Nghiện điện thoại là một thói quen không tốt, nó sẽ chiếm rất nhiều thời gian của sinh viên. Nhiều khi mình đang học cũng khó lòng tập trung được, vì học một tí thì lại liếc qua điện thoại một tí, rồi lướt lướt điện thoại suốt cả buổi chẳng học được gì. Nếu thói quen này kéo dài, sẽ trở thành một thói quen khó bỏ, sau này đi làm mà vẫn còn nghiện điện thoại thì cũng ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc. Vậy làm thế nào để sinh viên bỏ thói quen nghiện điện thoại? Hãy tham khảo ngay 5 cách sau.
>> Muốn thành công – Hãy rèn luyện 5 thói quen này
1. Quy định thời gian được dùng điện thoại
Để bỏ thói quen nghiện điện thoại, đầu tiên, các em phải thật kỷ luật với bản thân mình, các em hoàn toàn có thể dùng điện thoại với tần suất vừa phải, trong một số khung thời gian được quy định trước. Tức là hãy quy định rõ rằng những khung thời gian nào mình sẽ được dùng điện thoại để giải trí, chat, nghe nhạc, xem Youtube, lướt Facebook, Instagram, Tiktok,… Trong các khung thời gian đó, các em có thể thoải mái dùng điện thoại.
Theo gợi ý của anh thì khung thời gian này chỉ nên kéo dài khoảng 1-2 tiếng/ngày thôi (có thể chia nhỏ thời gian đó thành 2-3 khung giờ), không nên quá nhiều, vì nếu các em quy định đến 3-4 tiếng/ngày để dùng điện thoại thì vẫn tiếp tục thói quen nghiện điện thoại rồi. Đồng thời, một khi các em đã quy định thời gian thì cần phải thật kỷ luật để tuân thủ theo nó nhé.
2. Để điện thoại ở nơi mà mình không nhìn thấy
Ngoài khung thời gian được dùng điện thoại, các em có thể để điện thoại ở trong balo, trong ngăn bàn, nơi mà mình không nhìn thấy nó, để mình dần bỏ thói quen nghiện điện thoại. Để tránh bị lỡ các cuộc gọi và tin nhắn quan trọng, thì các em có thể để nhạc chuông và âm báo tin nhắn. Khi nào có điện thoại hoặc tin nhắn đến thì mình mới check, còn nếu không có thì mình tập trung học tập hoặc hoàn thành các công việc khác trong thời gian biểu của mình, không để mình bị mất tập trung bởi chiếc điện thoại.
>> Cách lập thời gian biểu học tập cho sinh viên
3. Tắt wifi, 3G để bỏ thói quen nghiện điện thoại
Cách tiếp theo để giúp sinh viên bỏ thói quen nghiên điện thoại chính là hãy tắt wifi, 3G. Điều này sẽ giúp các em tránh bị phân tâm bởi các thông báo nhảy ra liên tục từ điện thoại, tại nếu thấy các thông báo từ Facebook, Instagram, Messenger,… thì chắc chắn các em sẽ không kiềm lòng được, rồi vào điện thoại “làm này làm kia” hết cả tiếng đồng hồ. Đừng sợ sẽ bỏ sót những tin nhắn quan trọng ở Messenger, vì nếu có điều gì thật sự quan trọng cần các em phản hồi gấp thì mọi người cũng sẽ chủ động gọi điện cho các em thôi.
4. Giấu hoặc xoá các app khiến mình nghiện điện thoại
Một số app khiến sinh viên nghiện điện thoại có thể kể đến như Facebook, Messenger, Instagram, Tiktok, Youtube,… Để bỏ thói quen nghiện điện thoại, các em nên giấu các app này vào một nơi mà mình phải thao tác rất nhiều mới tìm được nó, chứ đừng để nó thẳng trên màn hình chính của điện thoại. Điều này sẽ giúp các em hạn chế được tình trạng mình tiện tay vào app vì nó hiện ra ngay trước mắt mình. À, trong những ngày ôn thi học kỳ, nếu các em muốn quyết tâm và tập trung học hơn thì có thể tạm xoá bớt các app này luôn, thi xong rồi mình tải về lại.
5. Dùng điện thoại một cách hữu ích hơn
Đồng ý rằng các app giải trí trên điện thoại cũng khá hữu ích, giúp sinh viên relax sau khoảng thời gian học tập căng thẳng. Tuy nhiên, các em có thể dùng điện thoại một cách hữu ích hơn bằng cách tải về các app học Tiếng Anh phổ biến, giúp mình biến chiếc điện thoại thành một công cụ hữu dụng để học Tiếng Anh.
Trong những lúc cảm thấy mình rảnh rỗi và muốn “chơi điện thoại”, thay vì mở Facebook, Tiktok,… thì các em hãy thử mở các app học Tiếng Anh lên xem. Có rất nhiều app học Tiếng Anh phổ biến, các em có thể tham khảo tại đây để tải về điện thoại của mình. Như vậy là thay vì mình phải xem điện thoại là kẻ thù của việc học, thì bây giờ nó lại là người bạn đồng hành của mình trên chặng đường học tập.
Hy vọng rằng 5 cách trên sẽ giúp các em bỏ được thói quen nghiện điện thoại và sử dụng điện thoại một cách hữu ích hơn. Hãy thử ngay hôm nay và cho anh biết kết quả nhé!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.