Khi vào đại học, sinh viên phải đối mặt với khối lượng kiến thức khổng lồ và áp lực học tập luôn đè nặng trên vai. Mọi chuyện sẽ cực kỳ tồi tệ, bế tắc khi sinh viên không hiểu bài, ngồi trong lớp cứ như vịt nghe sấm, và những con điểm dưới trung bình ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Sinh viên không hiểu bài là do bản thân các em tệ, vô dụng, hay còn các lý do nào khác nữa, và có giải pháp nào để khắc phục không?
>> Cách học để sinh viên không bị rớt môn
1. Sinh viên mất căn bản từ các môn học đầu tiên
Các môn ở đại học sẽ liên quan chặt chẽ với nhau, kiến thức môn này sẽ là nền tảng để sinh viên hiểu bài, nắm vững kiến thức hơn ở các môn khác. Nhất là các môn nền tảng, đại cương hồi năm 1, nếu sinh viên chủ quan, lơ mơ, không chịu tập trung học đàng hoàng, để bị hổng kiến thức, thì càng học lên năm 2, năm 3, năm 4 sẽ càng bị đuối, dù có cố gắng tập trung nghe giảng thì cũng chẳng hiểu bài. Trong khi các bạn khác nếu đã vững kiến thức nền tảng, thì chỉ cần nghe lướt qua cũng hiểu, giảng viên giảng 1 lần là hiểu, không cần hỏi lại.
Để khắc phục tình trạng này, sinh viên cần ngay lập tức dành thời gian ôn lại các kiến thức ở các môn học đầu tiên, những môn mà mình đã chủ quan nên chưa vững kiến thức. Hãy mở lại giáo trình, đề cương, slide bài giảng để ôn lại, và kết hợp giải bài tập để dễ hiểu bài, dễ ghi nhớ kiến thức hơn.
2. Không hiểu bài vì phương pháp học chưa phù hợp
Mỗi giảng viên sẽ có cách giảng dạy, truyền đạt kiến thức khác nhau, nhiệm vụ của sinh viên là phải linh hoạt phương pháp học để thích nghi với từng giảng viên, từng môn học. Chứ không thể áp dụng 1 cách học duy nhất cho tất cả các môn. Và càng không thể copy cách học hồi cấp 3 để áp dụng vào môi trường đại học.
Có nhiều phương pháp khác nhau giúp sinh viên học hiệu quả, tăng khả năng hiểu bài, chẳng hạn như học bằng sơ đồ tư duy mind map, học bằng phương pháp Pomodoro, học nhóm cùng bạn bè, tự học, tự giải đề với sự tập trung cao độ, học bằng các app trên điện thoại, bằng cách hỏi đáp cùng Chat GPT,… Sinh viên hãy lần lượt thử từng phương pháp, rồi cân nhắc, đánh giá xem những cách học nào phù hợp với mình, sau đó sắp xếp chúng vào các môn học phù hợp, rằng môn A học theo cách nào, môn B học theo cách nào sẽ tốt hơn.
>> Học bài, học nhóm trong quán cafe có hiệu quả không?
3. Bị quá tải, kiệt sức, phân chia thời gian không hợp lý
Khi phải tiếp xúc với nhiều môn học khó, các kiến thức mà mình chưa từng học hồi cấp 2, cấp 3, cộng thêm cách giảng dạy ở đại học đòi hỏi sinh viên phải chủ động hơn, tự học, tự đọc tài liệu nhiều hơn, thì sinh viên sẽ dễ bị quá tải, kiệt sức, càng học càng đuối, dễ nản chí khi thấy mình không hiểu bài. Ngoài ra, khi phải học nhiều nhưng không biết cách phân chia thời gian hợp lý, thì sinh viên cũng không thể tối ưu kết quả học, thấy rằng mình cũng chăm chỉ, cũng ráng học nhưng kết quả lại không tốt, thì sinh viên sẽ càng nản hơn.
Để khắc phục tình trạng này, sinh viên hãy phân chia thời gian học thành thời gian biểu cụ thể, rằng mỗi ngày mình sẽ làm những gì, học những nội dung nào, cho từng buổi, từng khung giờ. Rồi đảm bảo giờ nào việc nấy, giờ học thì tập trung học, không được lo ra, bấm điện thoại, không được bỏ học để đi chơi. Và đặc biệt là các tiết học trên trường, sinh viên cần tuân thủ thời gian biểu, đi học đúng giờ, đầy đủ, không đi trễ về sớm, không cúp học, đảm bảo tập trung nghe giảng thì mới tăng khả năng hiểu bài. Chứ nếu vào lớp với đầu óc mơ màng, ngái ngủ, mất tập trung, uể oải, thiếu năng lượng (do quá tải khi không phân bổ thời gian hợp lý), thì sinh viên sẽ khó lòng hiểu bài, khó tiếp thu kiến thức. Để quản lý thời gian hiệu quả, sinh viên có thể sử dụng Gooogle Calendar.
Bài viết này đã điểm qua 3 lý do & giải pháp khi sinh viên không hiểu bài. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!