Ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta cũng đều phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure), tức là áp lực khi so sánh bản thân với những người có cùng độ tuổi, đồng trang lứa với mình, nhất là khi xung quanh mình có quá nhiều người giỏi, tài năng. Ở trường đại học, áp lực đồng trang lứa lại càng lớn hơn khi các em có thể dễ dàng so sánh với bạn đồng trang lứa về kết quả học tập, hoạt động phong trào, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ,…
>> Muốn học tốt nhưng quá nhiều áp lực – Làm thế nào để vượt qua?
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa là một loại áp lực do chính chúng ta tạo ra khi so sánh bản thân mình với những người đồng trang lứa ở xung quanh ta, và tự thấy rằng mình còn thua kém những người đó rồi tạo cho mình cảm giác tự ti, áp lực.
Peer pressure mang tính tích cực hay tiêu cực?
Áp lực đồng trang lứa sẽ mang về kết quả tích cực nếu như các em lấy điều đó làm động lực để mình nỗ lực, cố gắng, phấn đấu để bản thân mình ngày càng tiến bộ và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như là các em phấn đấu để học tập tốt hơn, giỏi ngoại ngữ hơn, thành thạo nhiều kỹ năng mềm hơn để mình không còn tự ti, áp lực khi so sánh bản thân mình với các bạn khác nữa.
Tuy nhiên, peer pressure cũng có thể mang về kết quả tiêu cực nếu như các em tự cảm thấy bản thân mình quá yếu kém, rồi đâm ra tự ti, không dám đối diện với mọi người và nghĩ rằng mình có cố gắng cách mấy cũng không bằng bạn bè được. Chính suy nghĩ tiêu cực này sẽ khiến các em khép mình lại, ngại khi so sánh bản thân với người khác và cực kỳ tự ti khi ra trường, xin việc.
Tóm lại, áp lực đồng trang lứa mang tính tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào cách các em đối mặt với nó. Vậy nếu muốn mạnh mẽ vượt qua nó và hoàn thiện bản thân hơn thì các em phải làm thế nào?
>> Thành công trong tương lai phụ thuộc vào hành động ở hiện tại
Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa cho sinh viên
Đầu tiên, các em cần phải gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực sang một bên. Hãy học cách tư duy tích cực trong mọi tình huống, vì nó sẽ giúp tinh thần các em thoải mái và có nhiều năng lượng tích cực để phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Nếu chưa biết làm thế nào để gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực sang một bên, các em có thể thử nghe một số bài hát mang tính motivation (tạo động lực) hoặc đơn giản là các bài hát mà em nghe xong cảm thấy yên bình là được, một số bài hát mà anh thường nghe là Unstoppable (Sia), Life Goes On (BTS), Firework (Katy Perry), Roar (Katy Perry).
Tiếp theo, các em cần xác định các mục tiêu mà bản thân mình muốn đạt được để không còn bị áp lực đồng trang lứa khi so sánh mình với bạn bè nữa, chẳng hạn như các mục tiêu về kết quả học tập, ngoại ngữ,… Các em lưu ý là nên đặt mục tiêu sao cho vừa sức và phù hợp với mình, chứ đừng cố đặt ra mục tiêu quá cao, mình không nhất thiết phải so sánh mình với người giỏi nhất đâu, mà hãy đặt mục tiêu làm sao để mình trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là được. Tức là các em phải hiểu thật rõ bản thân mình, để biết rằng nếu mình thật sự cố gắng, nỗ lực, thì mình có thể đạt được những kết quả gì.
Sau khi đặt ra các mục tiêu, thì hãy bắt tay thực hiện chúng tôi. Với các mục tiêu lớn, các em có thể chia chúng thành nhiều mục tiêu nhỏ, tương ứng với các cột mốc mà mình cần phải đạt được. Rồi cứ dần dần tiến lên phía trước, từng bước một, để hoàn thiện bản thân và đạt được từng cột mốc mà mình đã đặt ra. Chẳng hạn như về việc học, thật sự rằng mình không thể học giỏi ngay lập tức, mà các em cần trải qua một quá trình cố gắng, nỗ lực và nghiêm túc với mục tiêu đó thì mình mới có thể chạm đến mục tiêu đó.
Hãy biến áp lực thành động lực
Điều cuối cùng mà anh muốn nhắn nhủ với các em là hãy nhớ rằng áp lực đồng trang lứa – peer pressure – không phải là một điều gì đó quá ghê gớm, các em hoàn toàn có thể vượt qua được nó. Hãy tin vào bản thân mình, hãy biến áp lực thành động lực để mình cố gắng phấn đấu và hoàn thiện bản thân nhé. Anh tin rằng nếu các em cố gắng, nỗ lực thì sẽ sớm thành công và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chúc các em thành công!
>> Làm gì để giảm bớt áp lực học hành, thi cử?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.