Kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn hoàn thành tốt công việc khi đi làm, chính vì thế, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ đặt ra những câu hỏi để khai thác thông tin và đánh giá mức độ thành thạo kỹ năng mềm của ứng viên, nhất là những kỹ năng liên quan nhiều tới công việc, một trong số đó chính là kỹ năng phản biện. Dưới đây là gợi ý trả lời 5 câu hỏi về kỹ năng phản biện phổ biến nhất khi phỏng vấn mà bạn có thể tham khảo:
>> 7 câu hỏi về kỹ năng thuyết trình phổ biến nhất khi phỏng vấn
1. Phỏng vấn: Kỹ năng phản biện giúp ích thế nào cho bạn?
Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi rằng kỹ năng phản biện giúp ích thế nào cho bạn? Thoạt nghe qua thì bạn có thể cho rằng đây đơn thuần chỉ là một câu hỏi lý thuyết, thì mình chỉ việc trả lời theo những kiến thức mà mình biết, mình đã đọc qua, đã từng tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo hướng đó thì chỉ đạt tầm 40% so với yêu cầu, với những điều mà nhà tuyển dụng muốn khai thác, muốn có ở ứng viên tiềm năng mà họ đang tìm kiếm.
Đối với câu hỏi này, bạn cần dựa thêm vào những trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân dựa trên quá trình làm việc ở các công ty cũ, hoặc nếu là sinh viên mới ra trường, thì các em có thể dựa vào những lần mình thuyết trình nhóm, phản biện, đối đáp để nêu lên quan điểm của mình. Từ đó, bạn sẽ rút ra được những bài học riêng, những lợi ích của kỹ năng phản biện mà chính mình đã nhận thấy, đây mới là những điều giúp bạn ghi điểm trong buổi phỏng vấn.
2. Bạn ứng dụng kỹ năng phản biện vào công việc thế nào?
Sau khi chia sẻ những lợi ích của kỹ năng phản biện dựa trên góc nhìn của bạn, thì nhà tuyển dụng có thể sẽ muốn khai thác thêm rằng bạn ứng dụng kỹ năng mềm ấy vào công việc như thế nào? Vì là câu hỏi liên quan tới trải nghiệm trong công việc, nên thường sẽ đặt ra với những ứng viên đã có từ 1 năm kinh nghiệm trở lên, chứ nhà tuyển dụng sẽ không hỏi câu này với sinh viên mới ra trường.
Khi nhận được câu này, bạn có thể chia sẻ về 2 tình huống trong quá khứ, liên quan tới 2 trường hợp khác nhau, rằng bạn đã ứng dụng kỹ năng phản biện để giúp công việc hiệu quả hơn, tìm được hướng giải quyết, giải pháp tối ưu hơn, thông qua các cuộc họp, meeting, thảo luận công việc với đồng nghiệp trong các dự án chung, nhất là những lần mà bạn đã lập công lớn, nhờ sự phản biện của bạn mà công ty đã có được hướng đi chính xác, mang về hiệu suất làm việc tốt, tối ưu doanh thu, lợi nhuận.
>> 5 câu hỏi về kỹ năng ra quyết định phổ biến nhất khi phỏng vấn
3. Phỏng vấn: Phản biện có cần thiết khi teamwork không?
Một câu hỏi khác có thể được nhà tuyển dụng đặt ra khi phỏng vấn chính là kỹ năng phản biện có cần thiết khi teamwork không? Nếu bạn thật sự đã có nhiều trải nghiệm, từng nhiều lần phản biện trong cả học tập lẫn công việc, thì chắc chắn bạn sẽ hiểu được trọng tâm của câu hỏi này, vì thực chất, kỹ năng phản biện có sự liên kết chặt chẽ với chuyện teamwork, nó sẽ giúp quá trình thảo luận nhóm đạt được hiệu quả tối ưu hơn.
Chứ nếu làm việc nhóm cùng nhau, phối hợp trong các công việc chung, nhưng đa số thành viên đều lầm lì, ít nói, ít khi giao tiếp, thậm chí trong các buổi hội ý, họp, thảo luận, thì cũng chỉ có 1-2 người nêu ý kiến, còn lại đều ngồi im, không phản biện gì, thì làm sao ra được giải pháp tối ưu nhất, có chăng đó chỉ là giải pháp tốt nhất so với góc nhìn của 1-2 thành viên kia, chứ những người còn lại chưa nêu ý kiến gì mà? Thật sự team 6-7 người, thì cả 6-7 người đều cần phải biết cách giao tiếp, thảo luận và phản biện khi cần thiết, mỗi người mỗi quan điểm, biết đâu quan điểm của mình mới là điều tốt nhất thì sao, chắc gì ý kiến của 1-2 thành viên kia đã chuẩn, đã đi đúng hướng?
4. Phản biện có phải nguyên nhân dẫn tới tranh cãi không?
Khi chưa quen với chuyện phản biện, thì không ít người đã có quan điểm sai lầm, hiểu chưa đúng về kỹ năng mềm này. Để xác định xem bạn có nằm trong số đó không, thì nhà tuyển dụng sẽ hỏi rằng phản biện có phải nguyên nhân dẫn tới tranh cãi không? Nếu bạn trả lời là có, thì cho dù bạn có giải thích, triển khai nội dung thế nào, thì nhà tuyển dụng vẫn sẽ chưa đánh giá cao về kỹ năng phản biện của bạn.
Ngược lại, nếu bạn trả lời là không, phản biện là chất xúc tác giúp quá trình thảo luận nhóm trở nên sôi nổi hơn, có nhiều quan điểm, góc nhìn đa chiều hơn, từ đó, các thành viên có thể cùng lắng nghe quan điểm, sự phản biện của nhau, để cùng phân tích và chốt vấn đề, chọn ra phương án tối ưu nhất. Có chăng thì phản biện sẽ liên quan tới bất đồng quan điểm, tức là bạn có quan điểm khác biệt so với đối phương về một chủ đề nào đó, nhưng đang phản biện trên tinh thần xây dựng, nêu lên quan điểm, chứ nó không phải là tranh cãi, xích mích gì cả. Phản biện là điều tốt, là điều mà chúng ta cần rèn luyện, chứ nó không mang ý nghĩa tiêu cực.
>> Phản biện sao cho đúng, tránh xảy ra tranh cãi?
5. Phản biện thế nào để thuyết phục được người khác?
Nếu các câu hỏi phỏng vấn phía trên sẽ thiên về quan điểm, góc nhìn của bạn về kỹ năng phản biện, thì đây chính là điều sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá rõ nét xem liệu kỹ năng phản biện của bạn đang tốt tới mức độ nào. Phản biện thế nào để thuyết phục được người khác? Khi đứng trước câu hỏi này, bạn cần nêu ra kinh nghiệm cá nhân, những bài học do chính mình đã trải nghiệm và rút ra được trong những lần làm việc nhóm, cùng thảo luận, phản biện, nêu lên quan điểm của mình trên tinh thần xây dựng. Đồng thời, bạn cần làm rõ điều mà nhà tuyển dụng muốn biết, đó là bạn sẽ làm thế nào để thuyết phục người khác đồng tình với sự phản biện của mình.
Chẳng hạn như bạn sẽ thường lắng nghe trước, xem các thành viên khác có những quan điểm thế nào, rồi tự so sánh với quan điểm của mình xem có những khác biệt gì, xuất phát từ những đặc điểm, yếu tố nào, rồi từ đó xâu chuỗi lại, chọn lựa thứ tự trình bày sao cho logic, hợp lý, để khi bạn phản biện thì mọi người cũng sẽ dễ dàng hình dung được quan điểm của bạn, và tự thấy được những điểm khác biệt, đặc trưng của quan điểm ấy. Để tăng tính thuyết phục, bạn cũng nên lồng ghép những dẫn chứng, số liệu, ví dụ cụ thể, thì mọi người sẽ dễ dàng hình dung và đồng tình, hoặc ít ra họ cũng hiểu được bạn đang muốn nói lên điều gì, để cùng tiếp tục phân tích và chọn ra quan điểm tối ưu nhất, vì chưa chắc lúc nào bạn cũng là người có quan điểm đúng nhất, chưa chắc lúc nào bạn phản biện cũng chuẩn. Điều này vừa cho nhà tuyển dụng thấy bạn có kỹ năng phản biện tốt, vừa thể hiện rằng bạn là người khiêm tốn, biết lắng nghe, chứ không phải là người cứng nhắc, lúc nào cũng khăng khăng rằng mình đúng.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được gợi ý trả lời 5 câu hỏi về kỹ năng phản biện phổ biến nhất khi phỏng vấn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Trả lời phỏng vấn: Điều gì bạn thích nhất ở công ty cũ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.