7 Cách Để Sinh Viên Được Cộng Điểm Rèn Luyện Ở Đại Học

Người đi làm thường mong muốn được tăng lương, thăng tiến, và thường có xu hướng đong đếm thành công bằng thu nhập của mỗi người. Còn sinh viên thì khác, mục tiêu chính của các em là học tập, nên sẽ thường so sánh với nhau bằng điểm số, dựa vào đó để làm nỗ lực, để mình phấn đấu. Bên cạnh điểm học tập, thì sinh viên cũng quan tâm tới điểm rèn luyện, đó là một chủ đề luôn được thảo luận rất nhiều. Dưới đây là 7 cách để sinh viên được cộng điểm rèn luyện ở đại học mà các em có thể tham khảo:

>> Điểm rèn luyện và những điều sinh viên chưa chắc đã biết

1. Tham gia hội thảo được cộng điểm rèn luyện

Cách đầu tiên và đơn giản nhất để sinh viên được cộng điểm rèn luyện chính là tham gia các buổi hội thảo trong trường, đó có thể về chủ đề học thuật, kiến thức chuyên ngành, hoặc cũng có thể là các buổi hội thảo về kỹ năng sống, về giáo dục giới tính, do nhà trường hoặc các CLB/Đội/Nhóm tổ chức. Khi tham gia các buổi hội thảo này, sinh viên sẽ được cộng 1-2 điểm rèn luyện, sẽ tiếp thu, tích luỹ được nhiều kiến thức, hành trang hữu ích cho bản thân, được gặp mặt, lắng nghe và hỏi đáp trực tiếp với các chuyên gia, giảng viên hoặc các anh chị ban lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp, đây thật sự là những trải nghiệm tuyệt vời cho sinh viên, nhất là khi các em thật sự quan tâm về chủ đề của các buổi hội thảo ấy.

2. Tham gia các cuộc thi học thuật, phong trào

Bên cạnh chuyện tham dự hội thảo, thì nhiều sinh viên đại học cũng tích cực tham gia các cuộc thi học thuật, phong trào do ban chấp hành Khoa hoặc các CLB/Đội/Nhóm trong trường tổ chức. Các cuộc thi này thường sẽ được đặt bàn thông tin, truyền thông trong sảnh chính của trường, hoặc truyền thông trực tiếp tại từng giảng đường, nên sinh viên cũng sẽ dễ dàng nắm bắt thông tin, để cân nhắc, chọn lựa tham gia các cuộc thi mà mình thấy hứng thú, muốn thử sức. Khi đăng ký tham gia và hoàn thành vòng thi trắc nghiệm đầu tiên, thì sinh viên sẽ được cộng khoảng 2 điểm rèn luyện. Còn nếu các em vào được tận vòng chung kết và có đạt giải cao trong các cuộc thi ấy, thì có thể được cộng lên tới 5 điểm rèn luyện, vừa được giải thưởng, vừa được cộng nhiều điểm rèn luyện, nên không ít sinh viên đã lựa chọn cách này.

3. Tham gia các hoạt động, sự kiện, tình nguyện

Nếu cảm thấy chưa tự tin về khả năng của mình, thấy rằng đạt giải các cuộc thi là chuyện khá xa vời, thì sinh viên vẫn còn cách khác để được cộng điểm rèn luyện, đó chính là tham gia các sự kiện, hoạt động ngoại khoá, đi tình nguyện, tiêu biểu là chuyện tham gia các đêm gala văn nghệ, ngày hội truyền thống của trường, chương trình chào đón tân sinh viên, hội xuân, chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, và rất nhiều hoạt động thiết thực khác nữa. Khi tham gia các hoạt động này, sinh viên vừa được cộng điểm rèn luyện, vừa có nhiều trải nghiệm, rèn giũa bản thân, vừa là những hoạt động tích cực, có ý nghĩa với cộng đồng.

>> Điểm rèn luyện bao nhiêu thì đủ điều kiện xét tốt nghiệp?

4. Tham gia sinh hoạt CLB/Đội/Nhóm/Đoàn/Hội

Nếu sinh viên ngại chuyện phải cân nhắc, chọn lựa xem nên tham gia hoạt động nào, không muốn phải mất công suy nghĩ nhiều, thì các em có thể tham khảo tham gia sinh hoạt CLB/Đội/Nhóm/Đoàn/Hội, đây cũng là cách để sinh viên được cộng điểm rèn luyện. Tất nhiên, các em không nên tham lam vào quá nhiều tổ chức, mà chỉ nên lựa chọn tầm 2 CLB/Đội/Nhóm/Đoàn/Hội, thì mình mới phân bổ thời gian để tham gia một cách trọn vẹn được. Ngoài ra, nếu chỉ vào CLB cho có, tầm 2-3 tuần rồi nghỉ, không thấy đi sinh hoạt đều đặn, thì các em cũng sẽ không được cộng điểm rèn luyện đâu, vì thường thì vào cuối mỗi học kỳ, ban điều hành/ban chấp hành các tổ chức này sẽ cùng rà soát lại danh sách thành viên để cộng điểm rèn luyện cho đúng người, đúng những bạn thật sự có tham gia nhiều hoạt động.

Nếu làm thành viên thông thường, sinh viên sẽ được cộng 1-2 điểm rèn luyện, nếu giữ vai trò ban điều hành, ban chấp hành, sinh viên sẽ được cộng khoảng 2-3 điểm rèn luyện, với các cuộc thi, sự kiện của CLB mà mình giữ vai trò ban tổ chức, thì sinh viên thường sẽ được cộng thêm 1 điểm rèn luyện cho mỗi hoạt động. Tóm lại, khi tham gia sinh hoạt CLB/Đội/Nhóm/Đoàn/Hội và tích cực hoạt động, thì mỗi học kỳ sinh viên cũng sẽ được cộng sương sương khoảng 5-6 điểm rèn luyện rồi.

5. Cộng điểm rèn luyện khi làm ban cán sự lớp

Một cách khác để được cộng điểm rèn luyện chính là sinh viên giữ vai trò ban cán sự lớp, ban chấp hành chi Đoàn, chi Hội, hoặc thậm chí giữ luôn các chức vụ ở cấp cao hơn, cấp Khoa, cấp Trường thì cũng được cộng thêm khoảng 2-5 điểm rèn luyện cho mỗi học kỳ. Tất nhiên, không phải chỉ giữ chức vụ thôi là được, mà sinh viên còn phải thật sự có tâm, nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, thì mới được cộng điểm rèn luyện và cảm thấy xứng đáng với đặc quyền này của mình.

>> Các chức vụ trong ban cán sự lớp ở đại học

6. Cộng điểm rèn luyện khi được nhận giấy khen

Có một cách để được cộng điểm rèn luyện mà khá ít sinh viên biết tới, đó chính là khi các em nhận được giấy khen, thường sẽ là giấy khen về thành tích học tập vượt trội, đạt các giải thưởng lớn trong học tập, hoặc tích cực tham gia các phong trào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác Đoàn/Hội. Với các giấy khen này, sinh viên thường sẽ được cộng 3-5 điểm rèn luyện, và phải là giấy khen thì mới tính, chứ giấy chứng nhận thì sẽ không được cộng điểm rèn luyện.

7. Đạt điểm cao trong bài thu hoạch SHCD

Sau khi kết thúc tuần sinh hoạt công dân, sinh viên thường phải làm bài thu hoạch SHCD tính theo thang điểm 10, và kết quả điểm số của bài thu hoạch ấy sẽ được cộng trực tiếp vào điểm rèn luyện, sẽ có hẳn 1 mục riêng cho phần điểm này. Nếu đạt điểm SHCD cao, tầm 8-9 hoặc thậm chí 10 điểm, thì tất nhiên đây sẽ là lợi thế lớn giúp sinh viên tăng điểm rèn luyện. Tuy nhiên, nếu lỡ để bài thu hoạch SHCD bị điểm kém, chỉ vừa đủ 5 điểm thôi, thì tự dưng điểm rèn luyện của mình cũng sẽ thấp hơn, thiệt thòi hơn.

Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 7 cách để được cộng điểm rèn luyện ở đại học để các em cân đối thời gian cho những hoạt động/phương án này, chứ không nhằm mục đích cổ suý sinh viên chạy theo điểm rèn luyện một cách bất chấp, tham gia hoạt động một cách hững hờ, cho có, để có điểm rèn luyện. Thay vào đó, các em hãy chọn lựa ra các hoạt động mà mình thật sự quan tâm, có hứng thú để tham gia nhé. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Tuần sinh hoạt công dân là gì, có bắt buộc sinh viên tham gia không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?