Khi mới lên đại học, tân sinh viên sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc liên quan tới chuyện học hành, thi cử, điểm số. Một trong những điều được nhiều bạn thắc mắc chính là điểm trung bình môn sẽ tính như thế nào, nghe đồn rằng trong đó sẽ có nhiều thành phần, và cách tính cũng khác so với hồi cấp 3. Hoặc thậm chí một số sinh viên lên tới năm 2, năm 3 cũng còn lơ mơ, chưa biết rõ cách tính điểm trung bình môn, tới khi thi xong, có điểm rồi cũng chẳng biết tính thế nào cho đúng? Hãy cùng tìm hiểu cách tính điểm trung bình môn ở đại học, kèm theo ví dụ cụ thể để sinh viên dễ hình dung.
>> Học môn tự chọn để kéo điểm trung bình lên có được không?
Điểm môn học bao gồm các thành phần nào?
Trước khi đi vào công thức tính điểm trung bình môn ở đại học, thì sinh viên cần nắm được các thành phần cấu tạo nên điểm trung bình môn học, và đó cũng chính là yếu tố nằm trong công thức tính điểm. Thông thường, điểm trung bình môn ở đại học sẽ bao gồm 2 thành phần chính, là điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Điểm quá trình lại tiếp tục bao gồm nhiều thành phần nhỏ bên trong, tuỳ theo quy định và cách tính điểm trung bình môn học của từng giảng viên, chẳng hạn như điểm chuyên cần, điểm kiểm tra miệng, điểm thuyết trình, tiểu luận, điểm cộng khi giơ tay phát biểu và điểm bài kiểm tra giữa kỳ. Còn điểm thi cuối kỳ chỉ bao gồm duy nhất điểm số trong bài thi cuối học kỳ của sinh viên, nhưng đây là một thành phần cực kỳ quan trọng, thường sẽ chiếm trọng số từ 50% tới 70% khi tính điểm trung bình môn học. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu công thức cụ thể để tính điểm trung bình môn ở đại học.
Công thức tính điểm trung bình môn ở đại học
Để tính được chính xác điểm trung bình môn ở đại học, thì sinh viên cần nắm được 2 công thức. Đầu tiên là công thức tính điểm quá trình của môn học, cụ thể hơn rằng điểm quá trình là gì và cách tính thế nào, thì các em có thể tham khảo tại đây. Sau khi đã tính được điểm quá trình môn học, và cũng đã có kết quả điểm thi cuối kỳ, thì sinh viên đã có được 2 thành phần chính để làm cơ sở tính điểm trung bình môn học, việc còn lại chỉ cần ráp công thức vào rồi tính thôi. Thông thường, trọng số giữa 2 thành phần này sẽ được chia theo các tỷ lệ khác nhau, kéo theo công thức tính điểm trung bình môn học cũng khác nhau, cụ thể như sau:
- Chia 30 – 70: Điểm trung bình môn học = Điểm quá trình x 30% + Điểm thi cuối kỳ x 70%
- Chia 40 – 60: Điểm trung bình môn học = Điểm quá trình x 40% + Điểm thi cuối kỳ x 60%
- Chia 50 – 50: Điểm trung bình môn học = Điểm quá trình x 50% + Điểm thi cuối kỳ x 50%
Để xác định xem môn học nào sẽ tính điểm theo công thức nào, thì sinh viên sẽ được giảng viên thông báo rõ trong buổi học đầu tiên, các em cần tập trung lắng nghe, ghi chép lại đầy đủ để lưu lại, tới cuối kỳ mình sử dụng đúng công thức để tính điểm, tránh việc nhầm lẫn rồi tính sai công thức, ra sai điểm. Để làm rõ hơn và cùng thực hành tính thử, chúng ta sẽ cùng điểm quá ví dụ về cách tính điểm trung bình môn ở đại học trong phần tiếp theo.
>> Điểm trung bình tích luỹ là gì, quan trọng như thế nào?
Ví dụ cách tính điểm trung bình môn ở đại học
Trong phần này chúng ta sẽ không bàn tới cách tính điểm quá trình, mà sẽ mặc định rằng mình đã có sẵn điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ của môn học luôn rồi, để mình tập trung vào việc tính điểm trung bình môn học thôi. Chẳng hạn như môn A có điểm quá trình 6.7, điểm thi cuối kỳ 8.7, chia 30 – 70, thì điểm trung bình môn A = 6.7 x 30% + 8.7 x 70% = 8.1 (đạt điểm giỏi). Tuy nhiên, cũng với ví dụ trên, nhưng nếu chia 50 – 50, thì điểm trung bình môn A = 6.7 x 50% + 8.7 x 50% = 7.7 (chỉ đạt điểm ở mức khá).
Chắc hẳn rằng các em cũng hình dung được tầm quan trọng của phần trọng số tính điểm trung bình môn học rồi chứ, trong ví dụ nêu trên, chúng ta có điểm quá trình khá thấp, chỉ vỏn vẹn 6.7, nhưng điểm thi cuối kỳ lại cao tận 8.7, nếu chia 30 – 70 thì sẽ kéo điểm trung bình môn học lên rất nhiều, lên được mức giỏi, vì điểm thi cuối kỳ chiếm tận 70%, nhưng nếu chia 50 – 50 thì lại là một câu chuyện khác, dù điểm thi cuối kỳ cao, nhưng cũng không đủ để kéo điểm trung bình môn học lên mức điểm giỏi, mà chỉ có thể dừng lại ở mức khá thôi.
Bao nhiêu điểm thì sinh viên được qua môn?
Tạm gác mục tiêu đạt điểm khá, điểm giỏi sang một bên, vì trong thực tế, có một chuyện cũng được nhiều sinh viên đại học quan tâm, đó chính là phải làm sao để qua môn, không bị rớt môn. Chính vì thế, có nhiều bạn tân sinh viên thắc mắc rằng điểm trung bình bao nhiêu thì mình được qua môn, để các em còn biết mà ráng học hành đàng hoàng, tất nhiên vẫn cố gắng đạt điểm số cao nhất có thể trong khả năng của mình, nhưng tối thiểu cho dù tệ lắm thì cũng không để bị điểm kém tới nỗi rớt môn. Nếu tính trên thang điểm 4, thì sinh viên chỉ cần có điểm trung bình từ 1.0 trở lên thì sẽ được tính là qua môn. Nếu tính trên thang điểm 10, thì sinh viên cần đạt điểm trung bình từ 4.0 trở lên mới được qua môn. Còn nếu xét trên thang điểm chữ thì cực kỳ đơn giản, điểm F sẽ là rớt môn, các điểm còn lại như A, B, C, D là qua môn.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách tính điểm trung bình môn ở đại học, kèm theo ví dụ cụ thể, và giải đáp thêm rằng bao nhiêu điểm thì qua môn? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cách tính điểm trung bình học kỳ ở đại học, kèm ví dụ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.