Home Công việc 4 Khó Khăn Khi Sinh Viên Tìm Việc Làm Sau Tốt Nghiệp

4 Khó Khăn Khi Sinh Viên Tìm Việc Làm Sau Tốt Nghiệp

by Hoàng Khôi Phạm
4 Khó Khăn Khi Sinh Viên Tìm Việc Làm Sau Tốt Nghiệp

Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên sẽ bắt đầu hành trình tìm việc làm, gửi CV, apply, ứng tuyển vào các công ty/công việc phù hợp với nguyện vọng & năng lực bản thân. Khi đó, cuộc đua tuyển dụng sẽ bắt đầu, các em sẽ cạnh tranh với những bạn ứng viên giỏi khác, cũng mới ra trường và đang tìm việc làm giống mình. Đương nhiên, đó cũng sẽ là 1 hành trình gian nan với nhiều thử thách đang chờ đợi, dưới đây là 4 khó khăn khi sinh viên tìm việc làm sau tốt nghiệp:

>> Xu hướng tuyển dụng sinh viên mới ra trường năm 2024

1. Tỷ lệ cạnh tranh cao khi sinh viên mới tốt nghiệp

Khó khăn đầu tiên mà tất cả sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt chính là tỷ lệ cạnh tranh cao khi tìm việc làm. Nguyên nhân cũng dễ hiểu, vì vào tầm tháng 6, tháng 7 hàng năm, có hàng ngàn sinh viên cùng tốt nghiệp ra trường, cùng bắt đầu hành trình tìm việc làm, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các công ty nếu có tăng thì cũng chỉ biến động tầm 10-20% so với bình thường, chứ không tới nỗi tăng vọt vào thời điểm ấy.

Nhu cầu tuyển dụng không thay đổi nhiều, trong khi nhu cầu tìm việc làm sau khi tốt nghiệp lại tăng vọt, dẫn tới cung không đủ cầu, kéo tỷ lệ cạnh tranh lên cao, gây khó khăn cho sinh viên mới ra trường khi apply, ứng tuyển việc làm. Đây là tình hình chung, các em phải đối mặt và tìm cách vượt qua, cố gắng chứng minh năng lực của mình trong các vòng tuyển dụng để tăng cơ hội được chọn, chứ bây giờ mà bỏ cuộc, chờ tới 2-3 tháng nữa thì mình lại bắt đầu đi làm chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

2. Khó khăn khi ra trường thiếu kinh nghiệm ứng tuyển

Một khó khăn khác mà đa số sinh viên mới tốt nghiệp cũng phải đối mặt khi tìm việc làm, đó chính là thiếu kinh nghiệm ứng tuyển, bao gồm việc chưa biết cách viết CV sao cho chuẩn chỉnh, chưa biết gửi email ứng tuyển sao cho chuyên nghiệp, và khi đi phỏng vấn thì cần chuẩn bị gì, mặc trang phục ra sao, làm sao để tự tin, trả lời tốt và thuyết phục được nhà tuyển dụng, thậm chí nhiều bạn còn ngây thơ tới nỗi mắc phải nhiều lỗi sai trong quá trình ứng tuyển, khiến mình bị trượt mất cơ hội việc làm, không được nhận vào làm việc dù năng lực của các em có thể đáp ứng & phù hợp với công việc đó.

Để khắc phục điều này, biến khó khăn thành lợi thế, thì sinh viên khi sắp tốt nghiệp cần phải sớm dành thời gian để tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm ứng tuyển, tập viết CV xin việc, rồi tự review xem nó có đầy đủ các nội dung cần thiết chưa, đọc xong có nêu bật được nhiều điểm mạnh liên quan tới chuyên ngành, tới công việc không, và tự tìm hiểu trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp, thử tự trả lời, tập dượt trước gương xem mình có tự tin, lưu loát chưa, hay có chỗ nào cần điều chỉnh, cần khắc phục không. Liên quan tới việc trau dồi kinh nghiệm ứng tuyển, thì Tự Tin Vào Đời cũng đã có rất nhiều bài chia sẻ, các em có thể tham khảo tại đây.

3. Khó khăn khi ra trường tìm việc vì yếu ngoại ngữ

Để mở rộng cơ hội việc làm, tự tin apply vào các công ty lớn, các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung, thì bắt buộc sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có sẵn vốn ngoại ngữ ở mức ổn áp, chẳng hạn như tự tin giao tiếp linh hoạt bằng Tiếng Anh. Chứ nếu bây giờ chưa giỏi ngoại ngữ, thì chính rào cản ngôn ngữ ấy cũng sẽ là rào cản gây khó khăn cho các em khi tìm việc làm. Đồng ý rằng vẫn có nhiều công việc không yêu cầu ngoại ngữ, không đòi hỏi nhiều về Tiếng Anh, nhưng khi chỉ xoay quanh các công việc ấy thì các em cũng đang tự giới hạn cơ hội việc làm của mình, không còn đa dạng và nhiều lựa chọn để apply như các bạn giỏi ngoại ngữ.

Rồi sau này khi đã đi làm nhiều năm, muốn phát triển bản thân hơn, xây dựng sự nghiệp vững mạnh hơn ở các môi trường quốc tế, thì cũng phải lật đật đi học thêm Tiếng Anh, mà vừa làm vừa học cũng sẽ khá cực, không phải ai cũng có thể cân bằng để học tốt được. Hãy nhớ rằng mới ra trường thiếu kinh nghiệm là tình hình chung, hầu như ai cũng vậy, còn chuyện thiếu ngoại ngữ là tình hình riêng của những ai chưa cố gắng, chưa dành thời gian trau dồi khi mình còn đi học. Vì thế, nếu đọc bài viết này khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, thì sinh viên hãy sớm nhận thức tầm quan trọng của ngoại ngữ và cố gắng học một cách nghiêm túc, bài bản, để sau khi tốt nghiệp mình sẽ tự tin hơn khi tìm việc, không phải đối mặt với những khó khăn, rào cản về ngoại ngữ nữa.

4. Tìm việc làm để kiếm tiền hay học hỏi kinh nghiệm?

Điều cuối cùng gây khó khăn cho sinh viên khi tìm việc sau tốt nghiệp chính là chưa có định hướng rõ ràng, mông lung, chưa hình dung cụ thể về công việc, rằng bây giờ mình muốn làm việc trong ngành nào, vị trí nào, thậm chí nhiều bạn còn bị mắc kẹt giữa lăn tăn rằng tìm việc làm để kiếm tiền hay học hỏi kinh nghiệm? Thật ra, định hướng nghề nghiệp là việc sinh viên cần làm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, phải vừa học vừa cảm nhận sự phù hợp/hứng thú của bản thân với các môn chuyên ngành, phải tìm hiểu trước về công việc tương lai xem sẽ làm những đầu việc gì, nhiệm vụ gì, và tự mường tượng xem khi làm những việc đó thì mình có thích không, có khả năng gắn bó lâu dài và đủ nhiệt huyết để hoàn thành tốt công việc không, chứ để tới khi ra trường rồi mà vẫn còn mông lung thì nó sẽ là một khó khăn lớn cho các em khi tìm việc. Lúc này không còn cách nào khác ngoài việc phải dành thời gian để lắng nghe bản thân, củng cố động lực và bắt đầu apply việc làm đúng chuyên ngành, rồi vừa làm vừa cảm nhận thêm xem sao.

Còn liên quan tới chuyện tìm việc làm để kiếm tiền hay học hỏi kinh nghiệm, thì các em không nên quá đặt nặng việc chọn 1 trong 2, mà hãy cân bằng luôn cả 2. Trong quá trình làm việc mình sẽ tập trung, cố gắng hết mình với công việc để học hỏi, trau dồi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời, chính điều đó cũng sẽ giúp các em hoàn thành tốt công việc, có cơ hội được tăng lương, nhận được mức lương tương xứng với những giá trị mình bỏ ra. Dù mới ra trường nhưng khi làm tốt công việc thì mình vẫn mang lại nhiều giá trị cho công ty, nên chuyện được trả lương cao, kiếm được nhiều tiền hơn cũng là điều hoàn toàn có thể, chứ không phải là mục tiêu gì quá xa vời. Hãy tin điều đó và nhẹ đầu hơn, đừng để nó khiến các em cảm thấy rối bời, gây khó khăn khi mình tìm việc.

Bài viết này đã liệt kê 4 khó khăn khi sinh viên tìm việc làm sau tốt nghiệp, và gợi ý một số cách để các em vượt qua. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích