Em thấy môn học khó quá, em không tiếp thu được kiến thức, học mãi không hiểu, giảng viên chấm điểm cũng khó, em thấy em không học nổi nữa, giờ em phải làm sao để học tốt hơn? Dạo gần đây, anh nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự như trên, kiểu như các em đang cảm thấy bế tắc, mất động lực và tự ti về bản thân, cho rằng mình vô dụng, không biết phải làm sao để gỡ rối vấn đề. Dưới đây là 5 cách “tiếp lửa” khi sinh viên thấy chán học, mất động lực:
1. Lấy động lực từ thành công trong tương lai
Khi cảm thấy chán nản, mất động lực, thì sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái buông xuôi, chẳng muốn học, chẳng muốn làm gì nữa, đi học như người mất hồn, như đang bị bắt ép, vào lớp cũng lo ra, không tập trung nghe giảng, khi làm bài kiểm tra cũng không cố gắng ôn tập, không ráng làm cho tốt, mfa chỉ làm đại cho có, cho xong. Đây là tác hại cực kỳ nguy hiểm khi sinh viên mất động lực, càng để lâu thì càng kéo kết quả học tập đi xuống nhiều hơn, tiềm ẩn rủi ro bị rớt môn & không nắm vững kiến thức.
Để khắc phục được vấn đề này từ gốc, thì sinh viên cần lấy lại động lực bằng cách hình dung về thành công trong tương lai, rằng bây giờ mình ráng tập trung học tốt, vững kiến thức chuyên ngành, thì sau này mới tìm được công việc tốt, lương cao, mới có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, gặt hái nhiều thành công, được mọi người tán thưởng,… chính những thành công ấy sẽ giúp các em củng cố động lực học tập ở hiện tại. Ai cũng muốn tương lai mình sẽ thành công, kiếm được nhiều tiền, chứ đâu ai muốn mình bị thất nghiệp, phải sống trong cảnh túng thiếu, nghèo khó.
2. Đọc/xem các bài viết & video truyền động lực
Khi đang bị mất động lực, cảm thấy mơ hồ về năng lực bản thân, mông lung về tương lai, thì sinh viên nên đọc các bài viết hoặc xem các video truyền động lực, đưa ra lời khuyên liên quan tới tình trạng/vấn đề mà mình đang gặp phải. Có rất nhiều trang/kênh chia sẻ hữu ích cho sinh viên, giúp các em gỡ rối được các vấn đề trong chuyện học hành, thi cử, áp lực điểm số, xếp loại tốt nghiệp,… và Tự Tin Vào Đời cũng là một trong số đó, bắt đầu từ năm 2020, tới nay đã được 5 năm và có rất nhiều bài viết hữu ích cho sinh viên tại đây, và nhiều video chia sẻ trực quan, giải đáp đúng các chủ đề sinh viên đang quan tâm, thắc mắc.
Sau khi đọc/xem các bài viết & video ấy, thì sinh viên sẽ giải quyết được vấn đề hiện tại của mình, liên quan tới chuyện bị mất động lực, thay vì nghĩ rằng mình muốn buông xuôi, có học cũng chẳng giỏi được, thì sinh viên sẽ dần thay đổi quan điểm và tin rằng nếu mình cố gắng, tập trung hơn, thì hoàn toàn có thể học tốt.
3. Đặt mục tiêu từng bước phát triển bản thân
Khi áp dụng 2 cách trên, thì sinh viên cũng đã lấy lại được tầm 40% động lực cho việc học tập, để củng cố thêm, thì các em cần đặt mục tiêu từng bước phát triển bản thân. Tức là các em cần tin rằng bản thân mình hoàn toàn có thể tiến bộ, mình có khả năng làm được, chứ không phải người bất tài, vô dụng.
Khi có được niềm tin đó, cộng với mục tiêu phát triển bản thân một cách cụ thể & khả thi, chẳng hạn như mỗi ngày mình sẽ làm gì để nạp thêm kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng mềm, trải nghiệm sống,… không chỉ dừng lại ở chuyện học tập trên trường, mà sinh viên hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi ra cả trong chuyện tham gia CLB, đi làm thêm, giúp bản thân mình có nhiều cơ hội & khía cạnh để phát triển hơn, khám phá được nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân hơn. Lúc này, sinh viên không chỉ giải quyết được bài toán mất động lực, mà còn đang từng bước giúp mình phát triển hơn, hoàn thiện và vững vàng năng lực hơn.
4. Bắt đầu từ các điểm thú vị của từng môn học
Sau khi đã có động lực và tự tin bắt đầu hành trình chinh phục lại các môn học khó, thì nhiều bạn sinh viên sẽ lăn tăn rằng mình nên bắt đầu từ đâu để tăng khả năng học tốt, giúp việc học diễn ra suôn sẻ, duy trì được động lực chứ không bị chán, bị nản giữa chừng? Thì cách đơn giản nhất chính là sinh viên hãy bắt đầu từ các điểm thú vị của từng môn học. Vốn dĩ đó là các môn học liên quan tới chuyên ngành, tới công việc tương lai, do các em đã cân nhắc kỹ & lựa chọn theo đúng mong muốn và sự yêu thích của mình, nên đương nhiên trong từng môn ấy sẽ có các chủ điểm kiến thức mà các em thấy thú vị.
Nhiệm vụ của các em khi ôn lại các kiến thức ở các môn học cũ chính là hãy tìm ra các điểm thú vị của những môn đó, bắt đầu ôn tập từ đó thì càng học sẽ càng thấy môn học thú vị hơn, mình cũng sẽ hào hứng và chủ động hơn trong việc học. Hoặc khi tiếp xúc với các môn học mới ở học kỳ tiếp theo, sinh viên cũng có thể tìm các chủ đề thú vị của từng buổi học, đó sẽ là điều giúp các em hào hứng hơn để tập trung nghe giảng và tiếp thu kiến thức trong buổi học đó.
5. Tự hào, tự thưởng khi tiếp thu được kiến thức mới
Một giải pháp khác cũng rất hiệu quả khi sinh viên cảm thấy chán học, mất động lực, đó chính là hãy cảm thấy tự hào, tự đặt ra những phần thưởng khi bản thân học tốt, đạt điểm cao, hay đơn giản là mỗi khi mình tiếp thu được kiến thức mới, thì cũng có thể tự thưởng nho nhỏ cho bản thân rồi. Mặc dù nghe có vẻ con nít, tự nhiên phải ráng học tốt để được thưởng, nhưng đây cũng là giải pháp hữu hiệu với rất nhiều bạn sinh viên, nếu các em thấy nó phù hợp với mình thì cứ áp dụng thôi.
Lưu ý rằng hãy đặt các điều kiện đơn giản và phù hợp với năng lực hiện tại của mình, chứ sinh viên đừng đặt ra các điều kiện quá xa vời, phi thực tế, vì điều đó có thể khiến các em thấy chán nản, cho rằng mình có ráng cũng chẳng đạt được, rồi lại quay lại bài toán chán học nữa. Chẳng hạn như điểm trung bình tích luỹ của sinh viên đang là 2.2, thì hãy đặt mục tiêu học kỳ tiếp theo hoặc các môn học tiếp theo mình ráng lên 2.5 hoặc 2.6 thôi, cũng khá thách thức nhưng vẫn trong tầm tay, chứ đặt thẳng rằng phải đạt 3.0 thì sẽ khá xa tầm với, dễ bị nản, rồi bỏ cuộc ngay khi vừa bắt đầu.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 5 cách “tiếp lửa” khi thấy chán học, mất động lực. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.