Ở ký túc xá là lựa chọn khá phổ biến của sinh viên đại học, đơn giản vì đây là phương án chỗ ở giúp các em tiết kiệm được nhiều chi phí, với số tiền thấp hơn nhiều so với thuê phòng trọ bên ngoài. Tuy nhiên, trước khi quyết định sẽ ở ký túc xá, thì sinh viên cần lưu ý & nắm được rằng mình cần tránh những điều gì khi ở ký túc xá đại học? Dưới đây là 5 điều sinh viên cần tránh:
1. Tránh đi chơi về khuya khi sinh viên ở ký túc xá
Nếu lựa chọn phương án thuê phòng ở trọ, thì sinh viên sẽ thoải mái giờ giấc hơn, nhất là với các phòng trọ không chung chủ, đưa chìa khoá cửa riêng, thì các em có thể ra vào nhà bất kỳ lúc nào, lâu lâu muốn đi chơi khuya, về trễ cũng chẳng sao. Tuy nhiên, khi quyết định sẽ ở trong ký túc xá đại học thì sẽ khác, hầu như tất cả ký túc xá đều sẽ có giờ giới nghiêm, nếu quá khung giờ quy định thì sẽ đóng cổng, nội bất xuất ngoại bất nhập, tức là nếu xác định hôm nào về trễ sau tầm 23h đêm thì sinh viên sẽ ngủ nhờ nhà bạn chứ không về phòng trong ký túc xá được.
Đây có thể xem là 1 sự bất tiện, nhưng cũng để đảm bảo an ninh, an toàn cho các em, lúc nào đi chơi cũng nhớ về sớm, không đi về khuya quá. Nếu bạn nào cho rằng mình có thể sắp xếp được, không có nhu cầu đi chơi về khuya, thì ở ký túc xá vẫn là lựa chọn tuyệt vời và phù hợp với túi tiền của sinh viên, còn khi cảm thấy quy định tránh đi chơi về khuya này bất tiện cho mình, không thích ở ký túc xá, thì các em có thể chọn thuê phòng trọ bên ngoài.
2. Tránh lén lút dẫn người ngoài vào trong ký túc xá
Đa số ký túc xá sẽ quy định rằng chỉ có sinh viên ở ký túc xá mới được tự do ra vào khuôn viên, và các em phải xuất trình thẻ ký túc xá ở cổng để bác bảo vệ kiểm tra. Nếu có ba mẹ, người thân lên thăm thì phải viết giấy xác nhận, ký tên, kèm theo để lại CCCD, rồi khi nào người thân về sẽ được gửi lại, đồng thời, ký túc xá cũng sẽ quy định rằng người thân chỉ đến vào ban ngày, không ở lại phòng qua đêm.
Tức là ba mẹ, người thân vẫn vào thăm sinh viên được, nhưng phải làm thủ tục, chứ các em không được lén lút dẫn vào, canh lúc bác bảo vệ sơ hở hoặc cố tình đánh lạc hướng để dẫn người ngoài vào khi chưa làm thủ tục, thì đây là hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm quy định và cần tránh khi ở ký túc xá đại học. Nếu bạn nào cố tình vi phạm và bị phát hiện thì sẽ bị lập biên bản và có khả năng không được phép ở trong ký túc xá nữa.
3. Tránh làm ồn ào, mất trật tự ở ký túc xá đại học
Mặc dù khi ở phòng trọ bên ngoài, ở ghép với các bạn khác thì sinh viên cũng cần tránh làm ồn ào, nhưng khi ở ký túc xá đông người hơn thì các em sẽ càng phải lưu ý điều này hơn. Chẳng hạn như phòng ký túc xá có 8 bạn, trong đó 2 bạn dễ tính ồn ào xíu cũng không sao, nhưng vẫn còn những bạn khác có thể khó tính hơn, nên sinh viên phải cẩn trọng hơn, hạn chế & tránh tối đa những hành động có thể gây ồn ào, mất trật tự khi ở ký túc xá. Mình giữ không gian yên tĩnh cho các bạn khác, thì các bạn ấy cũng sẽ yên tĩnh để mình tập trung học bài & nghỉ ngơi, đôi bên cùng có lợi.
Còn nếu các em có những thói quen, sở thích đặc biệt như hát karaoke, mở nhạc loa ngoài, nói chuyện lớn tiếng, thì sẽ không phù hợp lắm khi ở ký túc xá, lúc đó thì sinh viên nên lựa chọn thuê phòng trọ bên ngoài, nếu có ở ghép với ai thì cũng cần nói rõ với các bạn ấy từ đầu, nếu bạn đồng ý việc mình hát karaoke, mở nhạc, thì ở cùng, còn nếu bạn không đồng ý thì tìm bạn khác, hoặc các em ở trọ 1 mình luôn sẽ tiện hơn.
4. Tránh tuỳ ý đụng vào/sử dụng đồ cá nhân của bạn khác
Khi ở phòng ký túc xá chung với nhiều bạn khác, thì sinh viên cần đặc biệt lưu ý tránh tuỳ ý đụng vào hoặc sử dụng đồ cá nhân của bạn khác khi chưa xin phép, chưa hỏi ý kiến. Đây là quy tắc ứng xử thông thường, cho dù nội quy ký túc xá không nhắc tới điều này 1 cách chi tiết, nhưng giữa người với người thì đây là phép lịch sự tối thiểu, các em không thích ai đụng vào đồ của mình, thì chính mình cũng nên tránh tuỳ tiện sử dụng đồ của bạn khác, cho dù chỉ là các vật dụng bình thường như ly uống nước, bút, thước, thì cũng nên lịch sự hỏi ý trước khi dùng.
Có thể các em đang nghĩ rằng ủa nếu ở phòng trọ bên ngoài hay ở đâu cũng cần lưu ý tránh điều này, chứ đâu chỉ riêng gì khi ở ký túc xá, nhưng thật ra trong ký túc xá sẽ đông người hơn, nên tần suất các em nhìn thấy & muốn dùng đồ cá nhân của bạn khác sẽ cao hơn nhiều so với khi ở ghép chỉ 2-3 bạn ở phòng trọ bên ngoài, nên dù sao mình biết để lưu ý trước cũng sẽ tốt hơn, chứ không phải điều gì dư thừa hay làm quá vấn đề.
5. Tránh việc sống bừa bộn, mất vệ sinh khi ở ký túc xá
Khi sinh hoạt trong không gian chung, cũng tầm 8-10 người/phòng trong ký túc xá, thì mỗi bạn sinh viên cần lưu ý tránh việc sống bừa bộn, mất vệ sinh, kẻo khiến nội bộ bất đồng, cãi nhau chỉ vì vấn đề bừa bộn hay gọn gàng. Sau khi ăn uống xong, sinh viên cần lưu ý dọn dẹp sạch sẽ, lau chùi, rửa chén và vứt rác liền ở đúng nơi quy định, tránh để một đống nhìn thấy ghê, nhiều khi chuột bọ, kiến bu hay bốc mùi hôi thối trong phòng thì cũng ảnh hưởng rất nhiều tới các bạn khác. Mỗi người một tay, cùng nhau lưu ý giữ gìn vệ sinh, không phải điều gì quá khó hay to tát, nên sinh viên cần lưu ý khi muốn ở ký túc xá lâu dài nhé.
Bài viết này đã điểm qua 5 điều sinh viên cần tránh khi ở ký túc xá đại học để các em lưu ý. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên nên ở ký túc xá hay thuê phòng trọ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.