Đừng để bản thân thiệt thòi vì không biết những quyền lợi này, nhất là những bạn sinh viên mới ra trường đi làm. Bên cạnh việc tìm hiểu kinh nghiệm ứng tuyển, tối ưu cơ hội việc làm, thì các em cũng cần quan tâm tới các quyền lợi cơ bản mà bất kỳ ai đi làm cũng cần phải biết, nhất là trước khi đặt bút ký hợp đồng lao động. Rất nhiều trường hợp bị mất quyền lợi, thiệt thòi về lương, đãi ngộ, bảo hiểm, thậm chí còn phải đền bù thiệt hại cho công ty một số tiền không nhỏ khi nghỉ việc. Dưới đây là 5 quyền lợi & lưu ý bạn phải biết khi mới ra trường đi làm!
>> Xem thông tin tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở đâu?
1. Mới ra trường đi làm thử việc bao nhiêu tháng?
Thử việc là điều mà bất kỳ ai cũng phải trải qua trước khi được nhận vào làm nhân viên chính thức. Đây là giai đoạn mà công ty sẽ thử thách, đánh giá xem sinh viên mới ra trường có khả năng học hỏi, thích nghi và hoàn thành tốt những đầu việc được giao hay không, và mức lương được offer trong giai đoạn thử việc sẽ chỉ bằng khoảng 85% so với lương chính thức. Chẳng hạn như sau khi xin việc, các em deal được mức lương 7 triệu/tháng, nhưng khi thử việc sẽ chỉ nhận 85%, tương đương khoảng 5.95 triệu/tháng thôi. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi của mình, sinh viên mới ra trường cần nắm rõ rằng thử việc kéo dài tối đa bao nhiêu tháng?
Theo quy định của Luật Lao Động, thời gian thử việc nhiều nhất sẽ là 2 tháng, và hầu như tất cả công ty cũng đều lấy theo mốc đó, chứ hiếm có công ty nào chỉ thử việc 1 tháng. Tức là nếu mới ra trường đi làm mà công ty hay HR nói rằng thử việc 3 tháng, thậm chí 4 tháng, 6 tháng, thì điều đó đang vi phạm Luật Lao Động, ảnh hưởng tới quyền lợi về lương. Sinh viên mới ra trường cần lưu ý ghi nhớ điều này để tránh bị thiệt thòi.
2. Ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi khi đi làm
Khi mới ra trường đi làm, nhiều bạn chỉ quan tâm tìm hiểu cách viết CV, cách phỏng vấn xin việc, và khi nhận được mail báo pass thử việc, được nhận vào làm việc thì cực kỳ sung sướng, tự hào, quên mất rằng khi đó cần chú ý tới quyền lợi về hợp đồng lao động. Tức là khi công ty không nhắc gì tới việc ký hợp đồng lao động, mà sinh viên mới ra trường đi làm cũng bỏ qua, không nhắc hay hỏi gì, không ký kết bất kỳ hợp đồng gì (do không biết, không nghĩ rằng nó quan trọng), thì đây là một thiếu sót rất lớn, lỡ trong tương lai xảy ra tranh chấp liên quan tới tiền lương, tới công việc, thì sẽ không có cơ sở để được pháp luật bảo vệ. Thậm chí, khi không có hợp đồng thì công ty có thể cho các em nghỉ đột ngột bất kỳ lúc nào, không đền bù, không báo trước, cực kỳ rủi ro.
Hãy luôn yêu cầu công ty ký hợp đồng lao động một cách rõ ràng, minh bạch, trên hợp đồng cần thể hiện rõ về tiền lương, quyền lợi đóng bảo hiểm xã hội, ngày nghỉ phép có lương, các phúc lợi liên quan, điều khoản về thời gian cần báo trước khi muốn chấm dứt hợp đồng,… Đây cũng là các thông tin quan trọng mà sinh viên mới ra trường đi làm cần đọc kỹ trước khi đặt bút ký HĐLĐ để đảm bảo quyền lợi của mình.
3. Quyền lợi bảo hiểm theo quy định của Luật Lao Động
Khi sinh viên mới ra trường đi làm và có ký kết hợp đồng lao động, công ty sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ một phần để đóng BHXH, BHTN, BHYT cho nhân viên, và khi đóng bảo hiểm đầy đủ, các em sẽ được hưởng nhiều quyền lợi sau này, chẳng hạn như nhận trợ cấp thất nghiệp, được BHYT hỗ trợ chi trả khi khám chữa bệnh,…
Tuy nhiên, một số công ty sẽ có quy định riêng rằng, nhân viên khi làm việc đủ 6 tháng, hoặc khi đạt điều kiện nào đó (chẳng hạn như đạt target liên tục 3-4 tháng), thì mới được đóng BHXH. Sinh viên mới ra trường khi chưa có kinh nghiệm đi làm sẽ dễ dàng đồng ý với quy định đó, nhưng thật ra điều này đang khiến các em bị mất quyền lợi, không nên đồng ý với điều đó. Còn nếu công ty vẫn chắc nịch rằng đó là quy định chung, áp dụng cho tất cả nhân viên khi làm việc ở đó, thì hãy cân nhắc tới việc tìm một công ty khác.
4. Mới ra trường đi làm, bị công ty trừ lương thì sao?
Khi đi làm, tiền lương sẽ được trả theo năng lực của mỗi người, đồng thời, bên cạnh lương cứng (cố định mỗi tháng) cũng thường có một khoản lương theo KPI, dao động theo kết quả làm việc mỗi tháng. Nếu tháng nào có kết quả tốt, đạt KPI, thì tiền lương sẽ nhỉnh hơn so với những tháng làm việc kém hiệu quả. Đó là điều bình thường và hợp lý.
Tuy nhiên, sinh viên mới ra trường cần lưu ý rằng công ty sẽ không được quyền trừ lương hay phạt tiền người lao động, so với mức lương cứng đã nêu rõ trong hợp đồng, đây là quyền lợi được quy định rõ trong Luật Lao Động. Tức là khi người lao động làm việc chưa tốt thì sẽ bị mất phần lương KPI thôi, còn lương cứng vẫn sẽ giữ nguyên, đừng chấp nhận việc nếu không đạt KPI thì chỉ được nhận 70% lương cứng. Nếu lỡ bị công ty trừ lương mà không hợp lý, không liên quan gì tới các thoả thuận của đôi bên từ trước, thì đó là trường hợp công ty đang vi phạm Luật Lao Động, các em có thể gửi đơn lên thanh tra lao động để được hỗ trợ.
>> Công ty có được trừ lương, phạt tiền nhân viên đi làm trễ không?
5. Nghỉ việc cần báo trước bao lâu để đảm bảo quyền lợi?
Sinh viên mới ra trường khi lần đầu đi làm đương nhiên sẽ chưa có kinh nghiệm trong việc xin nghỉ, rằng muốn nghỉ việc cần báo trước bao nhiêu ngày, nếu báo gấp quá thì sẽ thế nào, có phải đền bù hợp đồng không? Đừng để bản thân phải đối mặt với chuyện đền hợp đồng chỉ vì không nắm rõ quy định này:
- Đối với hợp đồng lao động 12 tháng, khi nghỉ việc cần báo trước tối thiểu 30 ngày;
- Đối với hợp đồng lao động vô thời hạn hoặc thời hạn dài hơn, thời gian cần báo trước sẽ nhiều hơn, tuỳ theo thoả thuận ban đầu giữa đôi bên, và sẽ được ghi rõ trong hợp đồng lao động.
Tức là khi muốn nghỉ việc vì thay đổi định hướng hay vì bất kỳ lý do nào, thì các em cũng cần lưu ý báo trước đúng thời gian quy định, nếu báo đột xuất sẽ không được duyệt, hoặc thậm chí bị gán vào việc vi phạm hợp đồng, sẽ phải đối mặt với chuyện bồi thường hợp đồng cho công ty. Đồng thời, lưu ý rằng trước khi nghỉ việc, các em cần bàn giao công việc đầy đủ, nghiêm túc, không được nghỉ ngang mà không bàn giao, vì như thế sẽ có khả năng bị giam lương tháng cuối do chưa hoàn thành nghĩa vụ liên quan tới công việc.
Bài viết này đã điểm qua 5 quyền lợi & lưu ý mà sinh viên mới ra trường đi làm cần biết. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.