Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 27, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về Mùa Hè Xanh, học lại, ra trường trễ, mông lung về tương lai, không biết sau này sẽ làm gì,…
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 25) – Quay cóp bị phát hiện, ngành TCDN
Sinh viên có nên tham gia Mùa Hè Xanh không?
Mùa Hè Xanh là một chiến dịch lớn, được tổ chức vào tháng 6, tháng 7 hàng năm, bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa. Nhiều bạn sinh viên lăn tăn rằng có nên tham gia Chiến dịch Mùa Hè Xanh không? Khi tham gia Mùa Hè Xanh, sinh viên sẽ được tiếp xúc với các hoạt động cộng đồng như lớp học tình thương, thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, tuyên truyền bảo vệ môi trường,…
Bên cạnh những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm ý nghĩa, thì sinh viên cũng học hỏi được nhiều điều hữu ích khi tham gia Mùa Hè Xanh như tinh thần đồng đội, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, teamwork,… Mỗi người sẽ có quan điểm riêng, với anh thì sinh viên nên tham gia Mùa Hè Xanh trên tinh thần tự nguyện và nghiêm túc, không nên tham gia cho đông vui với bạn bè, vì thực tế cũng khá cực đấy.
Học lại là gì? Khi nào sinh viên phải học lại?
Học lại là việc sinh viên phải tham gia lại tất cả buổi học, làm lại toàn bộ bài thi, bài kiểm tra của môn học mà mình đã bị rớt và tính điểm lại từ đầu, giống hệt như khi học môn đó lần đầu tiên. Học 1 lần đã quá mệt mỏi, phải tiếp xúc với rất nhiều kiến thức phức tạp, vậy mà bây giờ phải học lại thêm một lần nữa, đây thật sự là cơn ác mộng của nhiều sinh viên. Vậy khi nào sinh viên phải học lại?
Khi rớt môn, điểm trung bình môn học dưới 4.0 trên thang 10 và trường không cho phép thi lại, thì sinh viên phải học lại để trả nợ môn, nếu không sẽ không thể tốt nghiệp ra trường. Thay vì xấu hổ khi phải học lại, thì sinh viên hãy nghĩ tích cực hơn, rằng đây là cơ hội để mình kéo điểm lên, được học lại 1 lần nữa để nắm vững kiến thức hơn, có kiến thức thì khi đi làm sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sinh viên không nên để rớt môn rồi học lại quá nhiều, vừa mất thời gian, vừa có nguy cơ bị hạ bằng đại học khi học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học, áp dụng cho xếp loại giỏi, xuất sắc.
>> Sinh viên rớt môn học lại 10 tín chỉ có sao không?
Sinh viên ra trường trễ có bị hạ bằng tốt nghiệp không?
Hạ bằng là trường hợp xếp loại tốt nghiệp của sinh viên bị hạ xuống một bậc, từ xuất sắc xuống giỏi, từ giỏi xuống khá. Đây là trường hợp cực kỳ đáng tiếc mà không sinh viên nào mong muốn. Hạ bằng tốt nghiệp áp dụng khi sinh viên đã từng bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên hoặc học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình, áp dụng với xếp loại giỏi, xuất sắc, không hạ bằng cho loại khá trở xuống. Vậy là không có quy định trực tiếp về việc sinh viên ra trường trễ sẽ bị hạ bằng. Tuy nhiên, nếu ra trường trễ vì rớt môn, học lại quá nhiều, quá 5% tổng số tín chỉ thì có thể rơi vào trường hợp bị hạ bằng tốt nghiệp.
Dành cho sinh viên không biết sau này sẽ làm gì…
Khi không biết mình có hợp với ngành hay không, sinh viên hãy dành thời gian nghĩ về công việc tương lai, xem mình thích làm công việc nào, việc đó có phù hợp với tính cách và khả năng của mình không? Sau đó, cân nhắc xem ngành học của mình sau này tốt nghiệp có phù hợp để làm công việc đó không. Nếu ngành học không phù hợp với công việc mình mong muốn thì đúng là các em không hợp với ngành. Khi thấy mình không hợp với ngành, sinh viên hãy xác định xem đâu mới là ngành mình muốn theo đuổi, có khả năng gắn bó lâu dài khi ra trường, rồi chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng liên quan tới ngành đó.
Với các bạn không biết sau này sẽ làm gì, lo lắng sẽ thất nghiệp vì học lực chưa tốt, thiếu kỹ năng, thì không còn cách nào khác ngoài chuyện phải tự định hướng và trau dồi những điều mình thiếu sót. Thiếu sót ở đâu sửa ở đó, yếu kém ở đâu thì trau dồi ở đó, miễn sao các em có tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, hoàn thiện bản thân và tin vào khả năng của mình thì sẽ ngày càng tiến bộ. Nếu vẫn còn lăn tăn về tương lai, chưa chắc rằng sau này sẽ làm việc gì, thì sinh viên có thể đi thực tập một số công việc mà mình có hứng thú, rồi đánh giá xem đâu mới là công việc chân ái của mình.
Cẩm nang sinh viên tập 27 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện Mùa Hè Xanh, học lại, ra trường trễ, mông lung về tương lai, không biết sau này sẽ làm gì,… Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 26) – Điểm rèn luyện, học quân sự nội trú
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.