Thiếu tự tin khi thuyết trình là điểm yếu của khá nhiều sinh viên, nếu không sớm được khắc phục thì sẽ gây ra nhiều bất lợi cho các em trong quá trình làm việc & phát triển bản thân sau này. Để khắc phục nhược điểm ấy, thì sinh viên cần nắm được các lý do khiến mình bị run khi thuyết trình trước lớp, rồi dần khắc phục triệt để từng nguyên nhân. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời phân tích & note lại 4 lý do khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình:
1. Thiếu tự tin khi thuyết trình vì chưa nắm vững nội dung
Lý do đầu tiên khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình chính là chưa nắm vững nội dung. Đây là điều đơn giản và dễ hiểu thôi, vì khi chưa thuộc bài, chưa nắm nội dung kiến thức thì làm sao mà tự tin thuyết trình, làm sao mà nói trôi chảy trước cả lớp được? Chưa kể thêm áp lực về chuyện điểm số, rằng giảng viên đang ngồi dưới để quan sát, đánh giá, chấm điểm mình, mà bản thân sinh viên lại chưa nắm vững kiến thức, thì sẽ khó mà tự tin thuyết trình được. Ngoài ra, khi chưa nắm nội dung thì sinh viên có thể đối mặt với rủi ro bị quên bài, đang nói giữa chừng thì bị đứng hình, tự dưng mất tự tin hẳn. Hoặc các em cũng có thể quan ngại việc mình chưa vững nội dung, sợ sẽ khiến mình nhầm lẫn, nói sai kiến thức, đâm ra mất tự tin khi thuyết trình luôn.
Để tránh bị thiếu tự tin khi thuyết trình bởi lý do này, thì sinh viên cần chuẩn bị kỹ nội dung thuyết trình, nhất là khi làm theo nhóm thì phải đảm bảo tất cả thành viên trong nhóm + người thuyết trình phải hiểu toàn bộ kiến thức, không được học vẹt, học tủ. Mà đơn giản hơn thì ngay từ khâu chuẩn bị bài, soạn nội dung, thì tất cả thành viên đều phải nghiêm túc thực hiện và tích cực đóng góp, thảo luận nội dung cho bài thuyết trình, thì tự khắc các em sẽ hiểu bài và tự tin hơn khi đóng vai trò thuyết trình trước lớp.
2. Thiếu tự tin khi thuyết trình vì chưa chuẩn bị bài nói
Lý do tiếp theo khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình chính là chưa chuẩn bị bài nói, rằng mình sẽ nói những gì, câu cú ra sao, mở đầu thế nào cho ấn tượng, đặt câu hỏi tương tác ở những đoạn nào, cụ thể là các câu hỏi nào, cuối giờ sẽ tổng kết nội dung thế nào, có các ý quan trọng nào cần nhấn mạnh?
Tức là bên cạnh việc hiểu bài, nắm kiến thức, thì sinh viên cần đảm bảo rằng mình đã chuẩn bị kịch bản, nội dung bài thuyết trình sao cho trơn tru, để người nghe dễ hiểu, và để bản thân các em đỡ bị rối. Vì khi không chuẩn bị bài nói thì sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái nói lung tung, đang nói phần này lại chọt qua nội dung khác, rồi lại quay lại ý cũ, dắt người nghe đi vòng vòng, và như thế cũng khiến sinh viên thiếu tự tin, vì không biết tiếp theo nên nói gì? Hãy nhớ chuẩn bị nội dung bài nói trước nhé, nếu làm thuyết trình theo nhóm thì sẽ cùng các bạn khác thảo luận để chốt bài nói sao cho ổn áp nhất.
>> Nhóm trưởng cần làm gì trước buổi tập dượt thuyết trình?
3. Chưa tập dượt kỹ lưỡng trước khi thuyết trình
Khi đã hiểu bài, nắm vững kiến thức và chuẩn bị nội dung bài nói, thì sinh viên đã nắm chắc tầm 70% sự thành công của buổi thuyết trình. Tuy nhiên, vẫn còn 30% còn lại khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình, đó chính là vì chưa tập dượt kỹ, nếu chưa tập dượt thì sẽ dễ bị quên bài, đang nói thì khựng lại, khiến người nghe bị ngắt quãng cảm xúc, đang nghe mà bị ngưng giữa chừng, chưa kể tới trường hợp bị nói vấp, tẩu hoả nhập ma, nói lẫn lộn nội dung, hoặc đơn giản là câu cú khi truyền tải của mình sẽ chưa mượt, khiến người nghe thấy khó hiểu và người thuyết trình cũng thiếu tự tin luôn.
Vì thế, để giúp bản thân tự tin hơn và thuyết trình lưu loát hơn, thì sinh viên nên tập dượt kỹ với cả nhóm, tập luôn cả phần tương tác, đặt câu hỏi, nếu được thì tập dượt trước gương để xem cử chỉ, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể của mình sao cho ổn luôn.
4. Tâm lý bị run khi đứng trước đám đông
Bị run khi đứng trước đám đông là chuyện không của riêng ai, hầu như rất nhiều sinh viên rơi vào tâm lý này, nhất là khi lần đầu làm chuyện ấy, lần đầu đóng vai trò thuyết trình trước lớp. Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước, nhưng khi đứng trước lớp, có hàng chục bạn khác đang nhìn mình, có giảng viên đang quan sát và đánh giá, thì tự dưng tâm lý bị run lại xuất hiện, khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình.
Để hạn chế trường hợp này thì các em cần chuẩn bị kỹ hơn, càng chuẩn bị kỹ sẽ càng tự tin hơn, có thể nhìn vào các bạn cuối lớp thay vì nhìn các bạn bàn đầu, giảm bớt ánh sáng khi thuyết trình, nếu có chỗ nào lỡ quên ngang thì cứ nhìn qua slide để nắm keyword rồi mình sẽ thuyết trình tiếp. Những điều trên sẽ giúp sinh viên phần nào thoát khỏi tâm lý bị run, và khi đã vượt qua nỗi sợ, đối mặt với việc thuyết trình nhiều lần hơn, thì các em sẽ càng tự tin hơn và hoàn thành tốt hơn.
Bài viết này đã điểm qua 4 lý do khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Tân sinh viên làm sao để tự tin giao tiếp hơn?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.