Sau này đi làm thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc phải làm thêm giờ, phải gạt bỏ rất nhiều công việc cá nhân, sẽ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thậm chí còn phải thức khuya để làm cho kịp deadline nữa ấy.
Vấn đề làm thêm giờ không phân biệt ngành nghề, cũng chẳng phân biệt các em là sinh viên mới đi làm hay là quản lý, giám đốc,… Ai ai cũng sẽ có những lúc phải làm thêm giờ và không phải công ty nào cũng trả đầy đủ lương cho phần làm việc ngoài giờ hành chính của mình.
>> Mới ra trường, tôi đối mặt với cảnh ma cũ bắt nạt ma mới như thế nào? | Chuyện công sở (kỳ 1)
1. Các vị trí nào thường phải làm ngoài giờ?
Nhân viên kinh doanh thường sẽ phải làm ngoài giờ nhiều nhất, vì phải chạy doanh số. Anh vẫn nhớ mãi khoảng thời gian 3 tháng ngắn ngủi mà anh từng làm nhân viên kinh doanh (do lý do gia đình nên anh ngưng lại chứ không phải vì anh không thích công việc ấy). Những buổi tối đang ngồi với bạn bè, khách gọi là phải tiếp chuyện, tư vấn sản phẩm. Những ngày cuối tuần, khách hẹn trao đổi công việc, phải tự giác đi gặp khách mà không dám từ chối. Thậm chí còn phải đi rất ra, tận Thủ Đức, quận 12, quận 8,… bất kể trưa nắng hay mưa giông bão bùng. Tất nhiên công ty không trả lương cho anh, mà mặc nhiên phần công sức ấy sẽ được cho rằng “càng cố gắng nhiều, càng làm nhiều thì doanh số càng cao, hoa hồng càng lớn”.
Rồi lúc lên vị trí quản lý, anh phải thường xuyên làm thêm giờ, vì ngoài công việc chuyên môn thì còn phải lên kế hoạch, hướng dẫn và theo sát các thành viên trong team, đo lường hiệu quả công việc và làm báo cáo, giải trình kết quả với giám đốc. Cứ mùng 10 hàng tháng là phải làm xong báo cáo tháng trước, rồi 20 hàng tháng là phải lật đật vắt óc suy nghĩ kế hoạch hoạt động tháng sau. Rồi những đợt phải chạy sự kiện lớn một cách gấp rút như tuần vừa rồi là xác định lúc nào cũng cắm đầu vào máy tính. Tất nhiên công ty cũng không trả thêm lương cho anh, vì phần đó nằm trong trách nhiệm của người quản lý.
Kế toán thì cuối tháng phải tăng ca vì phải tổng kết lương, sổ sách, chứng từ, doanh thu, chi phí. Phòng phát triển sản phẩm thì tăng ca khi gấp rút hoàn thiện một sản phẩm mới. Phòng nhân sự tăng ca khi công ty vào mùa cao điểm tuyển dụng để mở rộng quy mô,…
À để tránh các em hiểu nhầm rằng không có công ty nào trả lương khi nhân viên làm thêm giờ thì anh đính chính một tí nhe. Công ty vẫn trả lương cho những công việc mà họ có thể kiểm soát và đo lường được. Chẳng hạn như nếu anh tổ chức sự kiện ngoài giờ hành chính, thì thời gian đó anh vẫn được tính lương. Hoặc công ty điều động anh lên văn phòng làm việc vào cuối tuần vì cần phải làm chung với team để ra kết quả gấp thì cả team vẫn được tính lương. Hoặc các bạn tổng đài viên trong công ty cũ của anh phải trực các buổi tối, cuối tuần và cả ngày nghỉ thì các bạn ấy vẫn được tính lương.
2. Nếu làm thêm giờ mà không được trả lương thì phải làm sao?
Vậy nếu công ty không trả đủ lương (không trả hoặc có trả nhưng chưa đủ) cho những lúc làm việc ngoài giờ thì mình có bắt buộc phải làm không? Đó là sự tự nguyện hay điều phải là để ghi điểm với sếp?
Câu trả lời là tuỳ từng tình huống:
1. Nhân viên kinh doanh thì mặc định ai cố gắng nhiều, chịu khó hỗ trợ và tư vấn khách hàng ngoài giờ nhiều thì sẽ được đền đáp xứng đáng bằng tiền hoa hồng. Nếu sau này đi làm các em sẽ thấy sự khác biệt rất lớn về lương của một nhân viên kinh doanh chăm chỉ và một nhân viên kinh doanh chỉ làm việc trong giờ hành chính. Hoa hồng chính là khoản đền đáp xứng đáng cho sự cố gắng của các em, các em làm thêm giờ vì chính bản thân mình chứ không phải để ghi điểm với sếp. Tất nhiên, điều đó cũng khiến sếp đánh giá cao các em, nhưng đó là kết quả, chứ không phải mục đích chính của mình.
2. Cấp quản lý chắc chắn sẽ nhận được mức lương cao hơn nhân viên bình thường, ít nhất là 50%. Ví dụ nhân viên lương 10 triệu thì quản lý sẽ có lương từ 15 triệu trở lên. Chức vụ càng cao thì lương càng cao và mình cần phải làm việc sao cho năng suất cao hơn hoặc ít ra cũng phải tương xứng với mức lương mình được trả. Khi nào các em còn thấy mình đang làm việc với năng suất ít hơn lương công ty trả mình thì hãy cứ làm thêm giờ đi, đừng đòi hỏi gì cả. Ít ra đó gọi là đạo đức nghề nghiệp!
3. Các công việc khác cũng tương tự như thế, các em cũng cần phải là việc sao cho tốt hơn hoặc tương xứng với mức lương mình được trả. Vì anh biết việc gì cũng sẽ có mùa bận và mùa rảnh, thì xem như bù qua sớt lại thôi ấy. Nhiều khi các em càng chăm chỉ, càng tham gia nhiều công việc, nhiều dự án thì mình lại càng nâng cao được kỹ năng bản thân và còn tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích nữa. Khi năng lực của các em được nâng cao thì mức lương sớm muộn cũng sẽ tăng thôi, lúc đó các em sẽ chẳng còn tiếc vì mình không được trả lương khi làm ngoài giờ đâu.
4. Tuy nhiên, anh không khuyên các em làm việc một cách mù quáng đến mức phải chịu thiệt thòi. Nếu các em đã làm rất tốt nhưng công ty bóc lột (anh tạm gọi là như vậy), lúc nào cũng bắt các em phải làm thêm rất nhiều việc mà không có sự bù đắp gì và họ xem đó là bổn phận của nhân viên, ai không làm thêm giờ thì bị mắng, bị kiểm điểm, bị sếp ghim,… thì các em nên xem lại, tìm một môi trường khác tốt hơn. Anh thật sự không đánh giá cao những công ty không chú trọng nhân sự như thế, các em chẳng cần lấy lòng ai ở đó cả.
>> Làm gì khi công ty chậm lương?
3. Bài học rút ra sau câu chuyện
1. Bất cứ ngành nghề nào, chức vụ nào thì cũng đều phải đối mặt với tình huống làm thêm giờ nhưng không được trả đủ lương cho khoảng thời gian ấy.
2. Tuỳ từng tình huống mà chúng ta sẽ có những quyết định phù hợp nhất cho bản thân mình, bản chất của làm thêm giờ là tự nguyện, vì bản thân mình, vì tinh thần trách nhiệm với công việc, vì đạo đức nghề nghiệp, chứ không phải để ghi điểm, lấy lòng hay nịnh bợ ai cả.
3. Những công ty bóc lột nhân viên, ai không làm thêm giờ thì bị mắng, bị kiểm điểm, bị sếp ghim,… thì không xứng đáng để các em cống hiến.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.