Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 10, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về lập thời gian biểu, học vượt, tốt nghiệp loại giỏi và đi làm thêm kiếm được bao nhiêu tiền?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 8) – Tìm chỗ thực tập, bất lợi khi xin việc
1. Sinh viên có nên học vượt để tốt nghiệp sớm không?
Học vượt là việc sinh viên học nhiều môn hơn trong mỗi học kỳ, để rút ngắn thời gian học và tốt nghiệp ra trường sớm hơn. Chẳng hạn như chương trình học 4 năm, nếu học vượt thành công, có thể rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 3.5 năm. Nếu học vượt, tốt nghiệp ra trường sớm, các em sẽ đi làm sớm hơn các bạn đồng trang lứa, có nhiều cơ hội học hỏi, tích luỹ nhiều kinh nghiệm làm việc hơn. Tuy nhiên, học vượt cũng tiềm ẩn nhiều thử thách. Vậy sinh viên có nên học vượt không?
Mỗi người sẽ có khả năng học hỏi khác nhau, bạn nào tự tin rằng mình học tốt, chịu được áp lực học hành, thi cử nhiều hơn vì phải học nhiều môn hơn, nặng kiến thức hơn, thì có thể cân nhắc học vượt khoảng 1 môn/1 học kỳ. Còn nếu chưa tự tin về năng lực học tập, thấy học đúng chương trình cũng vất vả lắm rồi, sợ bị quá tải, tẩu hoả nhập ma, bị điểm kém khi học vượt, hoặc không có nhu cầu tốt nghiệp sớm, thì sinh viên cứ học bình thường, không nhất thiết phải đăng ký học vượt.
2. Cách lập thời gian biểu học tập cho sinh viên
Nhiều sinh viên không biết phân chia thời gian cho hợp lý, học tập theo ngẫu hứng, sẽ rất khó tập trung, dễ bị xao nhãng, vừa học vừa chơi, kéo theo rủi ro bị điểm kém. Làm sao để lập thời gian biểu học tập? Để lập thời gian biểu hiệu quả, sinh viên cần liệt kê đầy đủ các việc mình cần làm, liên quan tới học tập, chẳng hạn như học các môn trên trường, làm bài tập về nhà, ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới, học nhóm, họp team thuyết trình, tiểu luận,…
Sau đó, xếp các môn trên trường vào đúng lịch theo thời khoá biểu, rồi xen kẽ lịch ôn bài, làm bài tập, chuẩn bị bài mới khoảng 2-3 tiếng buổi tối. Còn các khung thời gian khác thì cân đối các việc còn lại sao cho hợp lý, chẳng hạn như học nhóm 1 tiếng, họp team thuyết trình 2 tiếng,… Khi đã lập ra được thời gian biểu học tập, sinh viên nên đưa lên Google Calendar để tiện quản lý. Các lịch sẽ đồng bộ về điện thoại và thông báo, nhắc lịch cho mình luôn, không sợ bị quên lịch. Sinh viên cũng cần tuân thủ thời gian biểu, giờ nào việc nấy, không vừa học vừa chơi, bấm điện thoại, xao nhãng bởi các chuyện khác, sẽ ảnh hưởng tới các lịch tiếp theo, và khiến mình học tập không hiệu quả.
3. Điều kiện để sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi
Trước tiên, sinh viên cần đáp ứng các điều kiện để được xét tốt nghiệp như sau:
- Còn đang trong thời hạn đào tạo tối đa;
- Tích luỹ đủ số tín chỉ của chương trình học;
- Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra của trường;
- Hoàn thành các khoá học, chứng chỉ bắt buộc.
Tiếp theo, sinh viên cần thoả mãn thêm các điề kiện để được tốt nghiệp đại học loại giỏi:
- Điểm trung bình tích luỹ đạt loại giỏi, từ 3.2 trở lên trên thang điểm 4;
- Không vi phạm kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên;
- Không học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học;
- Đáp ứng thêm các quy định khác của từng trường đại học (nếu có), chẳng hạn như về điểm rèn luyện.
4. Sinh viên làm thêm kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Đi làm part time giúp sinh viên có thêm thu nhập, trang trải được phần nào chi tiêu mỗi tháng. Vậy cụ thể số tiền mỗi tháng sinh viên có thể kiếm được khi đi làm thêm là bao nhiêu? Sẽ khó lòng có câu trả lời chính xác cho câu hỏi sinh viên làm thêm kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, vì nó còn phụ thuộc vào các em làm công việc gì và thời gian làm thêm nhiều hay ít. Tuy nhiên, anh sẽ cố gắng đưa ra mức ước lượng cụ thể nhất để các em tham khảo.
Sinh viên đi làm thêm thường sẽ được trả lương theo giờ hoặc theo mức cố định mỗi tháng. Nếu đi làm part time với lương cố định, số tiền thường sẽ rơi vào khoảng 2.500.000đ – 3.200.000đ/tháng. Nếu làm thêm trả lương theo giờ, thì thường rơi vào 22.000đ – 27.000đ/giờ. Tuỳ vào số giờ làm thêm nhiều hay ít mà số tiền kiếm được sẽ dao động khác nhau. Nếu làm part time 100 giờ/tháng, thì sinh viên có thể kiếm được 2.200.000đ – 2.700.000đ/tháng. Tuy nhiên, sinh viên đừng quên rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là học tập. Hãy phân bổ thời gian đi làm thêm sao cho hợp lý, đủ để có trải nghiệm và kiếm thêm một ít tiền trang trải chi tiêu thôi, tránh mải mê đi làm thêm rồi lơ là việc học nhé.
Cẩm nang sinh viên tập 10 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới lập thời gian biểu, học vượt, tốt nghiệp loại giỏi và đi làm thêm kiếm được bao nhiêu tiền? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 9) – Kỹ năng giao tiếp, đàm phán
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.