Home Học tậpChuyện sinh viên Cảnh Báo Nguy Cơ Sinh Viên Bị Bắt Cóc, Lừa Đảo Khi Tìm Việc

Cảnh Báo Nguy Cơ Sinh Viên Bị Bắt Cóc, Lừa Đảo Khi Tìm Việc

by Hoàng Khôi Phạm
Cảnh Báo Nguy Cơ Sinh Viên Bị Bắt Cóc, Lừa Đảo Khi Tìm Việc

Nguy cơ sinh viên bị lừa đảo khi tìm việc làm vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu, từ tận 10-20 năm trước đã xảy ra nhiều trường hợp, phổ biến nhất là bị lừa gạt tiền bạc, hoặc lừa làm những công việc không đúng như mô tả ban đầu. Tuy nhiên, càng lúc mức độ nghiêm trọng càng tăng lên, và các thủ đoạn của bọn lừa gạt cũng ngày càng tinh vi hơn. Trong những ngày gần đây, có nhiều chia sẻ trên mạng xã hội về trường hợp sinh viên đi tìm việc nhưng bị lừa bán sang nước ngoài, bạn đã may mắn chạy thoát về nước và kể lại câu chuyện. Từ đó, nhiều sinh viên đã cảnh giác hơn, nhưng nguy cơ sinh viên bị bắt cóc, lừa đảo khi tìm việc vẫn tồn tại ở đó. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời làm rõ hơn về các thủ đoạn lừa đảo khi tìm việc, để sinh viên biết, lưu ý và tránh rơi vào bẫy.

>> 9 chiêu lừa đảo sinh viên nên biết để tránh

Vì sao sinh viên thường là đối tượng bị lừa đảo?

Trước khi tìm hiểu về các thủ đoạn bắt cóc, lừa gạt sinh viên khi tìm việc, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem vì sao sinh viên thường là đối tượng bị lừa đảo? Thật ra, ai cũng có thể trở thành đối tượng bị lừa đảo, tuy nhiên, bọn xấu thường lựa chọn những đối tượng nhẹ dạ cả tin, ngây thơ, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý, vì như thế sẽ giúp chúng gia tăng khả năng thành công, lừa đảo một cách trót lọt. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, các thủ đoạn lừa gạt hầu như đều đã được đưa lên mạng để cảnh báo, nên nhiều bạn sinh viên cũng đã đề cao cảnh giác.

Tuy nhiên, các em vốn dĩ là những bạn trẻ ngây thơ, non nớt, chưa có nhiều va chạm, trải nghiệm, nên khi bị xoay vòng vòng trong những thủ đoạn lừa gạt tinh vi, thì cũng sẽ dễ bị lọt vào bẫy, nhất là với những bạn tân sinh viên năm 1 mới lên thành phố học đại học, sống xa nhà, thuê trọ, muốn tìm việc làm để có thêm thu nhập trang trải phần nào chi tiêu mỗi tháng. Vừa non nớt, vừa xa gia đình, lại vừa muốn tìm việc làm kiếm tiền, khiến các em dễ bị rơi vào bẫy, bị lừa đảo, nhẹ thì bị mất tiền, nặng hơn thì có thể bị bắt cóc khi tìm việc làm. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng làm rõ các thủ đoạn bắt cóc, lừa đảo sinh viên khi tìm việc, để sinh viên đề cao cảnh giác và tỉnh táo hơn, chọn lựa các việc làm thêm uy tín, không nên vội tin vào các chiêu trò, mập mờ của bọn lừa gạt.

Cảnh báo các thủ đoạn bắt cóc, lừa đảo sinh viên khi tìm việc

Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu các thủ đoạn phổ biến, liên quan tới chuyện lừa gạt tiền của sinh viên khi tìm việc. Bọn lừa đảo thường sẽ đăng các tin tuyển dụng như bình thường, thậm chí tạo tài khoản đăng lên các trang tìm việc làm uy tín, khiến sinh viên nhanh chóng apply mà không mảy may nghi ngờ, vì đó cũng chỉ là các công việc làm thêm bình thường như nhân viên phục vụ, nhân viên tư vấn, thu ngân, bảo vệ part time. Tuy nhiên, khi đến nơi phỏng vấn như lịch hẹn, thì thấy đó chỉ là một văn phòng nhỏ, thậm chí còn nằm trong hẻm, và cũng không có quá nhiều nhân viên, họ nói rằng đây chỉ là một chi nhánh nhỏ để phỏng vấn, còn công ty có văn phòng chính ở nơi khác, hoặc đơn thuần họ chỉ là nơi trung gian, hỗ trợ kết nối giữa sinh viên và những nơi muốn tìm nhân viên làm part time,… nói chung là đưa ra những lý do rất hợp lý, khiến sinh viên không hề mảy may nghi ngờ cho dù địa điểm gặp mặt hơi bị nhỏ, sơ sài.

Sau khi phỏng vấn, họ thông báo ngay rằng các em đã được nhận, đủ tiêu chuẩn để vào làm việc, nhưng cần phải đặt cọc tiền thế chân đồng phục, nếu sau này nghỉ làm, trả lại đồng phục thì các em sẽ được nhận lại tiền, số tiền thường rơi vào khoảng 500k/bạn, cũng không phải quá lớn nên nhiều sinh viên đã rơi vào bẫy, vài hôm sau liên hệ lại thì số điện thoại bị thuê bao, quay lại nơi phỏng vấn thì mới biết rằng họ chỉ thuê tạm trong 1-2 ngày, sau đó đã đi mất. Hoặc cũng có trường hợp họ yêu cầu sinh viên trả phí môi giới việc làm, khoảng 20% tiền lương tháng đầu tiên, chẳng hạn như lương tháng 4 triệu, thì trả 800k vì họ có công giới thiệu việc làm tốt cho mình, nhưng tới khi đi làm lại bị điều đi những địa điểm quá xa, mà tính chất công việc thì cũng không giống như hứa hẹn ban đầu, bảo sẽ làm nhân viên phục vụ, nhưng lại bắt đi giữ xe, trông xe,… Khi đó, nhiều bạn sinh viên thấy chán nên nghỉ luôn, mà tiền phí môi giới cũng mất luôn.

Ở trên chỉ là các chiêu trò lừa gạt tiền của sinh viên khi tìm việc, nhưng hiện nay, có một thủ đoạn khác mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn, đó chính là bắt cóc bán sang nước ngoài, những bạn nào nhẹ dạ cả tin hoàn toàn có thể bị rơi vào bẫy. Điển hình như một trường hợp gần đây, bạn sinh viên phỏng vấn tìm việc làm, được thông báo sẽ nhận việc ở tỉnh khác, vì kho hàng của công ty nằm ở đó, khi đi làm sẽ có xe đưa đón tận nơi. Thì bạn cũng tin, cũng có mặt đúng giờ, lên xe để di chuyển đi làm trong ngày đầu tiên, nhưng cuối cùng lại bị lừa, xe chở đi tới tận biên giới, sang nước ngoài, và lúc này bạn sinh viên đã nhận ra mình bị lừa. May mắn bạn chống trả, chạy trốn, và về lại được an toàn, nhưng điều này cũng đã gióng lên một hồi chuông để sinh viên cảnh giác hơn, tránh bị lợi dụng, trở thành con mồi cho những hành bị lừa đảo, nhất là khi tìm việc làm thêm.

>> Sinh viên đi làm thêm cần lưu ý những điều gì?

Sinh viên xử lý thế nào khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ?

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, và tránh bị mất tiền hoặc gặp nguy hiểm do các hành vi lừa gạt, thì sinh viên cần nắm được các thủ đoạn thường gặp như chúng ta đã điểm qua ở phần trước. Song song đó, trong quá trình tìm việc làm, sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, xem liệu địa điểm phỏng vấn có thật sự là văn phòng/chi nhánh của công ty nào không, bằng cách search thẳng trên Google, nếu đó là địa điểm lừa đảo, hoặc không tìm ra thông tin gì hết, thì đó chính là một nơi được thuê tạm để thực hiện hành vi lừa gạt thôi, thì mình nên tránh xa, không để bị mắc bẫy. Hoặc các em cũng có thể search số điện thoại của họ, xem liệu có cảnh báo nào trên mạng không. Nếu có những cảnh báo trên mạng, thì đó là dấu hiệu cho thấy các em nên tránh xa, đi tìm việc khác đáng tin cậy hơn.

Hoặc cho dù không phát hiện được dấu hiệu nào đáng ngờ từ trước, nhưng sau khi phỏng vấn lại được yêu cầu đóng phí môi giới, đặt cọc tiền đồng phục, hoặc bảo rằng sẽ làm việc ở tỉnh khác, thì sinh viên hãy từ chối thẳng, không nên nhẹ dạ cả tin vào những công việc như thế. Lúc các em từ chối, chuẩn bị đi về, có thể họ sẽ nói một số lời trách móc, khiêu khích, dạy đời, để những bạn nào yếu tâm lý, dễ lung lay sẽ đổi ý, tin tưởng và đóng tiền, nhận việc, nhưng các em hãy tỉnh táo, họ nói gì thì mặc kệ, mình vẫn không bị lay chuyển. Có thể cũng có 10% xác suất rằng họ đàng hoàng, nhưng lại có tới 90% nguy cơ đây là bẫy hòng lừa gạt các bạn sinh viên dễ tin người.

Bài viết này đã cảnh báo nguy cơ sinh viên bị bắt cóc, lừa đảo khi tìm việc, thông qua các thủ đoạn thường gặp và cách phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> 6 điều tân sinh viên mới lên đại học cần lưu ý

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích