Home Học tậpHọc hành, thi cử Sinh Viên Có Nên Né Tránh Giảng Viên Khó?

Sinh Viên Có Nên Né Tránh Giảng Viên Khó?

by Hoàng Khôi Phạm
Sinh Viên Có Nên Né Tránh Giảng Viên Khó?

Cứ mỗi lần đến đợt đăng ký môn học (đăng ký học phần) thì đa số sinh viên đều cố gắng “giành giật” để chọn môn học, chọn lịch học, chọn giảng viên theo mong muốn của mình. Đối với sinh viên năm nhất, thì việc lựa chọn giảng viên là điều khá lạ lẫm, nhưng khi bước sang năm 2, năm 3, thì việc này đã trở nên khá phổ biến, vì các em cho rằng nếu chọn giảng viên dễ thì mình sẽ được điểm cao hơn. Nhưng liệu đó có phải quyết định đúng đắn? Sinh viên có nên né tránh giảng viên khó?

>> Phải làm gì khi gặp giảng viên khó tính, chấm điểm gắt gao?

Giảng viên ảnh hưởng thế nào đến điểm số?

Chắc chắn ít nhiều gì thì giảng viên cũng có ảnh hưởng đến điểm số của sinh viên. Vốn dĩ sinh viên có hiểu bài hay không, có nắm rõ bản chất kiến thức không, có biết cách ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tế không,… đều sẽ phụ thuộc vào cách dạy của từng giảng viên. Chính vì thế, việc sinh viên còn truyền tai nhau rằng, giảng viên này dạy buồn ngủ lắm, giảng viên kia dạy hay hơn, dễ hiểu bài hơn… là điều bình thường, vì các em đóng tiền đi học thì có quyền lựa chọn giảng viên phù hợp với nhu cầu học tập của mình, đây cũng chính là động lực để giảng viên tự nâng cao chất lượng giảng dạy của mình, vì dạy tốt thì mới có nhiều lớp, mới được học trò kính nể.

Dù có tác động đến điểm số nhưng giảng viên không phải người quyết định toàn bộ kết quả học tập của sinh viên, mà chính bản thân các em sẽ là người quyết định phần lớn điểm số của mình. Vì sao cùng một môn học, cùng một lớp, cùng một giảng viên, mà có những bạn đạt điểm cao, nhưng lại có những bạn đạt điểm thấp, thậm chí có bạn còn bị rớt môn? Đó là vì sự chăm chỉ, tập trung và quyết tâm học tập của các em khác nhau. Tức là chính ý thức học tập của sinh viên sẽ quyết định phần lớn đến điểm số của mình, còn giảng viên chỉ là người đồng hành, hỗ trợ các em tiếp thu kiến thức thông qua bài giảng thôi.

>> Sinh viên phải làm sao khi liên tiếp bị điểm kém?

Giảng viên dễ – Giảng viên khó

Dù không có định nghĩa rõ ràng, nhưng hầu hết sinh viên đều tự phân biệt được ai là giảng viên dễ, ai là giảng viên khó. Nếu học lớp của giảng viên dễ, các em sẽ ít bị áp lực điểm số, ngồi trong lớp học cũng thấy thoải mái hơn, nhưng vô tình điều này đã tạo nên sự chủ quan, thiếu tập trung và lười nhác cho sinh viên. Tức là giảng viên dễ quá thì các em không cố gắng học, không tập trung nghe giảng. Chính điều này đã khiến không ít sinh viên phải ngậm ngùi nhận điểm số thấp, thậm chí là bị rớt môn, cho dù giảng viên mà các em đăng ký học chấm điểm cực dễ. Chưa kể tới việc các em cũng sẽ không vững kiến thức chuyên ngành, ảnh hưởng xấu đến quá trình xin việc khi ra trường.

Còn nếu học giảng viên khó, thì tất nhiên sinh viên phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, áp lực học tập, áp lực điểm số, áp lực bài thuyết trình, tiểu luận nhóm, thậm chí sẽ luôn nơm nớp lo sợ bị điểm trừ vì không thuộc bài, không làm bài tập, không ghi chép bài, đi học trễ, nộp bài trễ,… và kinh điển nhất là việc giảng viên chấm điểm khó, khiến sinh viên khó lòng đạt điểm tuyệt đối, nên sinh viên mới có ý muốn né tránh giảng viên khó. Tuy nhiên, chính vì giảng viên khó như thế nên sinh viên cũng sẽ nghiêm túc hơn trong việc học, luôn đi học đầy đủ, làm bài đầy đủ, chịu khó ôn tập, dẫn tới việc kết quả học tập sẽ tốt hơn và nắm vững kiến thức chuyên ngành hơn.

Sinh viên có nên né tránh giảng viên khó?

Vậy sinh viên có nên né tránh giảng viên khó? Sau khi phân tích ở phần trên, thì chắc các em cũng tự có được câu trả lời cho chính bản thân mình rồi. Đừng sợ áp lực khi gặp giảng viên khó, vì áp lực học tập sẽ chỉ là chuyện nhỏ, sau này khi đi làm các em còn phải đối mặt với những chuyện áp lực hơn nhiều. Gặp giảng viên khó cũng xem như là cơ hội để sinh viên làm quen trước với những áp lực, để sau này đi làm lỡ gặp sếp khó tính thì cũng không bị bỡ ngỡ.

Mà thật ra đâu giảng viên nào muốn mình khó tính để bị sinh viên ghét, bị sinh viên né tránh, thật sự sự khó tính của giảng viên đều bắt nguồn từ việc mong muốn sinh viên tập trung hơn, chăm chỉ hơn, để có thể đạt kết quả học tập tốt nhất. Trước mặt sinh viên thì giảng viên khó tính vậy thôi, chứ khi chấm bài mà thấy các em làm bài tốt, đạt điểm cao, thì giảng viên sẽ là người vui nhất, hạnh phúc nhất, vì những người học trò nhỏ của mình đã hiểu bài, đã nắm vững những kiến thức mà mình truyền đạt, đã tích luỹ được đủ hành trang kiến thức để tự tin vào đời.

>> 3 lưu ý giúp sinh viên chinh phục các môn học khó

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích