6 Cách Giúp Sinh Viên Tiết Kiệm Chi Tiêu Mỗi Tháng

Là sinh viên, bên cạnh việc học tập thì các em còn phải đau đầu về việc chi tiêu mỗi tháng nữa, nhất là với các bạn ở xa phải thuê phòng trọ. Số tiền được ba mẹ cho thì giới hạn, mà các khoản cần chi tiêu lại quá nhiều, nào là tiền phòng, tiền ăn uống, chi phí di chuyển, chi phí mua dụng cụ học tập, chi phí đi chơi cùng bạn bè,… Đừng quá lo lắng, hãy cùng anh tham khảo 6 cách giúp sinh viên tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng nhé!

>> Sinh viên chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng

1. Đi học bằng xe buýt để tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng

Nếu đi học bằng xe máy, thì khoản tiền sinh viên phải chi tiêu mỗi tháng cho việc đổ xăng, gửi xe và dự trù hư xe sẽ rơi vào khoảng 400.000đ. Thay vào đó, nếu đi học bằng xe buýt thì sinh viên chỉ cần chi tiêu khoảng 150.000đ – 200.000đ/tháng cho việc di chuyển. Tất nhiên đi xe máy sẽ tiện hơn xe buýt nhiều rồi, nhưng nếu rơi vào mùa mưa thì ngồi xe buýt sẽ “bình yên” hơn. Hoặc nếu các em không muốn phải vật lộn với việc hít khói bụi, kẹt xe,… thì ngồi trên xe buýt đeo tai nghe, nghe những bản nhạc mình yêu thích cũng khá chill, mà còn giúp mình tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng nữa.

2. Ở ký túc xá thay vì ở trọ

Nếu ở trọ mà ở ghép thì sinh viên sẽ tốn khoảng 1.000.000đ – 1.500.000đ/tháng. Còn nếu ở ký túc xá thì các em sẽ chỉ tốn khoảng 500.000đ/tháng thôi. Vậy là sẽ tiết kiệm được khoảng 500.000đ – 1.000.000đ/tháng nếu sinh viên ở ký túc xá thay vì ở trọ. Đó là sự lựa chọn tối ưu nếu việc tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng cực kỳ quan trọng với các em. Còn nếu mà mình thích sự thoải mái, không thích bị ràng buộc quá nhiều bởi các quy định của ký túc xá thì các em có thể thuê phòng trọ bên ngoài. Mà thật ra ở ký túc xá cũng vui lắm nha. Các em có thể tham khảo thêm ở bài viết bên dưới.

>> 6 lý do sinh viên nên ở ký túc xá đại học

3. Tiết kiệm chi tiêu bằng cách tiết kiệm điện

Tiền thuê phòng trọ hoặc thuê ký túc xá thì cố định mỗi tháng rồi, tuy nhiên, tiền điện ở sẽ thay đổi tuỳ theo cách sử dụng điện của sinh viên. Các em có thể tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng bằng cách tiết kiệm điện. Cách dễ nhất để tiết kiệm điện chính là hạn chế sử dụng máy lạnh, chỉ nên dùng máy lạnh khi thật sự quá nóng, bật quạt mà vẫn còn nóng. Nếu các em đã quen dùng máy lạnh rồi thì điều này có lẽ hơi khó, tuy nhiên, hãy cố gắng tập từ từ, nếu các em thật sự muốn tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng của mình.

4. Giới hạn số lần ăn vặt, uống trà sữa

Trà sữa, bánh tráng trộn, xoài lắc… và rất nhiều món ăn vặt sinh viên xung quanh cổng trường đều có sức hút khó cưỡng đối với sinh viên. Chính vì thế, anh không nói rằng các em nên bỏ ăn vặt, vì điều đó là không thể. Nếu các em muốn tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng, thì nên giới hạn số lần ăn vặt, uống trà sữa lại. Chẳng hạn như mỗi ngày mình chỉ mua 1 món ăn vặt, hoặc nếu muốn tiết kiệm chi tiêu hơn thì 2 ngày mình mới ăn vặt 1 lần. À, điều này không chỉ giúp các em tiết kiệm, mà còn giúp mình ăn uống healthy hơn đó, sẽ tốt cho sức khoẻ các em nữa.

5. Hạn chế học nhóm ở quán cafe, trà sữa

Học nhóm là đặc sản không thể thiếu ở đại học, vì sinh viên sẽ phải thường xuyên làm bài tập nhóm, tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm, hoặc gần đến ngày thi các em cũng cần học nhóm cùng nhau. Để tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng, các em nên hạn chế học nhóm ở quán cafe, trà sữa, vì mỗi lần học nhóm như vậy cũng tốn tầm 40k mua nước luôn rồi. Thay vào đó, các em hãy thử học nhóm ở thư viện hoặc ở nhà một bạn nào đó trong nhóm xem.

Tất nhiên địa điểm học nhóm không phải do một mình các em quyết định, nhưng nếu mình muốn tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng thì các em hãy thử chủ động gợi ý địa điểm học cho nhóm và thuyết phục các bạn rằng học ở thư viện sẽ đỡ tốn kém hơn, khả năng cao là cả nhóm sẽ đồng ý đó.

>> Đâu là địa điểm học lý tưởng cho sinh viên?

6. Sinh viên tự nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng

Đối với việc ăn uống thiết yếu 3 bữa/ngày (không tính ăn vặt), thì sinh viên sẽ tốn khoảng 1.500.000đ/tháng nếu tự nấu ăn. Còn nếu các em ăn uống ngoài quán thì sẽ tốn khoảng 2.100.000đ/tháng. Vậy nếu muốn tiết kiệm khoảng 600.000đ/tháng thì sinh viên nên tự nấu ăn. Nếu các em không biết nấu ăn, đặc biệt là với các bạn nam, thì các em cũng nên dần tập nấu ăn, không khó lắm đâu. Hoặc các em có thể ở trọ chung với một bạn biết nấu ăn rồi mình học hỏi từ bạn đó, hoặc đơn giản là bạn đó phụ trách nấu ăn, còn mình phụ trách rửa chén cũng được.

Nếu thực hiện theo 6 cách trên, khả năng cao rằng các em sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí mỗi tháng. Hãy thử áp dụng ngay và nhắn lại cho anh biết rằng các em đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhé. Anh sẽ rất vui khi chia sẻ này hữu ích với các em và giúp các em tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng đó.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?