Home Công việc Bị Chèn Ép Trong Công Việc Có Nên Phốt Lên Mạng Xã Hội Không?

Bị Chèn Ép Trong Công Việc Có Nên Phốt Lên Mạng Xã Hội Không?

by Hoàng Khôi Phạm
Bị Chèn Ép Trong Công Việc Có Nên Phốt Lên Mạng Xã Hội Không?

Những ngày qua, trên mạng xã xội đang xôn xao vấn đề một người kể lại chuyện mình bị chèn ép trong công việc, cảm thấy mọi chuyện bất mãn, không công bằng & minh bạch, nên muốn bóc phốt lên để mọi người cùng biết, tránh để những người khác gặp phải vấn đề tương tự, bị chèn ép giống mình trong tương lai. Điều này đã dấy lên nhiều luồng quan điểm trái chiều, có người đồng tình, cho rằng nên lên tiếng chứ không nên im lặng chịu trận, nhưng cũng có người phản đối, cho rằng đưa công việc cá nhân lên mạng xã hội là thiếu chuyên nghiệp, và các từ ngữ dùng trong những bài đăng đó cũng có phần xúc phạm đối phương. Vậy liệu bị chèn ép trong công việc có nên phốt lên mạng xã hội không?

Cảm giác bị chèn ép trong công việc sẽ ra sao?

Bị chèn ép trong công việc đương nhiên là một cảm giác rất khó chịu, bực bội, nhất là khi điều này đã lặp đi lặp lại trong suốt khoảng thời gian dài. Mỗi ngày đi làm bạn sẽ cảm thấy rất ấm ức, càng nghĩ tới những việc mà mình bị chèn ép, gây khó dễ, không minh bạch, chưa được giải quyết thoả đáng, thì bạn sẽ càng thấy bực tức và khó lòng kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình.

Chưa kể điều đó sẽ khiến bạn dễ bị vây quanh bởi luồng năng lượng tiêu cực, mất bình tĩnh, nhìn mọi sự việc với góc nhìn tiêu cực, thiếu khách quan, chẳng hạn như có những việc bình thường, những hành động, lời nói bình thường của người khác cũng khiến bạn cảm thấy bực bội, cảm thấy như đang muốn gây khó dễ, chèn ép mình? Tức là thay vì chọn góc nhìn đa chiều, thì bạn sẽ dễ rơi vào góc nhìn tiêu cực, chăm chăm soi mói, bới móc điểm chưa tốt của vấn đề, rồi từ đó lại càng tiêu cực hơn, bực bội hơn, mệt đầu hơn.

Xác định xem mình có thật sự bị chèn ép không?

Khi đang bị ngập chìm trong những suy nghĩ & cảm xúc tiêu cực như thế, bạn không nên để mình bị cuốn vào chúng tới nỗi mất kiểm soát, thay vào đó, hãy bình tĩnh, nhìn nhận và phân tích lại kỹ lưỡng, để xác định xem mình có thật sự đang bị chèn ép không, đồng nghiệp hoặc khách hàng, đối tác trong công việc có đang chèn ép, gây khó dễ cho mình, có đang cản trở công việc, làm việc bất nhất, xoay mình như chong chóng không?

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi việc cũng đúng theo ý mình, cũng diễn ra một cách thuận lợi, suôn sẻ như dự định, mà sẽ luôn có những khó khăn, thử thách, sóng gió có thể ập tới bất kỳ lúc nào, ngay cả với những người giỏi, xuất sắc trong công việc, hoặc ở trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, ở các công ty lớn, cũng hoàn toàn có thể xảy ra những điều khiến mình gây khó khăn, khiến mình phải nhận về những kết quả không như mong đợi. Nếu bạn đang đối mặt với những thử thách, những chuyện không thuận lợi như thế, thì đây cũng là điều bình thường mà bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải. Mỗi người sẽ có cách làm việc riêng, quan điểm riêng, mỗi công ty cũng có quy trình & cách vận hành riêng, có thể những điều đó mang tính rập khuôn, cứng nhắc, không linh hoạt theo mong muốn của bạn, thì bạn cũng đành chấp nhận thôi. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự cho rằng có gì đó sai sai, có nhiều điều bất nhất, khiến bạn khẳng định rằng mình đang thật sự bị chèn ép trong công việc, bị gây khó dễ này kia thì hãy trao đổi nội bộ trước.

>> Phải làm sao khi bị cấp trên chèn ép, đối xử không công bằng?

Làm việc nội bộ, trao đổi & đưa ra bằng chứng rõ ràng

Khi gặp trục trặc, mâu thuẫn, xích mích nói chung, hoặc khi cảm thấy mình đang bị chèn ép trong công việc nói riêng, thì điều đầu tiên bạn cần làm chính là giữ cho mình một cái đầu lạnh, một tâm lý bình tĩnh, thu thập các bằng chứng, dẫn chứng liên quan tới vấn đề của mình, sắp xếp chúng lại một cách logic, rồi tự nhìn nhận trước xem những gì mình đang nghĩ có đúng không, khi trao đổi lại với người khác cần nói như thế nào cho hợp lý, để người ta dễ nắm bắt được quan điểm & góc nhìn của mình. Sau đó, hãy làm việc nội bộ, trao đổi với những bên liên quan trong công việc của mình, với một thái độ bình tĩnh để cùng nhau giải quyết vấn đề, chứ không phải để vạch mặt hay tranh cãi, chỉ trích nhau thêm.

Cho dù bạn thấy đối phương sai rành rành, thì bạn vẫn cần lắng nghe lại quan điểm của họ, không ngắt lời, cứ nghe hết rồi lần lượt phản biện, trao đổi, làm rõ thêm với nhau, để cùng giải quyết một cách chuyên nghiệp với những người liên quan trực tiếp trong sự việc. Mọi chuyện sẽ êm đẹp, đôi bên sẽ vẫn làm việc bình thường với nhau trong tương lai, sẽ không có những chuyện mập mờ, thiếu minh bạch khiến bất kỳ ai cho rằng mình đang bị chèn ép nữa, đó là viễn cảnh thuận lợi mà bạn có thể sẽ đạt được. Tuy nhiên, lỡ sau khi trao đổi, làm việc nội bộ rồi mà vẫn chưa giải quyết vấn đề thoả đáng thì sao, bị chèn ép trong công việc có nên phốt lên mạng xã hội không?

Bị chèn ép trong công việc có nên phốt lên mạng xã hội không?

Bất kỳ vấn đề, sự việc & hành động nào cũng tồn tại 2 mặt: tích cực & tiêu cực. Chuyện bạn lên tiếng phốt trên mạng xã hội để tránh những người khác rơi vào tình huống bị chèn ép tương tự như mình trong tương lai, đó là ý tốt mà bạn nghĩ, bạn muốn hướng đến, và cũng có nhiều người ủng hộ việc dám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, công tâm trong công việc như này. Tuy nhiên, việc bóc phốt đồng nghiệp, đối tác, khách hàng lên mạng xã hội khi thấy mình bị chèn ép cũng tồn tại mặt tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới bạn, khiến cho hình tượng của bạn có thể trở nên xấu đi trong mắt người khác, những khách hàng, đối tác khác có thể sẽ dè chừng, không muốn làm việc với bạn trong tương lai, vì họ quan ngại rằng lỡ như trong công việc có những điểm không thể thoả thuận, không thể thống nhất quan điểm để bạn hài lòng, thì bạn lại đem mọi việc lên làm rùm beng, phốt này phốt kia lên mạng xã hội thì sao?

Có thể hành động hiện tại của bạn là có mục đích tốt, muốn cảnh báo để những người khác không bị chèn ép trong công việc giống mình, nhưng chuyện phanh phui công việc để phốt lên mạng xã hội vẫn luôn kéo theo những tác hại, ảnh hưởng tới hình ảnh, sự chuyên nghiệp và công việc của bạn trong tương lai. Mọi chuyện sẽ còn tệ hơn khi trong bài bóc phốt trên mạng xã hội của bạn lại dùng những từ ngữ nặng nề, xúc phạm, mất kiểm soát, cho dù đối phương có thật sự làm sai, thì bạn cũng không nên nhục mạ họ công khai như thế, rất nhiều người sẽ đọc và đánh giá con người, tư duy & phẩm chất của bạn, mình càng có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội thì càng phải tiết chế và kiểm soát lời nói, ngôn từ của bản thân.

>> Đi làm có nên nịnh sếp không, hay lo tập trung làm việc thôi?

Có được đưa các tin nhắn, thông tin công việc lên mạng không?

Liên quan tới việc phốt chuyện công việc lên mạng xã hội khi bị chèn ép, để tăng thêm tính thuyết phục cho những lời nói, lập luận của mình, thì có thể bạn sẽ nghĩ tới việc công khai những bằng chứng, tin nhắn, thông tin trao đổi công việc lên mạng luôn, kèm trực tiếp trong bài phốt của mình để mọi người cùng xem, cùng đánh giá và tin những gì mình đang lập luận hơn. Tuy nhiên, hành vi đó có thể vi phạm các nguyên tắc bảo mật trong công việc, thể hiện rằng bạn là người hoàn toàn có thể sẽ đưa những tin nhắn riêng tư, công việc này kia với người khác lên mạng luôn, sẽ càng khiến các đối tác, khách hàng, đồng nghiệp cảnh giác với bạn hơn, thậm chí chẳng ai muốn nhắn tin gì cho bạn nữa, sẽ hạn chế tiếp xúc để tránh một ngày nào đó mình bị đào bới các tin nhắn, bị chụp lại đưa lên mạng.

Ngoài ra, đối với đa số công ty, công việc, đều sẽ có ràng buộc quy định liên quan tới bảo mật, nếu bạn đi làm có ký kết hợp đồng lao động thì sẽ luôn có điều khoản bảo mật thông tin kèm theo, nếu bạn vi phạm điều đó, tự ý tiết lộ bí mật kinh doanh, data khách hàng, các thông tin dữ liệu bảo mật của công việc cho bên thứ 3, hoặc công khai lên mạng cho nhiều người cùng biết, thì khả năng cao rằng bạn sẽ phải đối mặt với các biện pháp phạt, đền bù hợp đồng, thậm chí có thể sẽ bị kiện vì vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm điều khoản bảo mật trong công việc.

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn có được góc nhìn đa chiều hơn xoay quanh chuyện bị chèn ép trong công việc, giúp bạn có được luồng suy nghĩ, hướng hành động một cách khéo léo, chuyên nghiệp hơn thay vì cứ đưa tất cả mọi việc phốt lên mạng xã hội. Liên quan tới vấn đề này vẫn sẽ có nhiều quan điểm trái chiều, tác giả cũng nêu lên quan điểm cá nhân nhưng cố gắng với một góc nhìn khách quan nhất, phân tích sự việc trên nhiều khía cạnh, chứ không chỉ trích bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào. Mong các bạn hãy đọc bài này với tinh thần cởi mở & hoà đồng nhé!

>> Phải làm sao khi sếp nói chuyện vô lý, áp đặt, cứng nhắc?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích