Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 28) – Tín Chỉ, Viết Email Gửi Giảng Viên

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 28) – Tín Chỉ, Viết Email Gửi Giảng Viên

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 28) - Tín Chỉ, Viết Email Gửi Giảng Viên

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 28, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về tín chỉ, học quân sự, cách viết email gửi giảng viên và sinh viên năm 2 đi thực tập được không?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 27) – Học lại, tốt nghiệp ra trường trễ

1. Tín chỉ là gì? Một môn học bao nhiêu tín chỉ?

Tín chỉ là đơn vị để đo lường thời lượng và khối lượng học tập của sinh viên. Môn nào thời lượng càng dài, khối lượng kiến thức càng nhiều thì số số tín chỉ sẽ càng cao, chiếm trọng số càng lớn khi tính GPA. Ở đại học, mỗi môn học thường sẽ chiếm 2-3 tín chỉ, một số môn thời lượng dài hơn sẽ lên tới 4 tín chỉ. “Môn học” có số tín chỉ cao nhất thường là khóa luận tốt nghiệp, có thể lên tới tận 10 tín chỉ.

Số tín chỉ của môn học sẽ không cố định, môn nào càng nhiều tín chỉ sẽ càng khiến sinh viên “đau đầu” khi phải ráng tiếp thu khá nhiều kiến thức, cố gắng đạt điểm tốt và hạn chế rớt môn. Rớt môn 2 tín chỉ thì sinh viên phải đóng tiền học lại 2 tín chỉ, rớt môn 3 tín chỉ phải học lại 3 tín chỉ, vừa tốn tiền, vừa có rủi ro bị hạ bằng đại học. Vậy sinh viên học lại bao nhiêu tín chỉ sẽ bị hạ bằng? Học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, từ xuất sắc xuống giỏi, từ giỏi xuống khá. Ví dụ có 125 tín chỉ, nếu học lại 7 tín chỉ là 5.6%, sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp.

2. Vì sao sinh viên đại học phải đi học quân sự?

Học quân sự – giáo dục quốc phòng giúp sinh viên được cọ xát, trưởng thành hơn, có nhiều cơ hội trải nghiệm để rèn dũa bản thân bằng sự khắc nghiệt, tính kỷ luật cao trong môi trường quân đội. Sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian qua việc học tập, thực hành, sinh hoạt tập thể với nhiều bạn khác, đảm bảo kỷ luật và tuân thủ giờ giấc trong môi trường quân đội. Sinh viên cũng được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ, giao tiếp tự tin, lưu loát và nhiều kỹ năng hữu ích khác khi học quân sự, giúp các em có hành trang vững chắc để tự tin vào đời sau này.

Là một công dân, sinh viên cũng có nghĩa vụ nắm vững kiến thức quân sự căn bản thông qua việc đi học GDQP như cách tháo lắp súng, băng bó vết thương, sơ cấp cứu, ngắm bắn, di chuyển,… Ngoài ra, để đủ điều kiện xét tốt nghiệp ra trường thì sinh viên cũng cần hoàn thành và có chứng chỉ GDQP. Đa số trường đại học tại Việt Nam đều yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ này thì mới được tốt nghiệp.

>> Tất tần tật những điều sinh viên cần biết về học quân sự

3. Sinh viên năm 2 xin đi thực tập được không?

Em vừa học xong năm 2 chuyên ngành Thương mại điện tử, em chưa từng có kinh nghiệm làm việc gì liên quan đến chuyên ngành, em có thể xin đi thực tập sớm để lấy kinh nghiệm được không?

Thực tập là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với công việc thực tế, ứng dụng những kiến thức đã học vào công việc, và tích luỹ một số kinh nghiệm làm việc cơ bản trước khi ra trường đi làm. Thông thường, sinh viên sẽ đi thực tập vào năm 4, nếu sớm thì vào cuối năm 3, vì khi đó các em mới tích luỹ đủ kiến thức để vận dụng vào công việc, mới đủ khả năng hoàn thành những việc được giao.

Em mới học năm 2 thì xin đi thực tập sẽ rất khó, trừ một số công việc đơn giản như lễ tân, thu ngân, bán hàng part time, hoặc tổng đài viên, thực tập sinh CSKH, telesales, với các đầu việc khá cơ bản. Còn với các vị trí thực tập yêu cầu chuyên môn như kế toán, kiểm toán, tài chính, IT, marketing, công nghệ thông tin,… hầu như sẽ không tuyển những bạn sinh viên chỉ mới học xong năm 2. Anh biết nguyện vọng đi thực tập của em là muốn được cọ xát, thử thách và nâng cao năng lực bản thân. Nhưng ngoài thực tập thì vẫn còn nhiều cách khác như tự rèn luyện các kỹ năng mềm, học Tiếng Anh,…

4. Cách viết email gửi giảng viên mà sinh viên cần lưu ý

Khi đi học, nếu sinh viên cần trao đổi về vấn đề học tập, học bổng, hoặc khiếu nại điểm số, xếp loại học lực, điểm rèn luyện, thì các em cần viết email gửi giảng viên, thầy cô phụ trách trong trường. Có một câu hỏi được nhiều sinh viên băn khoăn là rèn luyện kỹ năng viết email có khó không? Câu trả lời là không khó, bất kỳ ai cũng có thể tự tìm hiểu và rèn luyện cho mình kỹ năng mềm này. Khi bắt đầu tập viết email, sinh viên sẽ dễ mắc phải sai sót, thiếu cái này, sót cái kia, lủng củng, dài dòng, thiếu chuyên nghiệp. Quan trọng là mình biết rút kinh nghiệm để tránh lặp lại các lỗi ấy trong tương lai. Khi viết email gửi giảng viên, thầy cô trong trường, sinh viên cần lưu ý sự chỉn chu, câu cú rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm, tránh dài dòng lan man khiến thầy cô khó lòng nắm được điều mình mong muốn.

  • Đảm bảo email có tiêu đề rõ ràng, nhìn lướt qua có thể đoán được nội dung chính, tránh việc quên tiêu đề hoặc viết tiêu đề quá dài dòng.
  • Bắt đầu email bằng lời chào hỏi lịch sự, email gửi đến ai?
  • Giới thiệu ngắn gọn về bản thân, họ tên, lớp, MSSV.
  • Trình bày vấn đề khoảng4-5 dòng, đi thẳng vào trọng tâm kèm theo dẫn chứng giúp giảng viên hiểu rõ mong muốn, nguyện vọng của mình.
  • Đính kèm thêm các file đính kèm (nếu cần thiết), tránh việc quên các file quan trọng.
  • Kết thúc email bằng một lời cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi email từ phía thầy cô, giảng viên.

Nếu muốn viết email chuyên nghiệp hơn, sinh viên có thể thiết kế chữ ký email, bao gồm họ tên và một số thông tin liên lạc cá nhân của mình, để người nhận mail dễ dàng liên lạc lại với mình khi cần thiết. Sinh viên hãy xem những lần viết email gửi giảng viên, thầy cô chính là cơ hội để mình thực hành, rèn giũa kỹ năng viết email, càng viết thì mình càng thành thạo, đây cũng là kỹ năng quan trọng khi đi làm sau này.

Cẩm nang sinh viên tập 28 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện tín chỉ, học quân sự, cách viết email gửi giảng viên và sinh viên năm 2 đi thực tập được không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 26) – Điểm rèn luyện, học quân sự nội trú

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích