất điểm. Thật ra, trong câu hỏi phỏng vấn này, điều nhà tuyển dụng muốn biết chính là cách ứng viên nhìn nhận vấn đề và nỗ lực tìm cách vượt qua thất bại, thể hiện sự nhạy bén và ý chí vượt khó của bạn, vậy mà chỉ trả lời được vế đầu, còn vế quan trọng phía sau lại không chia sẻ được, thì khả năng cao vẫn có thế bị loại. Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, thì bạn cần cân đối sao cho bản thân có thể trả lời chỉn chu cả 2 vế, đầu tiên là lựa chọn xem nên chia sẻ thất bại nào với nhà tuyển dụng?
Nên lựa chọn thất bại nào để chia sẻ với nhà tuyển dụng?
Khi được nhà tuyển dụng yêu cầu chia sẻ về 1 lần thất bại trong quá khứ, bạn không nên bốc đại 1 thất bại nào đó để chia sẻ, vì có thể điều đó còn khá bình thường, chưa đủ đô để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hoặc thậm chí có thể bạn sẽ lỡ chia sẻ trúng những thất bại, lộ ra những điểm yếu tối kỵ không nên có trong ngành, thì sẽ cực kỳ tai hại, chẳng hạn như đang ứng tuyển vị trí kế toán, mà lại chia sẻ rằng mình đã từng thất bại trong việc kiểm soát dòng tiền cho công ty, tính toán sai khiến công ty thua lỗ, thiệt hại nhiều,… thì xem như gậy ông đập lưng ông, tự mình cắt đứt cơ hội việc làm của mình. Vậy ứng viên nên lựa chọn thất bại nào để chia sẻ với nhà tuyển dụng? Nếu bạn vẫn còn phân vân, chưa tìm được lời giải đáp, thì hãy cân nhắc theo 3 tiêu chí sau đây:
- Thất bại đó có đủ để gọi là thất bại không: Nhiều ứng viên sợ rằng khi nói ra một thất bại khá lớn thì nó giống như một điểm yếu chí mạng, có thể khiến mình bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, điều này có thể đúng, nhưng cũng có thể sai, chí mạng hay không nó sẽ phụ thuộc vào cách lựa chọn của bạn, vẫn có những thất bại lớn, đắt giá, giúp bạn rút ra được nhiều kinh nghiệm, và đủ nặng đô để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, chứ nếu bạn cứ e ngại, rồi chọn một thất bại nhỏ xíu, thì có thể sẽ bị đánh giá thấp, lạc đề, vì nó chưa đủ đô để được xem là thất bại;
- Đừng chọn các thất bại liên quan tới lỗi sai tối kỵ trong ngành: Nếu bạn vô tư chia sẻ về một thất bại lớn, mà nó lại trúng ngay lỗi sai tối kỵ trong ngành, thì đúng như chúng ta đã nói ở phần trước, đây sẽ là một điểm yếu chí mạng khiến bạn có nguy cơ bị trượt phỏng vấn, vì thế, trước khi trả lời, bạn hãy cân nhắc thật kỹ, lựa chọn những thất bại đủ lớn, nhưng không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng quá tệ tới kết quả làm việc trong ngành;
- Chọn thất bại mà mình đã vượt qua, khắc phục, rút được bài học kinh nghiệm: Như đã làm rõ ở phần trước, khi yêu cầu ứng viên chia sẻ về 1 lần thất bại và cách vượt qua, thì nhà tuyển dụng đang rất muốn biết cách bạn đã đối diện và vượt qua, khắc phục thất bại ấy như thế nào, rút ra được bài học kinh nghiệm ra sao, chứ họ không muốn nghe những thất bại không có đoạn kết, không đọng lại được gì, bạn hãy cân nhắc yếu tố này nhé.
>> Bài học nào được rút ra sau những lần thất bại?
Cách vượt qua thất bại phải đi kèm bài học kinh nghiệm
Sau khi giải đáp được lăn tăn rằng nên chọn thất bại nào để chia sẻ với nhà tuyển dụng, và chia sẻ được nó một cách đầy đủ, dễ hiểu, đảm bảo nhà tuyển dụng đã hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề, thì xem như bạn đã đi được nửa chặng đường. Nhiệm vụ còn lại của bạn là phải cho nhà tuyển dụng thấy được rằng mình đã đối diện với nó như thế nào, nỗ lực tìm cách vượt qua ra sao, đồng thời, từ thất bại ấy đã giúp bạn tự rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích thế nào cho bản thân, cho công việc, giúp bạn nâng cao năng lực làm việc và vững vàng hơn ra sao?
Trong thực tế, có một số ứng viên sau khi chia sẻ về 1 lần thất bại, kèm theo cách mình đã vượt qua, thì mừng quá, cứ ngỡ rằng mình đã hoàn thành xong câu hỏi phỏng vấn này rồi, nhưng thật ra lại quên mất chuyện rút kinh nghiệm, chưa chia sẻ cụ thể mình đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào, thì đây cũng là một thiếu sót. Bạn cần lưu ý tránh để bản thân mắc phải lỗi sai này kẻo bị mất điểm oan uổng khi phỏng vấn nhé.
Nhấn mạnh rằng sau này bạn không lặp lại thất bại đó nữa
Song song với việc chia sẻ bài học kinh nghiệm, thì bạn cũng cần chèn thêm một câu khẳng định rằng sau lần thất bại ấy, thì bạn đã tự biết cách phòng tránh trong tương lai, không để lặp lại thất bại đó thêm nữa. Những lần thất bại thường sẽ cho bạn bài học kinh nghiệm, nhưng nó cũng kéo theo nhiều thiệt hại, cho cá nhân bạn, và cho cả công ty, công việc, chính vì thế, ở vai trò người lãnh đạo trong công ty, là cấp trên của bạn trong tương lai, thì nhà tuyển dụng kỳ vọng rằng bạn sẽ không bao giờ lặp lại những thất bại, những sai lầm cũ, để hạn chế những thiệt hại cho công ty.
Vì thế, sau khi chia sẻ về 1 lần thất bại trong quá khứ, bạn hãy luôn mặc định lồng ghép thêm một câu khẳng định về chuyện không tái diễn, không lặp lại điều đó nữa. Tất nhiên, điều đó phải là sự thật, bạn thật sự không để thất bại cũ lặp lại thì mình mới nói, chứ không được gian dối khi phỏng vấn, vì sớm muộn gì cũng bị nhà tuyển dụng phát hiện ra, và khi đó thì họ sẽ đánh trượt bạn ngay, vì không thể chấp nhận tuyển một người thiếu trung thực vào công ty làm việc.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu được mong muốn của nhà tuyển dụng, có được cách trả lời tối ưu nhất khi phỏng vấn được yêu cầu chia sẻ về 1 lần thất bại và cách vượt qua. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sợ thất bại, do bạn yếu kém hay đây là nỗi lo không của riêng ai?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.